7 nguyên tắc để không bị lừa khi mua xe trực tuyến
Mua xe trực tuyến đang dần trở thành xu hướng, tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi là việc xuất hiện của các chiêu trò lừa đảo tinh vi, từ giả mạo đại lý đến đánh cắp danh tính.
Để tránh tiền mất tật mang, người tiêu dùng cần trang bị những kỹ năng cơ bản để nhận biết và phòng tránh rủi ro.
1. Xác minh danh tính của đại lý
Đừng để các logo quen thuộc hoặc giao diện bóng bẩy đánh lừa bạn. Không ít trang web giả mạo các hãng xe lớn hoặc đại lý ủy quyền bằng cách tạo website giống hệt bản gốc, sử dụng tên miền gần giống và đăng tải danh sách xe “mồi” có giá cực tốt.
Để kiểm tra, bạn hãy tìm tên đại lý trên Google và kiểm tra xem họ có được liệt kê là đối tác chính thức trên trang web của các hãng xe hay không. Đồng thời, truy cập các cổng thông tin đánh giá chính thức hoặc các diễn đàn chuyên về ô tô để đọc nhận xét từ người mua trước.
Gọi điện trực tiếp đến số điện thoại công khai của đại lý cũng là một bước không nên bỏ qua. Nếu số điện thoại không hoạt động, không trùng khớp hoặc người nghe trả lời vòng vo, đó là dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong trường hợp bạn mua xe qua các nền tảng trung gian, hãy đảm bảo thực hiện giao dịch trên nền tảng, nơi thông tin người bán được xác minh trước.

Có những nguyên tắc bạn cần nhớ khi mua xe trực tuyến để tránh bị lừa đảo. Ảnh: AI
2. Truy tìm nguồn gốc hình ảnh xe
Một chiêu trò rất phổ biến là lấy ảnh thật từ các trang rao vặt uy tín rồi đăng lại trên các trang lừa đảo. Những bức ảnh này khiến danh sách xe trông hoàn toàn thuyết phục, vì đơn giản chúng là ảnh thật, nhưng lại không thuộc về người bán.
Cách kiểm tra rất đơn giản, bạn hãy tải ảnh về, sau đó dùng Google Images hoặc các công cụ như TinEye, Yandex để truy xuất ngược nguồn gốc hình ảnh. Nếu bạn thấy ảnh giống hệt xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là trong các bài đăng cũ, hoặc đến từ các quốc gia khác, đó là dấu hiệu cảnh báo lừa đảo.

Truy xuất nguồn gốc hình ảnh xe bằng Google. Ảnh: TIỂU MINH
3. Không tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm
Việc yêu cầu người mua cung cấp thông tin như số CCCD, tài khoản ngân hàng, hay thông tin thu nhập trước khi gặp mặt trực tiếp hoặc ký hợp đồng là không hợp lý. Ngoài ra, kẻ gian còn viện cớ kiểm tra tín dụng hoặc xác minh danh tính để đánh cắp dữ liệu cá nhân, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài khoản, hoặc tệ hơn là mượn danh bạn đi vay tín dụng đen.
Trong mọi trường hợp, nếu chưa đến bước ký hợp đồng mua bán chính thức, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài chính hoặc giấy tờ tùy thân bản gốc qua email, tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội.
4. Giá quá rẻ là dấu hiệu cần lưu ý
Nếu bạn thấy một chiếc xe đời mới, ít sử dụng, có đầy đủ giấy tờ mà lại được rao bán với giá rẻ hơn thị trường hàng chục triệu đồng, hãy đặt dấu hỏi lớn. Xe có thể đã từng bị ngập nước, tai nạn nặng, hoặc bị can thiệp đồng hồ công tơ mét.
Thậm chí, chiếc xe có thể không tồn tại, chỉ là sản phẩm của một bài đăng mồi nhằm dẫn dụ người mua chuyển tiền đặt cọc. Để kiểm tra, bạn có thể so sánh giá với các xe tương tự trên nền tảng uy tín như Chợ Tốt Xe, Carmudi hoặc các showroom chính hãng. Mức giá hợp lý thường không chênh lệch quá nhiều so với thị trường, trừ phi có lý do đặc biệt và được minh bạch rõ ràng.

Lựa chọn các nền tảng mua bán xe uy tín. Ảnh: TIỂU MINH
5. Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa thấy xe
Nhiều người vì sợ vuột mất cơ hội đã vội vàng chuyển khoản giữ xe mà không kiểm chứng thông tin người bán. Hậu quả là sau khi tiền chuyển đi, người bán biến mất cùng tất cả liên lạc.
Do đó, bạn nên cảnh giác nếu người bán yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, hoặc yêu cầu bạn gửi qua ví điện tử, mã QR mà không có hợp đồng rõ ràng. Trường hợp nghiêm trọng hơn là người bán yêu cầu gửi tiền ra nước ngoài, lúc này, cơ hội đòi lại gần như bằng 0.
6. Lưu trữ toàn bộ nội dung giao dịch
Mọi tin nhắn, email, số điện thoại, thông tin người bán… cần được lưu giữ đầy đủ. Bạn có thể chụp ảnh màn hình, lưu lại file PDF hoặc dùng ứng dụng ghi chú để tổng hợp các thông tin liên quan. Việc này không chỉ giúp bạn tránh nhầm lẫn trong giao dịch mà còn là bằng chứng quan trọng nếu phát sinh tranh chấp hoặc cần trình báo công an.
Nhiều kẻ gian thường xóa tin nhắn, đổi số điện thoại sau khi nhận được tiền. Vì vậy, đừng đợi đến khi có vấn đề mới bắt đầu tìm thông tin, hãy chủ động lưu giữ từ đầu.
7. Không để bị ép mua trong áp lực thời gian
Kẻ gian thường sử dụng kỹ thuật xã hội để dụ người tiêu dùng mua xe ngay mà không kịp kiểm chứng. Họ có thể nói rằng “có người đang xem xe rồi”, hoặc “xe này chiều nay có người đặt, anh/chị phải chuyển tiền giữ ngay”.
Nếu bị gây áp lực quá mức, đó chính là dấu hiệu cho thấy giao dịch này có vấn đề.
Nhìn chung, mua xe trực tuyến sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đáng kể, nhưng bạn cần phải ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản như kiểm tra thông tin, không vội vàng, không chuyển tiền khi chưa xác minh đầy đủ… để tránh bị mất tiền oan uổng.