7 lý do trẻ không muốn xin lời khuyên từ bố mẹ
Việc con cái không tìm đến cha mẹ để xin ý kiến thường là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang gặp vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ có thể chính những hành vi của cha mẹ đang vô tình đẩy con ra xa.

1. Cha mẹ nóng vội chỉ trích: Theo Hackspirit, không ai thích bị chê trách, kể cả trẻ em.
Khi trẻ tìm đến bạn để xin lời khuyên, con đang mở lòng và chia sẻ những điểm yếu của mình. Nếu sự chân thành ấy lập tức vấp phải lời chỉ trích, con sẽ cảm thấy tổn thương. Lời phê bình mang tính xây dựng rất quan trọng cho sự tiến bộ. Tuy nhiên, ranh giới giữa hướng dẫn và chỉ trích lại rất mong manh. Nếu phản ứng đầu tiên của cha mẹ luôn là vạch ra những lỗi sai, dần dần, trẻ sẽ không còn muốn tìm đến bạn để xin lời khuyên nữa.

2. Không lắng nghe trẻ: Trẻ em rất nhạy cảm với điều này. Khi cảm thấy không được lắng nghe, trẻ sẽ tự nhiên xa lánh bạn và tìm đến những người thực sự chú tâm khi chúng nói. Vậy nên, nếu con không còn tìm đến bạn để xin lời khuyên, hãy tự hỏi "Mình có thực sự lắng nghe khi con nói không?".

3. Bạn không thực hiện những gì bạn rao giảng: Nếu cha mẹ nói một đằng làm một nẻo, con trẻ dễ bối rối, thậm chí mất lòng tin. Ví dụ, bạn dạy con phải trung thực, nhưng con lại thấy bạn nói dối về một chuyện nhỏ nhặt. Điều này sẽ gửi đến con thông điệp rằng nói dối cũng không sao. Về lâu dài, con có thể sẽ không còn tin tưởng và tìm đến bạn để xin lời khuyên nữa, vì chúng cảm thấy lời nói của bạn không đáng tin cậy.

4. Vội vàng giải quyết thay con: Phụ huynh thường có xu hướng muốn giải quyết mọi vấn đề cho con. Tuy nhiên, không phải lúc nào con cũng cần cha mẹ đưa ra giải pháp ngay lập tức. Điều con thực sự cần là cha mẹ ở bên cạnh, cùng con đối diện với khó khăn, thấu hiểu những gì con đang trải qua và cảm nhận được sự đồng hành, không đơn độc. Nếu cha mẹ vội vàng đưa ra giải pháp, con có thể cảm thấy mình không được lắng nghe, cảm xúc của con không quan trọng bằng việc giải quyết vấn đề.

5. Bỏ qua ý kiến của con: Việc bỏ qua ý kiến của con cái sẽ khiến chúng cảm thấy mình được không được coi trọng. Ngược lại, nếu cha mẹ hỏi ý kiến hoặc lời khuyên từ con, trẻ sẽ thấy những suy nghĩ và cảm xúc của chúng có giá trị, không chỉ với riêng chúng mà còn với cả cha mẹ. Khi trẻ nhận ra rằng ngay cả người lớn đôi khi cũng cần lời khuyên, rào cản về vai vế giữa cha mẹ và con cái sẽ dần biến mất, tạo ra một kênh giao tiếp hai chiều cởi mở hơn.

6. Không tạo đủ không gian riêng cho con: Cha mẹ thường có xu hướng can thiệp và giúp con vượt qua mọi khó khăn. Tuy nhiên, đôi khi, hành động yêu thương nhất là lùi lại một bước. Trẻ cần có khoảng thời gian riêng để tự mình suy nghĩ và giải quyết vấn đề.
Việc trao cho trẻ cơ hội để học hỏi thể hiện sự tin tưởng của cha mẹ vào khả năng của con. Hiểu điều này, con sẽ cảm thấy tự tin hơn. Và khi thực sự cần lời khuyên, con sẽ tìm đến cha mẹ vì biết rằng sự tự chủ của mình được tôn trọng.

7. Không chia sẻ khó khăn của bản thân:Con cái luôn nhìn vào cha mẹ. Nhưng nếu cha mẹ luôn tỏ ra hoàn hảo và mạnh mẽ tuyệt đối, con sẽ cảm thấy phải cố gắng đạt đến một tiêu chuẩn không thực tế. Việc chia sẻ những khó khăn và điểm yếu của bạn không hề khiến bạn trở nên yếu đuối. Ngược lại, nó còn mang lại tác dụng tích cực. Điều này cho trẻ thấy rằng không ai có thể biết hết mọi thứ. Việc mắc sai lầm là điều bình thường và quan trọng nhất là con có thể tìm kiếm lời khuyên khi cần.