'Lời tự tình của biển' - một sắc màu riêng của thơ Phạm Ánh Sao

Tập thơ 'Lời tự tình của biển' đã làm rõ nét một Phạm Ánh Sao chuyên tâm và dành hết trí tuệ, tâm huyết của mình với chủ đề biển đảo.

"Lời tự tình của biển" là tập thơ có nhiều bài thơ hay về chủ đề biển đảo của nhà thơ Phạm Ánh Sao

"Lời tự tình của biển" là tập thơ có nhiều bài thơ hay về chủ đề biển đảo của nhà thơ Phạm Ánh Sao

Đêm nay đứng gác

Bầu trời đầy sao

Những ngôi sao mang dáng hình Tổ quốc.

Đó là khổ thơ khá ấn tượng trong bài "Gác dưới trời sao" cho thấy không chỉ trách nhiệm công dân mà cao hơn là ý thức và tư tưởng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng đã thấm nhuần rất tự nhiên trong thơ Phạm Ánh Sao.

Với tư cách người sáng tác, đồng thời làm công tác biên tập tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ khoảng gần 20 năm trước (2006) tôi đã được tiếp cận với thơ Phạm Ánh Sao. Thơ anh không mạnh về câu chữ mà mạnh về câu chuyện và những hình ảnh tiêu biểu, trung thực, giàu sức ám ảnh. Bởi vậy, thơ Phạm Ánh Sao thường có chuyện và luôn có cách biểu đạt riêng theo từng nội dung câu chuyện.

Thời gian trôi đi, thơ Phạm Ánh Sao có sự dịch chuyển đáng kể. Ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ, câu chuyện trong thơ vẫn gần gũi, trung thực đấy nhưng đã ở một đẳng cấp cao hơn.

"Cha run tay lật luống cày

Mẹ xuống đồng cấy trong giá buốt

Thiêng liêng ngàn đời Tổ quốc

Núi sông đồng ruộng cánh cò

Rõ ràng, câu thơ Núi sông đồng ruộng cánh cò trong bài "Sóng nước Bạch Đằng giang" đã là sự trưởng thành quan trọng không dễ dàng của một ngòi bút.

Với sự quan sát tinh tế, vẫn là những câu chữ mộc mạc nhưng sự chuyển động của đời sống, nhất là đời sống trên đảo đã được Phạm Ánh Sao viết ra trung thực mà rất xúc động:

Ơ kìa! Trên đảo lạ chưa

Có hải quân nhí chơi đùa bên nhau

Dung dăng khúc hát đồng dao

Trống trường đã điểm hòa vào tiếng chuông (Chuông chùa Trường Sa).

Đã không ít lần, Phạm Ánh Sao dù chỉ với một khổ thơ theo phong cách bình dị của mình vẫn khiến người đọc phải ngẫm ngợi:

Vịn vào mộ gió mong manh

Nỗi đau riêng đã hóa thành đau chung

Khói nhang liệm kín một vùng

64 chiến sĩ anh hùng Gạc Ma

Máu hòa nước biển xót xa

Chuông chùa thỉnh nhịp sóng và lời ru (Ký ức Gạc Ma).

Lại có những khổ thơ trong bài hoàn toàn có thể độc lập là một thi phẩm song đứng trong toàn bài vẫn có tư thế và sự liên hoàn để bài thơ thêm vững chãi:

Bến Bình Than ủ lửa đến bây gi

Quả cam nát mơ đất đai lành lặn

Khoai sắn qua ngày đồng chua nước mặn

Giặc đến nhà “sát Thát” âm vang (Sóng nước Bạch Đằng giang).

Từ những trích dẫn trên đã thấy rõ ràng một hành trình tịnh tiến của Phạm Ánh Sao. Luôn có cảm tưởng Phạm Ánh Sao viết các bài thơ không mấy khó khăn. Thơ như tìm đến với anh, thông qua anh để đưa ra những thông điệp có ích trong đời sống.

Từ những tên gọi theo chủ đề, Phạm Ánh Sao đã triển khai mạch cảm xúc của mình vừa khang trang, phong phú, vừa có sự dẫn dắt theo hướng đi chính yếu đã định sẵn, đồng hành và chia sẻ, thể hiện trách nhiệm với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với chủ đề biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là hai tiếng Trường Sa, Hoàng Sa với mỗi con người Việt Nam ta đều chính là máu thịt của mình. Tổ tiên, ông bà ta đã để một phần xương thịt nơi hai quần đảo thiêng liêng ấy. Trong thời bình hôm nay, ở một đất nước trăm triệu dân như Việt Nam thì sự thiêng liêng đã biến thành trách nhiệm, thành ý chí và niềm tin sắt đá để chúng ta tiếp nối cha ông bảo vệ vững chắc từng tấc biển trời. Người chiến sĩ đang đêm ngày canh giữ biển trời nơi đầu sóng ngọn gió đã ùa vào thơ của Phạm Ánh Sao rất bình dị, tự nhiên.

Vẻ đẹp của thơ ca chính là từ cuộc sống bước ra và trở về phục vụ cuộc sống.

Lâu nay, chúng ta luôn trông đợi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao viết về hình tượng bộ đội cụ Hồ. Điều đó là khát vọng chính đáng của các thế hệ độc giả, cũng là sự phấn đấu liên tục của các văn nghệ sĩ nhiều thế hệ.

Song, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, chính những khu vực tác phẩm văn học nghệ thuật với sự đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc, nhiều giọng điệu khác nhau đã góp phần làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, của người chiến sĩ. Vẻ đẹp ấy đã có được từ sự lao động nghệ thuật của các văn nghệ sĩ một cách bền bỉ, chuyên tâm, sáng tạo với trí tuệ và tâm huyết của mình mà tuyệt không đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Vì vậy, đóng góp của các văn nghệ sĩ, trong đó có nhà thơ Phạm Ánh Sao, dù chưa tạo ra những đỉnh cao kỳ vọng thì vẫn là những đóng góp rất hữu ích.

Trong mỗi chặng sáng tác, Phạm Ánh Sao đều tạo được những dấu ấn riêng. Anh đã xuất bản 9 tập thơ và cho thấy tính chuyên nghiệp và trách nhiệm người cầm bút trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật. Phạm Ánh Sao cũng đã đoạt nhiều giải thưởng về thơ, kịch của trung ương và địa phương. Điều đó càng khẳng định nhưng đóng góp của anh với thơ ca, với đời sống văn học nghệ thuật.

Với cá nhân tôi, "Lời tự tình của biển" chính là một bước tiến mới, cũng là một đặc sắc riêng của Phạm Ánh Sao trong chặng đường sáng tác.

PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/loi-tu-tinh-cua-bien-mot-sac-mau-rieng-cua-tho-pham-anh-sao-396694.html
Zalo