60 năm chiến thắng Bình Giã: Bài học về xây dựng khối chủ lực cho xứng đáng

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, chiến thắng Bình Giã đặt ra yêu cầu là phải xây dựng, phát triển khối chủ lực, lực lượng chủ lực cho xứng đáng.

Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã làm lên Chiến thắng Bình Giã. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, từ ngày 2/12/1964 đến ngày 03/01/1965, ta đã tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, phá vỡ từng mảng lớn ấp chiến lược - “xương sống” trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Chiến thắng Bình Giã cũng đã đánh dấu bước phát triển trưởng thành của bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để Quân ủy Trung ương tiếp tục phát triển các đơn vị chủ lực mạnh, tạo nên những cú đấm thép trong các chiến dịch lớn.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 – 2/12/2024), phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

PV: Với chiến thắng Bình Giã, chúng ta đã làm thất bại hoàn toàn chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận của quân đội tay sai Sài Gòn. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS Hà Minh Hồng: "Trực thăng vận" và "thiết xa vận" là những chiến thuật mới. Trong Thế chiến II, không có chiến thuật nào như vậy. Lối đánh này có trong chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng nó không phải là học thuyết quân sự của các nước phương Tây. Nhưng với cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì từ thập niên 60 trở đi, đây là những vũ khí mới, cho nên nó cũng xuất hiện những chiến thuật mới, lối đánh mới. Lối đánh này đương nhiên là của quân đội Hoa Kỳ trang bị cho quân đội Sài Gòn.

Lối đánh này chính là cái hồn của chiến tranh đặc biệt, mà "xương sống" của nó là quân đội Sài Gòn, nhưng vũ khí, chiến thuật, lối đánh là của Hoa Kỳ. Cho nên, chúng ta đánh bại chiến thuật này, thực ra là đánh vào quân đội của Hoa Kỳ, lối đánh của Hoa Kỳ, trang thiết bị của Hoa Kỳ rồi.

Và chắc chắn rằng, những trận đánh như Bình Giã sẽ thôi thúc quân đội Hoa Kỳ đổ thực binh vào để thay thế quân đội Sài Gòn. Khi thực binh chưa xuất hiện, thì vũ khí, phương tiện, lối đánh, chiến thuật của nó chúng ta đã đánh bại. Cho nên ở đây có một nghĩa, việc chúng ta đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" thực chất là đánh phủ đầu về mặt chiến thuật của quân đội Hoa Kỳ. Vì thế khi "trực thăng vận", "thiết xa vận" thất bại thì cũng báo hiệu chiến lược chiến tranh cục bộ cũng sẽ có số phận như quân đội của Việt Nam Cộng hòa.

PV: Chiến thắng Bình Giã đã đánh dấu bước phát triển, trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực trên chiến trường miền Nam?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Khi mở chiến dịch, chúng ta xác định 4 mục tiêu. Trong 4 mục tiêu đó, mục tiêu đầu và mục tiêu cuối là những mục tiêu liên quan đến bộ đội chủ lực. Mục tiêu đầu là tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt chủ lực địch. Khi ta đặt ra mục tiêu đó thì cũng xác định là ai tiêu diệt mục tiêu đó, đòi hỏi phải có bộ đội chủ lực, quả đấm chủ lực. Mục tiêu đầu đặt ra rất mới, rất lớn, to hơn trong thực tế mà chủ lực của ta có ở miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ.

Chúng ta có chủ lực đến đâu, chỉ có hai trung đoàn và một số tiểu đoàn tung hết vào Bình Giã, và chúng ta đã giành thắng lợi. Thắng lợi của Bình Giã cho thấy nếu có chủ lực mạnh hơn, đông hơn, tổ chức những trận đánh, chiến dịch quy mô lớn hơn thì hoàn toàn có thể thắng.

Qua vấn đề này chúng ta thấy, chiến thắng Bình Giã đặt ra yêu cầu là phải xây dựng, phát triển khối chủ lực, lực lượng chủ lực cho xứng đáng.

PV: Trong chiến dịch này, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định tập trung toàn bộ quân chủ lực trên chiến trường Đông Nam Bộ, gồm 2 trung đoàn bộ binh về địa bàn tỉnh Bà Rịa, hình thành nên “quả đấm” chủ lực mạnh đủ sức tiêu diệt từng tiểu đoàn địch. Đây có được coi là cơ sở, nền tảng rất quan trọng cho việc hình thành những quân đoàn, quả đấm chủ lực mạnh để giải phóng miền Nam, thưa ông?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Vấn đề chủ lực trong chiến tranh, nhất là chiến tranh chống đội quân xâm lược nhà nghề, chúng ta thấy là không thể thiếu được những đội quân chủ lực, những quả đấm chủ lực để tạo nên những trận đánh then chốt. Hai trung đoàn này đã trả lời vấn đề đó.

10 năm sau đó, chúng ta thấy rằng đây là vấn đề chiến lược. Bình Giã như một cú hích để nhắc nhở, thôi thúc chúng ta phải thay đổi quan niệm, phải nhận thức đúng yêu cầu của chiến tranh, nhất là chiến tranh cách mạng.

Và chiến tranh cách mạng như vậy, chống quân đội nhà nghề lớn mạnh như quân đội Hoa Kỳ giai đoạn đó thì việc xây dựng khối chủ lực không chỉ là trung đoàn nữa. Vì đến giai đoạn này, quân đội Sài Gòn đã có 18 Sư đoàn. Và cũng đến giai đoạn này đã có nhiều sư đoàn chủ lực của Hoa Kỳ, những đơn vị thiện chiến trong thế chiến thứ 2 đã nhảy vào.

Vậy, chúng ta xây dựng khối chủ lực như thế nào, điều đó đặt ra yêu cầu vô cùng lớn, phải xây dựng nhanh và kịp thời. Để làm sao khi đối đầu với thực binh của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh, là phải đủ khả năng để đối đầu. Đấy là những vấn đề mà từ Bình Giã đã đặt ra như vậy. Cho nên một khía cạnh nào đó, Bình Giã đã ngã ngũ một số vấn đề đặt ra đối với cuộc chiến tranh của cả hai bên.

PV: Hiện nay chúng ta đang tập trung xây dựng quân đội theo hướng tinh - gọn - mạnh, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại. Theo ông việc tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực có ý nghĩa như thế nào?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Khi nói đến chiến tranh thì quy luật chung, tất yếu là mạnh được yếu thua. Trong cuộc chiến tranh chống lại đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh như đế quốc Mỹ, ở thế kỷ XX, chưa một quân đội của một quốc gia nào lớn mạnh mà đủ sức đương đầu, đối đầu chứ chưa nói là thắng hay bại nữa. Cho nên, sức mạnh là quan trọng.

Chúng ta có sức mạnh quân sự của toàn dân, sức mạnh nòng cốt trong khối đó là đội quân chủ lực, bộ đội chủ lực. Sức mạnh đó là rất quan trọng, nó phản ánh rõ yêu cầu về bộ đội chủ lực trong chiến tranh, trong tác chiến phải có sức mạnh của các đơn vị chủ lực. Phải có quân đội, có con người, vũ khí, lối đánh đáp ứng được yêu cầu trong chiến tranh hiện đại.

Bài học đó cho chúng ta thấy là không bao giờ được chủ quan trong việc xây dựng lực lượng của quân đội, của lực lượng vũ trang. Và chúng ta thấy rõ là không có sức mạnh quân sự thì không giải quyết được gì hết. Làm sao để cho quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh.

Trong các cuộc kháng chiến chống các quân đội xâm lược như quân đội Nguyên – Mông thế kỷ XIII, hay quân đội nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh, cho đến các cuộc kháng chiến trong thời kỳ cận đại, chống đế quốc phương Tây, chống Hoa Kỳ chẳng hạn, tất cả đều cho thấy phải dựa vào sức mình là chính. Cho nên bây giờ chúng ta cần một quân đội hiện đại, tinh, gọn, mạnh. Trong đó, không thể thiếu được các quân, binh chủng chủ lực mạnh mẽ, tinh, gọn và hiện đại.

PV: Xin cảm ơn ông.

Trường Giang/VOV (thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/60-nam-chien-thang-binh-gia-bai-hoc-ve-xay-dung-khoi-chu-luc-cho-xung-dang-post1139409.vov
Zalo