79 năm vững bước đi lên
Tết Độc lập tiếp tục tiếp sức cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường, vững bước đi lên để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc
Ngày 2-9 hằng năm, đối với dân tộc Việt Nam đã trở thành một trong những ngày lễ trọng đại: ngày Quốc khánh - ngày Tết Độc lập, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ với cảm xúc trào dâng và khát vọng vươn lên của toàn dân.
Truyền cảm hứng mãnh liệt
Chúng ta hãy cùng lật giở lại những trang báo ghi lại thời khắc trọng đại của dân tộc ta để có thể cảm nhận được rõ hơn không khí và cảm hứng của ngày Tết Độc lập. Trung Bắc Chủ nhật - một trong những tờ báo công khai lớn nhất thời đó - đã dành trọn trang nhất số 261, ra ngày 9-9-1945, để đăng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Võ An Ninh chụp. Đây có lẽ là một trong những bức chân dung đẹp nhất của Người lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo công khai để đến được với hàng chục triệu người Việt Nam trên các vùng miền của Tổ quốc.
Tiếp đó tờ báo này đã dành trọn vẹn 2 trang để đăng bài của ký giả Tùng Hiệp: "Hôm nay là ngày Độc lập! Muôn năm Độc lập! Độc lập muôn năm!". Bài báo mở đầu với những dòng chữ tràn đầy cảm hứng: "Tết Nguyên đán vào hạ tuần tháng Bảy! Độc lập! Độc lập! Tiếng điện này hôm nay vang lên trong không khí như một tiếng nổ vang từ Bạch Mai qua phố Huế đi thẳng lên Quán Thánh, chợ Bưởi, vang từ Chèm, Vẽ lướt qua Nghi Tàm mà về tận làng Thanh Trì. Độc lập! Độc lập! Vang lên từ Hà Nội tới Sài Gòn".
Bài báo ghi lại: "Ngày Độc lập này quả thật còn có vẻ Tết hơn một trăm ngày Tết khác. Trong thành phố không ai là không lau chùi nhà cửa! Bàn thờ thì đèn nến thắp sáng trưng, hương trầm nghi ngút. Dân Hà Nội cúng bái tổ tiên và khi dâng rượu lên thì những tràng pháo dài thi nhau nổ vang lên khắp phố".
Rồi dòng người như thác cùng nhau đổ dồn về Vườn hoa Ba Đình. Họ cùng hồi hộp, háo hức mong chờ thời khắc thiêng liêng trọng đại: "Tới 14 giờ 25 phút, giữa muôn vạn tiếng hoan hô dậy trời, dậy đất, đoàn ô tô mới tiến tới gần khán đài. Đột nhiên yên lặng. Một triệu người nín thở để nhìn một người! Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài (...) Người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một bộ mặt xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã lộ ra (...) Người ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh!".
Đã gần 8 thập kỷ qua đi, những trang báo xưa như vẫn còn tươi mới và tiếp tục truyền lại cho mai sau niềm cảm hứng mãnh liệt của thời khắc dân tộc Việt Nam tự mình vùng lên phá tan các xiềng xích nô lệ, cùng siết chặt đội ngũ với lời thề Độc lập thiêng liêng: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Phát huy, vận dụng sáng tạo
Cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất năm xưa còn để lại cho dân tộc ta những bài học có giá trị trường tồn cần tiếp tục được phát huy, vận dụng sáng tạo trong bối cảnh ngày nay.
Đó là bài học đại đoàn kết dân tộc. Tháng 5-1941, bên bờ suối Khuổi Nậm (Pác Bó, Cao Bằng), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trung ương Đảng đã nêu ra nguyên tắc chính trị quan trọng, mở đường cho việc kiến tạo khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc đấu tranh sinh tử giành độc lập dân tộc: "Quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc". Đảng xác định "phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân". Phương pháp đó là giương cao ngọn cờ đại nghĩa dân tộc để quy tụ mọi nguồn sức mạnh dân tộc, từng bước kiên trì xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Ngọn cờ đại nghĩa dân tộc của Đảng và Mặt trận Việt Minh càng ngày càng quy tụ được lực lượng đông đảo hơn, trở thành làn sóng lấn lướt tất cả những xu hướng chính trị khác nhau lúc bấy giờ, để đến thời khắc nhất định, đến cả vua Bảo Đại cũng nhận ra "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết" và ngày 17-8-1945, ông tuyên Chiếu rằng: "Trẫm để hạnh phúc của Việt Nam lên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ". Hai ngày sau, chính nhà Vua lại ban Chiếu mời Mặt trận Việt Minh đứng ra lập Nội các mới. Đây chính là động thái mở đường để vua Bảo Đại chính thức thoái vị vào ngày 30-8-1945...
Đến tận hôm nay bài học về khối đại đoàn kết dân tộc vẫn còn nguyên giá trị khi cả nước ta cùng phải ra sức nỗ lực, chung tay vượt qua những thách thức khổng lồ của thời đại, để đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển, hội nhập thành công để tỏa sáng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Muốn đến được bến bờ đó thì sự đồng thuận cao của toàn dân, duy trì sự ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy cao độ và chung đúc được ý chí tự cường vươn lên chính là điều kiện tiên quyết, quyết định nhất.
Bên cạnh đó là bài học về chớp thời cơ. Thực tế cho thấy thời cơ thuận lợi cho nhân dân ta nổi dậy giành lại giang sơn chỉ xuất hiện và tồn tại trong khoảng 2 tuần lễ, từ ngày 15-8, tức là khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, đến ngày 30-8-1945, khi toán quân Tàu Tưởng đầu tiên tiến vào nước ta dưới danh nghĩa Đồng Minh. Nếu bỏ lỡ thời cơ này thì việc giành lại độc lập, tự do của dân tộc ta sẽ vô cùng khó khăn.
Nhận thấy rõ điều này nên dù đang ốm rất nặng, khi vừa dứt cơn sốt, Bác Hồ đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp và các cán bộ lãnh đạo Đảng: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". Và Người đã hối thúc quyết liệt việc triệu tập Quốc dân Đại hội, rồi ngay ngày 16-8-1945 đã thống thiết kêu gọi toàn dân ta dũng cảm đứng lên "đem sức ta mà giải phóng cho ta".
Bài học về chớp thời cơ đó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc ta ngày hôm nay, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang tới nhiều thách thức to lớn nhưng cũng đưa lại những thời cơ lịch sử để chúng ta chiếm lĩnh các thành tựu khoa học và công nghệ, thực hiện thành công chiến lược phát triển rút ngắn để đưa nước ta gia nhập hàng ngũ các quốc gia phát triển. Muốn làm được như vậy chỉ có con đường duy nhất là đổi mới sáng tạo và chủ động hội nhập. Nếu chúng ta không chủ động dấn thân vào con đường đó thì dân tộc ta sẽ bỏ lỡ thời cơ lịch sử và sẽ bị tụt hậu xa hơn, lâu dài hơn. Mong rằng hào khí non sông ngày Tết Độc lập sẽ cho chúng ta thêm niềm tin để tiến bước.
Không thụ động ngồi chờ
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng để lại cho chúng ta bài học về sự bản lĩnh và sáng tạo. Khi "Lệnh khởi nghĩa" của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được phát đi từ Tân Trào, do điều kiện giao thông khó khăn lại thêm cảnh lụt lội khắp vùng Bắc Bộ nên chỉ có lãnh đạo Việt Minh ở một số tỉnh, thành nhận được. Nhưng ở các nơi, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn, cán bộ lãnh đạo Đảng và Việt Minh đã không thụ động ngồi chờ. Căn cứ vào Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, họ đã chủ động thăm dò quân Nhật và chính quyền bù nhìn rồi kịp thời tổ chức, lãnh đạo nhân dân nhất tề vùng lên giành lấy chính quyền. Hơn nữa, biện pháp giành chính quyền ở mỗi nơi đều rất sáng tạo và vô cùng linh hoạt phối hợp các lực lượng, hình thức đấu tranh, phối hợp nhịp nhàng ở cả thành thị và nông thôn.
Bài học bản lĩnh và sáng tạo vô song đó vẫn còn nguyên vẹn giá trị với chúng ta hôm nay. Trên con đường chủ động hội nhập quốc tế và đổi mới sáng tạo, chúng ta không được phép tự trói buộc mình vào bất kỳ lề thói, đường mòn nào của tư duy. Chỉ có sáng tạo không ngừng với bản lĩnh và niềm tin chắc chắn vào chế độ và tiền đồ dân tộc, chúng ta mới có thể chiếm lĩnh được cơ hội trong cuộc cạnh tranh và biến đổi toàn cầu.