6 loại thực phẩm gây hại hệ tiêu hóa
Để có cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần biết cách ăn uống khoa học, lựa chọn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa, đồng thời tránh các thói quen gây hại như ăn quá nhiều, ăn quá nhanh, ăn tối muộn…
Dưới đây là một số thực phẩm gây hại cho tiêu hóa mà bạn nên hạn chế trong các bữa ăn hàng ngày. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh đồng nghĩa với cơ thể hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, sức đề kháng được tăng cường nhằm chống lại những tác nhân gây bệnh.
1. Thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn hay thực phẩm đã qua chế biến, là một trong những nhóm thực phẩm gây hại nhiều nhất cho hệ tiêu hóa. Các thực phẩm đóng hộp, xúc xích, thịt hun khói, thịt nguội… thường chứa nhiều chất béo bão hòa, đường tinh luyện và chất bảo quản. Khi ăn quá nhiều loại thực phẩm này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng…
Hơn nữa, việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn thường xuyên sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và góp phần gây ra các vấn đề về đường ruột trong tương lai.
2. Thực phẩm béo
Thực phẩm béo, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, có thể gây hại cho sức khỏe tiêu hóa khi tiêu thụ quá mức. Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến cảm giác đầy bụng, khó tiêu và chướng bụng.
Ngoài ra, thực phẩm béo có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, khiến axit dạ dày dễ trào ngược lên thực quản, gây ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Những người ăn nhiều thực phẩm béo thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề về dạ dày, vì chất béo kích thích sản xuất axit dư thừa, gây viêm loét dạ dày.
Chế độ ăn nhiều chất béo cũng có thể gây tình trạng táo bón. Do đó, việc hạn chế thực phẩm béo và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng có vai trò rất quan trọng để giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến cảm giác đầy bụng, khó tiêu và chướng bụng sau khi ăn.
3. Thực phẩm chứa nhiều đường
Một báo cáo năm 2020 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ đã cho thấy, ăn nhiều đồ ngọt có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong ruột, từ đó gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Kết quả là người tiêu thụ nhiều đường thường gặp các vấn đề như tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa…
Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều đường có thể làm tăng mức độ axit trong dạ dày, dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và ợ nóng. Đặc biệt, đường còn làm giảm khả năng tiêu hóa, gây khó khăn trong việc hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm…
4. Thực phẩm cay nóng
Ăn cay ở mức độ vừa phải có thể giúp tăng tiết dịch vị, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, ăn ngon miệng hơn, đồng thời tránh bị đầy hơi.
Tuy nhiên, khi ăn cay nhiều (ăn quá nhiều ớt hoặc ăn ớt quá cay) sẽ gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày. Những dấu hiệu dễ nhận thấy như viêm dạ dày, nôn ói, ợ chua, đau nóng rát dạ dày hoặc gây trào ngược dịch vị từ dạ dày lên thực quản gây cảm giác bỏng rát sau xương ức. Ngoài ra, ớt cay cũng có thể là nguyên nhân làm khởi phát cơn đau của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở những người có bệnh trước đó.
5. Thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao
FODMAP là nhóm các loại carbohydrate hoặc đường có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa. Thực phẩm có hàm lượng FODMAP cao chứa các loại đường không được ruột non hấp thụ tốt. Khi đường từ thực phẩm FODMAP lên men trong đường tiêu hóa, chúng sẽ gây các triệu chứng đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy.
Nhóm thực phẩm này gây khó chịu đặc biệt ở những người bị hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, người bị hội chứng ruột kích thích cần nhận biết và tránh dùng các loại trái cây có hàm lượng FODMAP cao như táo, quả mơ, dâu đen, quả anh đào, bưởi, xoài, lê, quả đào, mận…
Một số loại rau cũng chứa nhiều FODMAP không tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích như măng tây, củ cải, bắp cải, súp lơ trắng, nấm, đậu bắp, hành, hành lá (phần thân trắng), đậu Hà Lan, tỏi tây, cần tây…

Ăn cay quá mức sẽ gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày.
6. Rượu
Rượu có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe tiêu hóa nếu tiêu thụ quá mức. Khi uống rượu, cơ thể sẽ tăng tiết nhiều axit dạ dày hơn, gây kích thích và tổn thương niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Ngoài ra, rượu còn làm suy yếu cơ vòng thực quản, khiến axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát và viêm họng. Lâu dài, rượu cũng có thể làm giảm khả năng tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng, khiến cơ thể thiếu hụt vitamin, khoáng chất cần thiết.
Bên cạnh đó, rượu gây mất nước, làm giảm hiệu quả hoạt động của ruột và dạ dày, từ đó dẫn đến các vấn đề như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng. Đặc biệt, khi kết hợp rượu với các thực phẩm khó tiêu, tác động này sẽ càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Đầy bụng khó tiêu do ăn đồ dầu mỡ, mẹo xử lý ngay tại nhà hiệu quả | SKĐS