6 điều cần biết trước khi mua điện thoại màn hình gập
Điện thoại màn hình gập là một bước tiến lớn về thiết kế và công nghệ, mang đến cảm giác mới lạ sau nhiều năm sử dụng những mẫu smartphone phẳng truyền thống.
Tuy nhiên, giá của những chiếc điện thoại màn hình gập thường không hề rẻ. Do đó, trước khi mua một thiết bị có giá trị cao và thiết kế phức tạp, dưới đây là một số điều bạn nên cân nhắc kỹ.
1. Bạn cần điện thoại màn hình gập để làm việc hay để thể hiện?
Một trong những lý do chính khiến nhiều người chọn điện thoại màn hình gập là để tận dụng tối đa khả năng kết hợp giữa smartphone và tablet. Mở ra là một màn hình lớn như máy tính bảng, và gập lại sẽ sử dụng dùng như điện thoại thông thường.
Nếu bạn là người làm việc đa nhiệm, thường xuyên chỉnh sửa tài liệu, trình chiếu PowerPoint, đọc biểu đồ tài chính hay xử lý nhiều tác vụ cùng lúc, đây có thể là thiết bị giúp tăng năng suất rõ rệt.
Các hãng như Samsung, OnePlus đã tối ưu trải nghiệm đa nhiệm trên màn hình gập. Chẳng hạn, thanh tác vụ trên Galaxy Fold giúp thao tác như máy tính, trong khi OnePlus Open với tính năng Open Canvas cho phép mở ba ứng dụng cùng lúc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng mua điện thoại màn hình gập để làm việc. Nhiều người chọn nó vì sự khác biệt, sự sang trọng hoặc đơn giản chỉ vì thích. Nhưng với mức giá có thể lên đến 50 triệu đồng, bạn nên tự hỏi đây là khoản đầu tư nghiêm túc cho công việc, hay chỉ là một món đồ chơi công nghệ?
Điện thoại màn hình gập (kiểu nắp gập) thường rẻ hơn, nhưng ít có các tính năng hỗ trợ tăng năng suất làm việc. Với các nhà sáng tạo nội dung, khả năng dựng đứng điện thoại để quay vlog hoặc chụp ảnh selfie chất lượng cao là điểm cộng lớn. Nhưng nếu bạn chỉ dùng để gọi điện và lướt mạng xã hội, một chiếc điện thoại truyền thống có thể là lựa chọn hợp lý hơn.

Điện thoại màn hình gập giúp tăng năng suất làm việc đáng kể nếu bạn biết cách tận dụng. Ảnh: TIỂU MINH
2. Chi phí sửa chữa cao
Dù nhà sản xuất có quảng bá về độ bền ra sao, điện thoại màn hình gập vẫn mong manh hơn các flagship truyền thống. Phần gập là điểm yếu rõ rệt, dễ lộ nếp gấp sau thời gian sử dụng và nhạy cảm với bụi, cát, nước.
Không chỉ khó sửa chữa hơn, các linh kiện của điện thoại gập cũng đắt đỏ và khó tìm. Thay màn hình trong có thể ngốn tới 1/3, thậm chí một nửa giá thiết bị. Không phải trung tâm sửa chữa nào cũng đủ tay nghề và linh kiện để thay thế. Nhiều trường hợp, bạn buộc phải gửi về hãng và chờ cả tuần.
Vì vậy, nếu bạn quyết định sở hữu một chiếc điện thoại màn hình gập, hãy chủ động dành một khoản ngân sách cho chi phí sửa chữa trong tương lai. Điều này giúp bạn không quá bất ngờ nếu thiết bị gặp sự cố ngoài ý muốn.

3. Ứng dụng bạn dùng có phù hợp với màn hình gập?
Màn hình lớn là điểm thu hút người dùng điện thoại gập, nhưng trải nghiệm thực tế lại phụ thuộc nhiều vào việc các ứng dụng có được tối ưu hóa hay không. Do tỷ lệ màn hình gần vuông hơn là chữ nhật, các video, phim ảnh hay app phổ biến đôi khi không hiển thị tốt, dẫn đến hai viền đen dày và hình ảnh bị bóp méo nếu bạn cố phóng to.
Dù Google đã khuyến khích các nhà phát triển cập nhật ứng dụng để hỗ trợ thiết kế gập, bạn vẫn nên kiểm tra kỹ những ứng dụng mình thường dùng có tương thích tốt hay chưa. Nếu không, màn hình lớn cũng không mang lại nhiều lợi ích thực tế.
4. Bạn có sẵn sàng mang theo thiết bị cồng kềnh mỗi ngày?
Điện thoại gập, đặc biệt là dạng sách, dày và nặng hơn smartphone thông thường. Dù các hãng như Samsung, Oppo đã nỗ lực giảm trọng lượng thiết bị qua từng thế hệ, thực tế là khi gập lại, điện thoại gập vẫn to.
Việc đút túi quần hoặc cầm nắm lâu trong ngày có thể khiến bạn mệt mỏi. Và nếu bạn dùng thêm ốp bảo vệ, độ dày càng tăng thêm. Với người có bàn tay nhỏ hoặc hay di chuyển, cảm giác cầm nắm có thể là rào cản đáng kể.
5. Màn hình phụ có thực sự hữu ích?
Với điện thoại gập dạng sách, màn hình phụ phía ngoài thường khá tiện, gần giống điện thoại thường. Nhưng với điện thoại nắp gập nhỏ, màn hình ngoài chỉ hiển thị thông báo hoặc một số tác vụ cơ bản, như xem giờ hay trả lời nhanh tin nhắn.
Gần đây, nhiều hãng nâng cấp màn hình ngoài đủ lớn để chạy ứng dụng đầy đủ. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng lại khiến điện thoại mất đi ý nghĩa ban đầu, giúp bạn bớt phụ thuộc vào điện thoại.

6. Thời lượng pin kém
Dù có kích thước lớn, nhưng điện thoại màn hình gập lại không có pin “khủng” như mong đợi. Lý do là bản lề chiếm nhiều không gian bên trong, khiến dung lượng pin bị giới hạn. Galaxy Fold 6 vẫn dùng pin 4400 mAh, con số không đổi từ năm 2021. Các hãng khác cũng chỉ nâng lên 4800 mAh hoặc 5000 mAh, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Với màn hình lớn tiêu tốn nhiều năng lượng, bạn buộc phải chọn giữa tiết kiệm pin bằng cách dùng màn hình phụ, hoặc tận dụng tối đa màn hình chính, nhưng phải sạc nhiều lần trong ngày.
