7 thách thức của ngành Công Thương trong năm 2025

Năm 2024 ngành Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua.

Trước tiên cần phải nhắc đến việc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm. Mặt khác, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu lại tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài khiến giá trị thặng dư của các ngành công nghiệp vẫn đang ở mức thấp.

Sản xuất công nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn phát triển dù lãi xuất đã giảm.

Sản xuất công nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn phát triển dù lãi xuất đã giảm.

Bên cạnh đó, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Hiện nay, vấn nạn lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Đó là chưa kể đến vẫn còn có những doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, móc nối với tổ chức cá nhân ở nước ngoài làm phương hại đến sản phẩm của Việt Nam cũng như tiếp tay với các sản phẩm bán phá giá thị trường trong nước.

Thách thức lớn thứ hai của ngành công nghiệp nước ta là tiến trình chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết quốc tế về giảm phát thải… còn chậm. Cần nói thêm rằng, dù hiện tại Việt Nam vẫn đang là quốc gia có thặng dư về tín chỉ xanh nhưng nếu các doanh nghiệp không chủ động triển khai chiến lược xanh hóa sản xuất thì chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ bị nhiều quốc gia từ chối nhập khẩu cũng như sớm bị xem xét đánh thuế khiến không thể cạnh tranh nổi.

Tiếp đến là bài toán về thị trường điện bán buôn điện cạnh tranh hiện vẫn đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện vẫn còn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp. Mặc dù đây là nguyên nhân khách quan nhưng chắc chắn ngành Công Thương không thể chậm hơn nữa trong việc triển khai đầu tư bởi vấn đề này đã được đề ra cách đây nhiều năm. Bên cạnh đó, việc phát triển, vận hành hệ thống điện và thị trường điện đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng phụ tải điện luôn ở mức cao, tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây… Chính vì vậy đã kéo theo cơ chế giá bán lẻ điện còn chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện khiến không chỉ doanh nghiệp phát điện mà người dân đang bức xúc.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu của nước ta do các doanh nghiệp FDI mang lại (khoảng trên 70%) nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng hóa xuất khẩu nước ta còn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, chủ yếu là với các quốc gia Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, ASEAN, EU (kim ngạch xuất khẩu tới 4 khu vực thị trường này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước);

Những năm vừa qua, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng, phần lớn hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng gia công, chế biến và tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp FDI (như dệt may, da giầy, điện tử), tỷ lệ nội địa hóa thấp và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực phần nhiều còn dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường thế giới hạn chế. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, toàn bộ thặng dư trong cán cân thương mại do các doanh nghiệp FDI mang lại trong khi đó cán cân thương mại của doanh nghiệp trong nước liên tục thâm hụt với xu hướng tăng.

Đáng lo ngại là cơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn của các nước phát triển trên thế giới.

Thị trường trong nước vẫn phải chiến đấu với vấn hạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thị trường trong nước vẫn phải chiến đấu với vấn hạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hoạt động thương mại trong nước tuy tăng trưởng mạnh nhưng hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong đó, chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa như các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, hệ thống kho bãi tiêu chuẩn, công nghệ cao. Các loại hình hạ tầng thương mại truyền thống (hệ thống chợ, siêu thị…) cũng chưa được quan tâm đúng mức, phải cạnh tranh gay gắt với các loại hình hiện đại khác. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và người tiêu dùng, nhất là đối với hàng thực phẩm tươi sống, thiết yếu, nên thị trường dễ bị biến động do tác động của tâm lý người tiêu dùng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bão giá cục bộ luôn rình rập.

Đặc biệt là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, găm hàng chờ tăng giá trên thị trường nội địa, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp xử lý triệt để, có tính răn đe cao. Trong thương mại điện tử (TMĐT), tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, thiếu biện pháp xử lý do ngành Công Thương không được giao quyền. Mô hình TMĐT phát triển ngày càng phức tạp, đa dạng trong khi chưa có quy định pháp luật đủ mạnh để điều chỉnh riêng lĩnh vực này. Gần đây, việc kiểm soát TMĐT xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, không đủ chế tài để xử lý vi phạm từ các doanh nghiệp nước ngoài…

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, nhằm chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Chính vì vậy, với trọng trách mà Chính phủ giao cho, Bộ Công Thương cần tập trung mọi nguồn lực để vượt qua 7 thách thức nêu trên mới có thể thực hiện nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại đúng với yêu cầu của Chính phủ góp phần tăng trưởng GDP với 2 con số trong năm 2025.

Bùi Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/7-thach-thuc-cua-nganh-cong-thuong-trong-nam-2025-722912.html
Zalo