6 loại thực phẩm bổ sung giúp giảm trào ngược axit dạ dày
Trào ngược axit xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược vào thực quản, gây khó chịu, với các triệu chứng như ợ nóng, vị chua và kích ứng cổ họng…
Mặc dù thi thoảng bị trào ngược là bình thường và tình trạng này thường tự khỏi hoặc có thể điều trị bằng thuốc kháng axit không kê đơn (OTC), nhưng nếu các triệu chứng kéo dài có thể cần phải điều trị bằng các phương pháp hữu hiệu hơn.
Bên cạnh thuốc theo toa và thuốc không kê đơn, một số thuốc bổ sung chế độ ăn uống có tác dụng làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là các sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh và nên sử dụng cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và các thói quen lành mạnh khác để có kết quả tốt nhất.
NỘI DUNG::::
Một số thực phẩm bổ sung tốt cho chứng trào ngược axit
1. Probiotics
2. Iberogast
3. FDGard
4. Melatonin
5. Vitamin B
6. Gừng
Thay đổi lối sống hỗ trợ giảm trào ngược axit
Một số thực phẩm bổ sung tốt cho chứng trào ngược axit
1. Probiotics
Probiotics là các vi sinh vật sống như vi khuẩn, nấm men, thường có trong thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi… nhưng cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung.
Probiotics thường được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe đường ruột, nhưng một số nghiên cứu cho thấy chúng cũng có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược axit, bằng cách tác động đến chức năng miễn dịch và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Probiotics cũng có thể làm giảm sản xuất axit và hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh.
Mặc dù men vi sinh thường được dung nạp tốt, một số người có thể gặp phải tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như đầy hơi hoặc chướng bụng...

Trào ngược axit xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược vào thực quản, gây khó chịu, với các triệu chứng như ợ nóng, vị chua và kích ứng cổ họng...
2. Iberogast
Iberogast còn được gọi là STW 5-II, có dạng viên nang mềm và giọt lỏng, chứa hỗn hợp chiết xuất từ một số loại thảo dược, chủ yếu được sử dụng để kiểm soát chứng đau dạ dày và hội chứng ruột kích thích (IBS). Tuy nhiên, sản phẩm này cũng có thể giúp điều trị chứng ợ nóng và các triệu chứng trào ngược axit bằng cách điều chỉnh chuyển động đường tiêu hóa (GI) và sản xuất dịch tiêu hóa.
Trong một nghiên cứu, iberogast làm giảm đáng kể các triệu chứng trào ngược trong vòng 30 - 60 phút, sau khi dùng và 40% người tham gia không còn triệu chứng sau vài ngày sử dụng.
Tác dụng phụ thường nhẹ nhưng có thể bao gồm đau đầu và chán ăn. Lưu ý, iberogast có chứa cồn và không an toàn khi sử dụng cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc những người mắc một số tình trạng bệnh lý nhất định.
3. FDGard
FDgard là một chất bổ sung hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa và làm giảm chứng khó tiêu trong thời gian ngắn. Sản phẩm này chứa dầu caraway và L-menthol có tác dụng giảm đau, viêm, đồng thời giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Một số nghiên cứu cho thấy, FDgard có thể làm giảm các triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng, chẳng hạn như tức bụng, đầy bụng sau bữa ăn, cũng như đau bụng trên.
4. Melatonin
Melatonin là một loại hormone do cơ thể sản xuất tự nhiên, có tác dụng điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Tuy nhiên, melatonin cũng đóng vai trò điều chỉnh axit dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến nó trở thành một chất bổ sung có thể giúp giảm trào ngược axit.
Nghiên cứu cho thấy melatonin, đặc biệt khi kết hợp với omeprazole - một loại thuốc điều trị trào ngược axit, có thể làm giảm các triệu chứng như ợ nóng và đau bụng trên. Chỉ riêng melatonin cũng cải thiện các triệu chứng sau bốn tuần, với những người tham gia báo cáo rằng, cuộc sống hàng ngày của họ được cải thiện nhiều hơn so với những người dùng giả dược.
Melatonin nhìn chung an toàn, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, buồn nôn và chóng mặt. Vì vậy, điều quan trọng là tránh lái xe sau khi dùng melatonin.
5. Vitamin B
Điều trị trào ngược axit bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI) trong thời gian dài, có thể dẫn đến giảm hấp thu vitamin B12 (thiếu hụt vitamin B12).
Nghiên cứu về vitamin B và mối liên hệ của chúng với chứng trào ngược axit còn mâu thuẫn, nhưng nhìn chung, các nghiên cứu phát hiện thấy lượng vitamin B12 thấp hơn ở những người dùng PPI dài hạn so với những người không dùng chúng.
Mặc dù bằng chứng còn chưa thống nhất, một số nghiên cứu cho thấy vitamin B, bao gồm axit folic (B9) và pyridoxine (B6), có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược axit như ợ nóng và đau ngực.
Tuy nhiên, do thiếu các nghiên cứu đáng tin cậy và kết quả trái ngược nhau, vitamin B thường không được khuyến nghị cho chứng trào ngược axit trừ khi có sự thiếu hụt được ghi nhận. Đối với người đang dùng thuốc PPI dài hạn, hãy hỏi bác sĩ xem có nên dùng thêm chất bổ sung vitamin B hay không.
6. Gừng

Gừng có thể giúp ích nếu các triệu chứng trào ngược axit liên quan đến buồn nôn hoặc nôn.
Gừng nổi tiếng với đặc tính chống buồn nôn tự nhiên, nhưng cũng có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược axit, bằng cách giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn qua đường tiêu hóa. Các nghiên cứu cho thấy, gừng cải thiện các triệu chứng khó tiêu, chẳng hạn như ợ hơi và đầy bụng. Gừng có thể giúp ích nếu các triệu chứng trào ngược axit liên quan đến buồn nôn hoặc nôn.
Trong khi nhiều loại thực phẩm bổ sung nhìn chung an toàn cho hầu hết người lớn, một số có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ ở đường tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi và tiêu chảy. Ngoài ra, một số chất bổ sung có thể tương tác với thuốc. Ví dụ, gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng với thuốc làm loãng máu như jantoven (warfarin). Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ chất bổ sung mới nào để tránh các tương tác tiềm ẩn và đảm bảo an toàn cho nhu cầu sức khỏe cụ thể của cá nhân.
Thay đổi lối sống hỗ trợ giảm trào ngược axit
Thay đổi lối sống có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng trào ngược axit:
- Chế độ ăn uống: Tránh thức ăn cay, nhiều chất béo và có tính axit; ăn các bữa nhỏ hơn…
- Tránh uống rượu và hút thuốc: Những chất này có thể gây ra hoặc làm tình trạng trào ngược trở nên trầm trọng hơn.
- Giữ thẳng lưng sau khi ăn: Chờ hai đến ba giờ trước khi nằm xuống sau khi ăn.
- Nâng cao đầu giường: Nâng cao đầu khi ngủ ngăn ngừa trào ngược axit.
- Giảm cân: Đối với người thừa cân, béo phì, giảm cân có thể làm giảm các triệu chứng.
Trào ngược axit có thể gây khó chịu, nhưng có nhiều loại thực phẩm bổ sung không cần đơn thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung không nhằm mục đích điều trị hoặc chữa khỏi bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào và nên được sử dụng cùng với những thay đổi về lối sống để có lợi ích tối ưu.
Kết quả của mỗi người có thể khác nhau, do đó người dùng luôn tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi bắt đầu bất kỳ loại thực phẩm bổ sung mới nào để đảm bảo nó phù hợp với bạn và không ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị khác.
Nếu thay đổi lối sống và/hoặc dùng các sản phẩm OTC không đỡ hoặc nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, nên đi khám để được điều trị thích hợp.