6 loại trà giúp tăng cường trí não cho sĩ tử mùa thi
Ngoài việc nghỉ ngơi, dinh dưỡng và luyện tập hợp lý, một số loại trà thảo dược có thể hỗ trợ tăng cường tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ và giúp sĩ tử giữ được sự tỉnh táo, minh mẫn trong mùa thi.
Mùa thi đã cận kề, đòi hỏi học sinh - sinh viên phải luôn duy trì cường độ học tập cao, khả năng tập trung kéo dài và trí nhớ tốt. Tuy nhiên, áp lực tâm lý lớn cùng lịch học dày đặc khiến nhiều sĩ tử gặp phải tình trạng căng thẳng, mất ngủ, đau đầu, giảm chú ý và các vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là một số loại trà thảo dược phổ biến, dễ làm giúp sĩ tử tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ trong mùa thi.
NỘI DUNG:
1. Trà bạch quả tăng cường tuần hoàn não
2. Trà nhân sâm
3. Trà đinh lăng
4. Trà kỷ tử
5. Trà hoa cúc
6. Trà hương nhu
Một số lưu ý khi dùng trà tăng cường trí não mùa thi
1. Trà bạch quả tăng cường tuần hoàn não
Bạch quả hay còn được biết đến là Ginkgo biloba, từ lâu đã được sử dụng trong nhiều thực phẩm chức năng, vị thuốc, bài thuốc giúp tăng khả năng tuần hoàn não, cải thiện trí nhớ, nhất là ở người làm việc trí óc.
Các flavonoid và terpenoid trong bạch quả giúp tăng cung cấp máu cho não, bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương do gốc tự do.
Cách dùng: Có thể dùng bạch quả dạng lát mỏng hoặc chiết xuất lá bạch quả khô để hãm trà. Mỗi lần dùng từ 10 - 15g, nên uống vào buổi sáng, tránh dùng vào buổi tối vì có thể gây kích thích thần kinh nhẹ.

Lá và quả của cây bạch quả giúp tăng khả năng tuần hoàn não.
2. Trà nhân sâm
Trà nhân sâm cũng là lựa chọn tuyệt vời dành cho sĩ tử mùa thi, giúp tăng sức bền trí não, chống mệt mỏi. Nhân sâm là một trong những dược liệu quý được nghiên cứu rộng rãi với tác dụng đại bổ nguyên khí, ích khí an thần, kiện tỳ vị, sinh tân chỉ khát. Nhân sâm chứa các ginsenosides, hoạt chất có tác dụng tăng sức bền thể chất, cải thiện chức năng nhận thức, giảm lo âu, giúp tỉnh táo khi làm việc trí óc cường độ cao.
Cách dùng: Dùng lát nhân sâm hãm nước sôi uống trong ngày, mỗi lần từ 10 - 15g. Không dùng vào buổi tối để tránh mất ngủ. Nếu không có nhân sâm, có thể dùng đảng sâm thay thế.
Lưu ý: Trẻ dưới 12 tuổi không dùng trà nhân sâm.

Trà nhân sâm giúp tăng sức bền trí não cho sĩ tử.
3. Trà đinh lăng
Đinh lăng trong y học cổ truyền được mệnh danh là "nhân sâm cho người nghèo". Lá đinh lăng có vị ngọt hơi đắng, tính mát, tác dụng bổ huyết, an thần, giúp giảm căng thẳng thần kinh, cải thiện trí nhớ, rất phù hợp với học sinh, sinh viên trong mùa thi hoặc người lao động trí óc.
Một số nghiên cứu hiện đại cũng ghi nhận hoạt chất saponin trong rễ và lá đinh lăng có thể cải thiện tuần hoàn máu não, chống stress oxy hóa. Ngoài ra, đinh lăng còn có tác dụng an thần, hỗ trợ tăng cường miễn dịch và sức khỏe tổng thể hiệu quả.
Cách dùng: Dùng 10 - 15g lá đinh lăng khô, rửa sạch, hãm với nước sôi uống trong ngày. Có thể kết hợp đinh lăng với cam thảo hoặc cỏ ngọt để tăng hương vị.

Lá đinh lăng có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh cho các sĩ tử mùa thi.
4. Trà kỷ tử
Việc ngồi học lâu, ít vận động khiến sĩ tử dễ gặp các vấn đề về xương khớp và khô mắt, mỏi mắt do tiếp xúc với sách vở hoặc thiết bị điện tử liên tục. Sử dụng trà kỷ tử có tác dụng bổ can thận, ích tinh, minh mục (tức bổ gan thận, dưỡng não và sáng mắt).
Các polysaccharide trong kỷ tử có tác dụng chống oxy hóa mạnh, hỗ trợ chống mỏi mắt, giảm suy giảm nhận thức. Kỷ tử còn có tác dụng cải thiện hoạt động thần kinh, tăng cường miễn dịch và có tiềm năng làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh.
Cách dùng: Ngâm 10 - 15 quả kỷ tử với nước sôi khoảng 10 phút rồi uống. Có thể kết hợp cùng hoa cúc hoặc trà xanh nhẹ để tăng hiệu quả thanh lọc cơ thể, bổ mắt.

Trà kỷ tử - bổ gan thận, dưỡng não cho các sĩ tử mùa thi.
5. Trà hoa cúc
Trà hoa cúc là một loại trà thảo dược dịu nhẹ, thơm mát, rất phù hợp cho sĩ tử trong mùa thi. Không chỉ giúp thư giãn tinh thần, trà hoa cúc còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, hỗ trợ học tập hiệu quả hơn. Hoa cúc giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm lo âu và cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng mỏi mắt, khô mắt.
Cách dùng: Dùng 2 - 3g hoa cúc khô (hoặc 1 - 2 bông hoa cúc lớn), hãm với nước sôi trong 5 - 10 phút. Có thể thêm mật ong hoặc vài lát cam thảo để tăng hương vị và hiệu quả thư giãn. Uống buổi tối hoặc lúc nghỉ ngơi trong ngày để hỗ trợ thư giãn thần kinh.

Trà hoa cúc giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ.
6. Trà hương nhu
Vào mùa thi, sĩ tử thường đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe do áp lực học tập kéo dài và sinh hoạt thiếu điều độ. Tình trạng phổ biến nhất là mất ngủ, căng thẳng thần kinh, giảm khả năng tập trung, thậm chí dẫn đến đau đầu, rối loạn tiêu hóa và suy giảm miễn dịch.
Sử dụng trà hương nhu có tác dụng an thần, giảm stress và điều hòa giấc ngủ. Chiết xuất từ hương nhu có hoạt tính chống oxy hóa và làm giảm các chỉ số căng thẳng oxy hóa trong não chuột thí nghiệm, giúp tăng cường bảo vệ hệ thần kinh.
Cách dùng: Sử dụng lá hương nhu khô khoảng 8 - 10g, hãm với nước sôi như trà. Có thể kết hợp với một ít mật ong để tăng hương vị và hiệu quả thư giãn.

Hương nhu có tác dụng an thần, giảm stress.
Một số lưu ý khi dùng trà tăng cường trí não mùa thi:
Không nên lạm dụng trà có tính kích thích thần kinh (trà xanh đậm, cà phê, nhân sâm liều cao…) vì dễ gây mất ngủ, hồi hộp.
Nên lựa chọn dược liệu có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không nhiễm hóa chất, vi sinh.
Những trẻ có bệnh lý nền (như tăng huyết áp, mất ngủ lâu năm, rối loạn thần kinh…) nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Không nên uống trà khi đói hoặc ngay trước khi ngủ, vì có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc mất ngủ.
Trà thảo dược không thể thay thế việc nghỉ ngơi hợp lý và luyện tập thể chất.