Đảng Cộng sản Việt Nam, những cột mốc đáng ghi nhớ (Kỳ 1)

Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930. Tháng 1/2026, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sẽ diễn ra. Mỗi cột mốc trong chặng đường lịch sử của Đảng luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc là những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam.

Kỳ 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trước Nguyễn Tất Thành ra đi, nhiều sĩ phu, những người yêu nước Việt Nam đã trăn trở suy tư tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam song đã không tìm thấy.

Ra đi từ năm 1911, song phải đến mùa thu năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp). Ngày 25 đến 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Tours) với tư cách là đại biểu Đông Dương. Ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, kể từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc chính thức thay đổi con đường cứu nước từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.

Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ 9 thành viên của Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ (Tâm Tâm xã là một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc được thành lập ở Trung Quốc vào năm 1923). Như vậy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bao gồm các thành viên lớp đầu tiên: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lâm Đức Thụ.

Năm 1929, trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hình thành 2 tổ chức cộng sản là: Đông Dương Cộng sản đảng (tháng 6/1929). Đây là tổ chức của những đảng viên tiên tiến ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản đảng (8/1929), tổ chức của các đảng viên còn lại của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Trung Kỳ. Cũng trong thời gian ấy, một bộ phận tiên tiến của Tân Việt Cách mạng đảng từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) đã thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929).

Yêu cầu ấy đặt ra một nhiệm vụ cấp thiết là phải có một chính đảng của giai cấp vô sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Quốc tế III) đã yêu cầu Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam để thành lập một chính đảng thống nhất. Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì với sự tham dự của 2 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liêm; 2 đại biểu ở nước ngoài là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn dù có rất nhiều công lao cho quá trình tổ chức hội nghị song không phải là đại biểu chính thức của hội nghị. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không có đại biểu tại hội nghị vì không kịp có mặt, tuy nhiên sau đó, ngày 24/2/1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tuyên bố chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, hội nghị thành lập Đảng có 5 đại biểu. Hội nghị đã quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng như: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi.

Như vậy, về mặt danh nghĩa và chính thức thì Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ của Đảng, là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 4/1930, đồng chí Trần Phú được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công cùng Ban Thường vụ Trung ương chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 1 và dự thảo cương lĩnh chính trị.

Hội nghị lần thứ 1 tháng 10/1930 quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Hội nghị đã thông qua Luận cương chính trị. Ngày 19/4/1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú bị thực dân Pháp bắt tại nhà số 66 đường Champagne (đường Lý Chính Thắng hiện nay). Ngày 6/9/1931, Tổng Bí thư Trần Phú qua đời tại nhà thương Chợ Quán - sau khi chịu cực hình tra tấn của thực dân Pháp với lời nhắn nhủ các đồng chí trong Đảng: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Sau khi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư của Đảng bị bắt, tra tấn và hy sinh, từ năm 1930 đến 1935, chức vụ Tổng Bí thư của Đảng bị khuyết. Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930, thực dân Pháp tăng cường đàn áp khốc liệt các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong giai đoạn 1930 – 1931, hầu hết các tổ chức cộng sản tại Đông Dương lần lượt bị khủng bố. Trước tình hình nguy ngập ấy, Năm 1932, Quốc tế Cộng sản ra chỉ thị phải xây dựng lại tổ chức cộng sản ở Đông Dương. Tháng 6/1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Hội nghị đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban Chỉ huy hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ ngày 28 đến 31/3/1935, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội có 13 đại biểu, lúc này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự được. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết), đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.

Tại Hội nghị Trung ương năm 1936, đồng chí Hà Huy Tập đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, đồng chí Hà Huy Tập thôi chức vụ Tổng Bí thư và đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (khi ấy đồng chí Nguyễn Văn Cừ 26 tuổi). Tháng 1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và ngày 28/8/1941 đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… bị thực dân Pháp xử bắn tại trường bắn Hóc Môn.

Như vậy, chỉ trong 4 năm từ năm 1936 đến năm 1940 đã có 3 đồng chí lần lượt thay nhau giữ chức vụ Tổng Bí thư của Đảng. Điều đặc biệt là cả 4 đồng chí khi giữ các trọng trách này đều còn rất trẻ tuổi (Tổng Bí thư Trần Phú trước đó 26 tuổi, đồng chí Lê Hồng Phong 33 tuổi, đồng chí Hà Huy Tập 30 tuổi, đồng chí Lê Hồng Phong 33 tuổi và đồng chí Nguyễn Văn Cừ 26 tuổi). Cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đều bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh trong quá trình hoạt động cách mạng. 2 đồng chí hy sinh trong thời gian bị giam giữ, tù đày; 2 đồng chí bị thực dân Pháp xử tử hình.

Tháng 28/1/1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam lãnh đạo cách mạng trong nước. Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp tại Bắc Ninh). Hội nghị đã cụ thể hóa chủ trương chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trung tâm và cao hơn hết thảy. Hội nghị đã khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Đây chính là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện thời. Dự kiến hình thức khởi nghĩa là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa.

Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi hỏi độc lập tự do cho toàn dân tộc, thì không những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến hàng vạn năm cũng không đòi lại được”. Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, kể cả xu hướng chính trị, cùng nhau giải phóng và sinh tồn. Hội nghị đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 8/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương với gần 5 nghìn đảng viên - trong đó có một số đồng chí đang bị thực dân Pháp giam giữ tại các nhà tù - đã lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền trong cuộc cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày 2/9/1945. Đảng Cộng sản Việt Nam, từ một chính đảng bị thực dân Pháp xếp ngoài vòng pháp luật đã chính thức trở thành đảng cầm quyền kể từ ngày 2/9/1945.

VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/dang-cong-san-viet-nam-nhung-cot-moc-dang-ghi-nho-ky-1-fae1006/
Zalo