6 gia vị trong bếp không chỉ tạo món ăn ngon mà còn giúp phòng và trị bệnh

Một số loại gia vị như tỏi, nghệ, hành tây, bạc hà, gừng và rau mùi tây... không chỉ dễ dàng tạo ra các món ăn ngon miệng, bổ dưỡng mà còn có tác dụng phòng và trị bệnh.

Gia vị là linh hồn của ẩm thực, giúp biến những nguyên liệu đơn giản thành các món ăn thơm ngon và hấp dẫn. Một gian bếp với đầy đủ các loại gia vị không chỉ giúp bạn thỏa sức sáng tạo mà còn mang đến những lợi ích sức khỏe bất ngờ.

NỘI DUNG::

1. Tỏi - gia vị hàng đầu chống cảm cúm

2. Gừng - giúp tăng cường lưu thông máu

3. Nghệ có đặc tính chống viêm mạnh mẽ

4. Hành tây chứa nhiều chất chống oxy hóa

5. Bạc hà giúp làm dịu tiêu hóa

6. Rau mùi tây điều hòa huyết áp

Từ vị cay nồng của ớt, hương thơm ấm áp của quế đến khả năng kháng khuẩn của tỏi... mỗi loại gia vị đều có một vai trò riêng, góp phần tạo nên sự độc đáo và phong phú cho bữa ăn hàng ngày.

1. Tỏi - gia vị hàng đầu chống cảm cúm

Tỏi đã được sử dụng trong y học cổ truyền phương Đông từ hàng ngàn năm trước để hỗ trợ tiêu hóa, chống nhiễm trùng, hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da. Ngày nay, khoa học hiện đại cũng đã xác nhận những công dụng tuyệt vời của loại thảo dược quen thuộc này.

Tỏi chứa hợp chất allicin, một chất có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và chống oxy hóa mạnh. Việc tiêu thụ tỏi thường xuyên có thể giúp giảm cholesterol, hạ huyết áp, ngăn ngừa cảm cúm và giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng...

Tỏi là gia vị quen thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình.

Tỏi là gia vị quen thuộc trong gian bếp của nhiều gia đình.

2. Gừng - giúp tăng cường lưu thông máu

Gừng là một trong những nguyên liệu quý giá nhất trong y học cổ truyền lẫn hiện đại. Không chỉ giúp tăng hương vị cho món ăn, gừng còn nổi bật với khả năng kháng viêm, giảm đau và chống buồn nôn hiệu quả.

Gừng có tác dụng ngăn ngừa ung thư ruột kết, dạ dày, gan và buồng trứng, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường lưu thông máu. Nhiều vận động viên còn uống trà gừng trước khi tập luyện để giảm đau nhức cơ sau khi vận động mạnh. Mỗi khi mắc phải cảm lạnh hoặc đau họng, một cốc trà gừng mật ong chính là vị cứu tinh tuyệt vời.

3. Nghệ có đặc tính chống viêm mạnh mẽ

Nghệ là một loại gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn châu Á, nổi bật với màu vàng cam và hương thơm đặc trưng. Ngoài việc làm đẹp món ăn, nghệ còn là một "vũ khí bí mật" cho sức khỏe.

Curcumin - hoạt chất chính trong nghệ có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và hỗ trợ trao đổi chất. Nghệ được chứng minh là có thể làm dịu viêm khớp, hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson, và làm giảm nguy cơ ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì.

Theo BS. Huynh Wynn Tran (Los Angeles, Hoa Kỳ) cho biết: Trong củ nghệ có tới trên 200 hợp chất khác nhau, trong đó chất quan trọng nhất là curcumin (cumarin) chiếm khoảng 5%. Hợp chất curcumin đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm, giảm đau và cũng có tác dụng làm đẹp da. Một thìa nhỏ nghệ mỗi ngày, dưới dạng bột hoặc viên uống, có thể là "liều thuốc tự nhiên" giúp cơ thể chống chọi với một số bệnh mạn tính.

Tốt nhất nên dùng nghệ tươi thêm vào thức ăn hàng ngày giúp món ăn ngon miệng hơn và để cơ thể hấp thu dần dần.

Tốt nhất nên dùng nghệ tươi thêm vào thức ăn hàng ngày giúp món ăn ngon miệng hơn và để cơ thể hấp thu dần dần.

4. Hành tây chứa nhiều chất chống oxy hóa

Hành tây là một nguyên liệu nấu ăn quen thuộc nhưng chưa thực sự được ưa chuộng ở khía cạnh sức khỏe. Trên thực tế, hành tây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là quercetin - một chất giúp giảm viêm và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, khi kết hợp hành tây với nghệ trong chế độ ăn có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư ruột kết, nhờ vào tác động làm nhỏ các tế bào tiền ung thư. Hành tây còn giúp hạ huyết áp, giảm đường huyết, ngăn ngừa sâu răng và làm chắc nướu. Hơn nữa, hành tây là một nguồn prebiotics - chất xơ giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột, từ đó cải thiện hệ tiêu hóa và tâm trạng.

5. Bạc hà giúp làm dịu tiêu hóa

Bạc hà không chỉ được biết đến với hương thơm dễ chịu mà còn sở hữu nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng. Dù là bạc hà cay, bạc hà lục hay bạc hà táo, loại thảo mộc này đều có tác dụng làm dịu hệ tiêu hóa, giảm đau bụng và ngăn trào ngược acid dạ dày.

Nghiên cứu cho thấy bạc hà có thể hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS), làm giảm ợ nóng, thậm chí giúp ngăn ngừa loét dạ dày. Ngoài ra, bạc hà còn có khả năng làm dịu cổ họng, chống dị ứng và làm thơm hơi thở một cách tự nhiên. Chỉ cần vài lá bạc hà trong ly nước, món salad hoặc trà nóng là có thể khiến cơ thể khỏe mạnh hơn nhờ loại gia vị này.

6. Rau mùi tây điều hòa huyết áp

Rau mùi tây có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, thảo mộc này được trồng và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Rau mùi tây thường được dùng để trang trí món ăn, nhưng loại rau này cũng là một "kho" chất chống oxy hóa và dưỡng chất quan trọng.

Rau mùi tây chứa apigenin, một hợp chất có khả năng chống ung thư vú hiệu quả. Ngoài ra, loại rau này còn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, ngăn ngừa sỏi thận, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giảm táo bón, điều hòa huyết áp, hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở người mắc bệnh đái tháo đường. Một vài nhánh nhỏ rau mùi tây mỗi ngày có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho cơ thể và sức khỏe.

Mùi tây có thể dùng dưới dạng pha trà hoặc trong chế biến món ăn.

Mùi tây có thể dùng dưới dạng pha trà hoặc trong chế biến món ăn.

Khánh An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-gia-vi-trong-bep-khong-chi-tao-mon-an-ngon-ma-con-giup-phong-va-tri-benh-169250421161125688.htm
Zalo