75 năm Việt Nam đồng hành cùng Tổ chức Y tế thế giới
Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp trách nhiệm vào các sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng của WHO, tham gia các Hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế.

Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp trách nhiệm vào các sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng của WHO trên lĩnh vực y tế. (Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN)
75 năm trước, ngày 17/5/1950, Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO là một trong những cơ quan đầu tiên của Liên hợp quốc hỗ trợ trực tiếp ngành y tế Việt Nam ngay từ khi chiến tranh kết thúc và thống nhất đất nước.
Trở thành thành viên của WHO, Việt Nam đã nhận được các hỗ trợ kỹ thuật của WHO trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân; và ngược lại Việt Nam cũng tích cực tham gia, đóng góp trách nhiệm vào các sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng của WHO trên lĩnh vực y tế.
WHO - cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu
WHO được thành lập ngày 7/4/1948 với tư cách là cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên hợp quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, WHO đã không ngừng nỗ lực để thực hiện sứ mệnh tăng cường sức khỏe và sự an toàn cho mọi người.
WHO đóng vai trò xây dựng quy phạm, quy tắc quốc tế trong lĩnh vực y tế, với tư cách cơ quan liên chính phủ có thẩm quyền chỉ đạo về lĩnh vực y tế trong hệ thống Liên hợp quốc.
Theo Hiến chương WHO được các quốc gia thành viên chấp thuận, WHO đặt ra các chuẩn mực, tiêu chí về y tế cộng đồng. Các quốc gia thành viên sau đó đưa các chuẩn mực quốc tế vào pháp luật trong nước. Ngoài ra, WHO xác định các chương trình nghiên cứu toàn cầu và đưa kết quả vào các khuyến nghị của WHO.
Bên cạnh đó, WHO đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia thành viên, phối hợp với tất cả các quốc gia thành viên để hỗ trợ quá trình phát triển y tế quốc gia.
Trong thời gian 77 năm tồn tại và phát triển, WHO đã đạt được những thành tựu lớn trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe như: xóa bệnh đậu mùa năm 1980 (một bệnh dịch do virus đã từng khiến hàng triệu người chết); xây dựng và thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, giảm 99% số ca mắc bệnh bại liệt năm 2006 so với năm 1956; cứu sống hàng triệu người nhờ chương trình tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và cải thiện sức khỏe cũng như phúc lợi cho hàng triệu người khác; ngăn ngừa và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch SARS (năm 2003), cúm gia cầm (năm 2009), Ebola (năm 2014), ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch COVID-19...

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng năm, WHO lấy ngày 7/4 là Ngày Sức khỏe thế giới, hay còn gọi là Ngày Y tế thế giới. Trụ sở của WHO đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Hiện nay WHO có hơn 190 nước thành viên, được phân theo các khu vực địa lý. Việt Nam thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương theo phân chia của WHO.
Việt Nam - thành viên trách nhiệm của WHO
Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của WHO vào ngày 17/5/1950 và WHO là một trong những cơ quan đầu tiên của Liên hợp quốc hỗ trợ trực tiếp ngành y tế Việt Nam ngay từ khi chiến tranh kết thúc và thống nhất đất nước. WHO thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 1977 và chi nhánh văn phòng tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2003.
Trong nhiều thập kỷ hợp tác trực tiếp với Chính phủ Việt Nam, WHO đã mang đến kiến thức toàn cầu và khu vực cũng như kinh nghiệm làm việc ở tất cả các cấp của hệ thống y tế quốc gia để giải quyết những thách thức y tế mà Việt Nam phải đối mặt.
WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã hợp tác với nhiều đối tác phát triển để hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu y tế của Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực hợp tác như: loại trừ và kiểm soát dịch bệnh (đặc biệt là HIV, lao và sốt rét), tiêm chủng, tăng cường hệ thống y tế, chuẩn bị và ứng phó với tình huống khẩn cấp về y tế, phòng ngừa và quản lý các bệnh không lây nhiễm, biến đổi khí hậu và tác động đối với sức khỏe...
Các chương trình hỗ trợ của WHO đã mang lại hiệu quả, đóng vai trò quan trọng đối với ngành y tế Việt Nam, tập trung hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân như: phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách y tế, đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ y tế về chuyên môn và quản lý y tế ở các tuyến.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tích cực tham gia, đóng góp trách nhiệm vào các sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng của WHO, tham gia các Hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế, như các phiên họp Đại hội đồng WHO, Hội nghị khu vực của WHO, các Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN và ASEAN + 3 về phòng chống cúm gia cầm và cúm H1N1, phòng chống COVID-19...
Đáng chú ý, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu là thành viên của Hội đồng chấp hành WHO nhiệm kỳ 2003-2006 và 2016-2019. Điều đó chứng tỏ sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu y tế của Việt Nam; là bước cụ thể hóa phương châm chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động, đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung,” góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy những vấn đề quan tâm chung của các nước, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam cũng đã khánh thành Trung tâm hợp tác với WHO về chuẩn bị, ứng phó với đại dịch và quản lý lâm sàng các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (tháng 5/2024). Đây là một dấu mốc rất ý nghĩa trong sự hợp tác giữa Việt Nam và WHO.
Theo TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, sự kiện này làm nổi bật khả năng ứng phó của Việt Nam với đại dịch; đồng thời củng cố thêm vai trò ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trong an ninh y tế toàn cầu và tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác trong tương lai sâu rộng hơn, hiệu quả hơn với WHO./.