5G thúc đẩy đời sống số
Ngày 2-7, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức giao lưu trực tuyến '5G thúc đẩy đời sống số' nhằm thông tin đến bạn đọc về khả năng ứng dụng cũng như các giá trị lớn hơn mà 5G mang lại.
Tối ưu cấu trúc mạng 5G trên toàn địa bàn TPHCM
Tại buổi giao lưu trực tuyến, nhiều bạn đọc quan tâm đến việc phủ sóng 5G ở TPHCM. Bạn đọc Lee (0904026..., phường Bàn Cờ, TPHCM) đặt câu hỏi: “Hiện tại VinaPhone đã phủ sóng 5G tại TPHCM bao gồm khu vực nào?”.
Ông Trần Lâm Thịnh, Phó Giám đốc VNPT TPHCM, cho biết, hiện tại VNPT phủ sóng ở rất nhiều nơi trọng yếu và theo thứ tự ưu tiên hiệu quả đầu tư, trải nghiệm khách hàng tại TPHCM. Dự kiến, vào cuối năm 2025, con số này là 3.000 trạm với 3 triệu thuê bao.
“VNPT có tiêu chí rõ ràng trong tổ chức quy hoạch, đầu tư, khai thác, tối ưu các trạm phát sóng”, ông Trần Lâm Thịnh trả lời khi bạn đọc Nguyễn Thị Châu Pha (phường Bình Thạnh, TPHCM) hỏi “VinaPhone sẽ triển khai thêm bao nhiêu trạm 5G để phủ sóng đủ toàn bộ diện tích TPHCM?”.
Bạn đọc Lê Tùng (0702417...) nêu câu hỏi liên quan đến Hạ tầng 5G khi TPHCM hợp nhất với các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Lâm Thịnh thông tin: Về cơ sở hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng mạng di động mặt đất và hạ tầng băng rộng cố định…, thì mức độ chênh lệch không lớn, bởi trong những năm qua cả ba địa phương đều là vùng phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của cả nước, luôn được VNPT quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng phù hợp. Từ nay đến hết năm 2025, VNPT sẽ tập trung rà soát tổng thể và tối ưu cấu trúc mạng trên toàn địa bàn TPHCM, bảo đảm liên thông dữ liệu, đồng bộ kiến trúc hạ tầng, hướng tới xây dựng một hệ thống mạng thống nhất, đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số của thành phố.

Người dân sử dụng mạng di động trên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bạn đọc Xuân Hạ (xuanha567... @gmail.com) thắc mắc: “Với sự hình thành các siêu đô thị mới, cơ chế phân bổ tần số và tài nguyên mạng 5G sẽ được điều chỉnh như thế nào để phù hợp với quy mô, mật độ dân cư và nhu cầu sử dụng tăng cao?”.
Ông Trần Lâm Thịnh trả lời: Trong quá trình phát triển mạng vô tuyến từ 2G, 3G, 4G trước đây và 5G của hiện nay, VNPT đã có những bộ quy chuẩn, nguyên tắc giúp khai thác hiệu quả tài nguyên tần số, tài nguyên mạng. Theo đó, tùy theo đặc điểm dân cư, nhu cầu lưu lượng, khi thiết kế các kế hoạch phát triển mạng hàng năm, VNPT đều cân nhắc điều chỉnh sắp xếp việc phân bổ tài nguyên phục vụ theo một số tiêu chí chính: số lượng người dùng, khoảng cách kết nối, nhu cầu dịch vụ của người dùng…
Tập trung vào chiến lược ứng dụng
Bạn đọc Ngọc Hoa (hoangoc78...@gmail.com) hỏi đại diện Sở KH-CN TPHCM: “TPHCM hiện nay rộng lớn và nhiều khu vực cần kết nối. Vậy sở có kế hoạch gì để đảm bảo hạ tầng 5G ở những nơi này hay không?”.
Ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa, Trưởng Phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở KH-CN TPHCM, cho biết: TPHCM mới đã chính thức hoạt động từ ngày 1-7-2025, Sở KH-CN tổ chức rà soát tổng thể hạ tầng mạng 5G tại địa bàn này trong thời gian sớm nhất để có thể đánh giá đầy đủ thực trạng, đưa ra giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng 5G, đảm bảo hoàn thành trước thời hạn đối với mục tiêu phủ sóng 5G cho toàn địa bàn TPHCM. Dự kiến trong quý 3-2025, Sở KH-CN sẽ trình UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch phát triển hạ tầng 5G giai đoạn 2025-2027, hướng đến mục tiêu phủ sóng 5G hơn 90% địa bàn TPHCM, trong đó 100% ở khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm hành chính và các khu vực tập trung đông dân cư.
Ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa nêu thực tế: Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển trạm thông tin di động 5G tại các vùng nông thôn, vùng rừng ngập mặn, cụ thể là việc lắp đặt trạm BTS trên đất nông nghiệp, đất rừng… và trong việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích nông nghiệp với xây dựng công trình viễn thông. Tuy nhiên, nội dung này đã được hướng dẫn xử lý tại Luật Viễn thông, Luật Đất đai và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời hướng dẫn, triển khai nội dung này.
Bạn đọc Phan Văn Huy (huy123...@gmail.com) hỏi: “Việc kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ 5G để phát triển ứng dụng 5G tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung hoặc các khu công nghiệp sẽ được triển khai như thế nào?”.
Ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa thông tin, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động số 459-KH/TU và số 4354/KH-UBND, trong đó xác định mục tiêu hoàn thành triển khai phủ sóng mạng 5G đến 100% dân số thành phố. Sở KH-CN đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai và bước đầu đạt được một số kết quả: TPHCM (trước 1-7-2025) đã phát triển được 2.613 trạm BTS 5G - chiếm hơn 20% tổng số lượng trạm BTS 5G trên phạm vi cả nước, đáp ứng hơn 40% nhu cầu phủ sóng 5G cho người dân thành phố. Tốc độ cung cấp dịch vụ truy cập internet qua mạng 5G đạt từ 300-400Mbps so với tốc độ quy định là hơn 100Mbps. Các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung hoặc các khu công nghiệp, khu chế xuất… đều đã được các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên phát triển hạ tầng mạng 5G tốc độ cao cũng như hạ tầng cáp quang truyền dẫn băng rộng tốc độ cao và siêu cao hơn 1Gbps.
Sẵn sàng ứng dụng các giải pháp 5G
Bạn đọc Võ Văn Môn (phường An Đông, TPHCM) nêu câu hỏi: “Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM có kế hoạch gì để tận dụng công nghệ 5G trong việc phát triển các ứng dụng AI, IoT và dữ liệu lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế số và giáo dục số?”.
Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, trả lời: Trong thời gian tới, để triển khai các ứng dụng nói trên, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế số và giáo dục số, một cách hiệu quả thì không thể không ứng dụng trên nền tảng 5G. Do đó, đây là yêu cầu cần thiết mà trung tâm đặt ra cho các nhà cung cấp sản phẩm ngay từ giai đoạn thiết kế. Đối với các sản phẩm đã triển khai, trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nâng cấp, cải tiến sản phẩm để tận dụng tối đa công nghệ 5G.
“Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như thế nào để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái dịch vụ số dựa trên mạng 5G?” là câu hỏi của bạn đọc Lê Hoàng Tuấn (phường Chợ Lớn, TPHCM).
Ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ: Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM luôn mong muốn đồng hành, sẵn sàng tiếp nhận các giải pháp, sản phẩm mới trên nền tảng 5G ở giai đoạn thí điểm để đánh giá, đề xuất áp dụng tại thành phố nhằm làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Các khách mời trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo SGGP. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trả lời câu hỏi “Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM sẽ hỗ trợ các phường, xã như thế nào để tận dụng công nghệ 5G trong quản lý, điều hành và kết nối chính quyền số đến tận khu phố, ấp?” của bạn đọc Quang Huy (huytran94...@gmail.com), ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trung tâm phối hợp, tư vấn các phường, xã trong xây dựng và triển khai hệ thống hạ tầng số, hạ tầng mạng để đáp ứng các yêu cầu về vận hành thông suốt các ứng dụng ngay từ thời điểm 1-7-2025. Bên cạnh hạ tầng mạng cáp quang, trung tâm sẽ phối hợp các chuyên gia, đơn vị tư vấn xây dựng mô hình mạng di động không dây hiện đại, tiện lợi và an toàn. Thời gian tới, trung tâm sẽ triển khai ứng dụng hỗ trợ, quản lý, điều hành phường, xã, khu phố, ấp. Ứng dụng này sẽ được xây dựng, triển khai trên nền tảng công nghệ 5G. Ngoài ra, trung tâm mong muốn có sự hợp tác, hỗ trợ từ các phường, xã trong quá trình vận hành và triển khai chuyển đổi số để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số tại TPHCM.
5G là hạ tầng trọng yếu để phát triển công nghiệp thông minh
Theo Sở KH-CN TPHCM, trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện, TPHCM xác định công nghệ 5G là hạ tầng trọng yếu để phát triển công nghiệp thông minh, nâng cao hiệu suất sản xuất và tối ưu chuỗi logistics. Với vai trò trung tâm kinh tế, công nghiệp, logistics của cả nước, TPHCM đang triển khai một loạt giải pháp cụ thể nhằm tận dụng lợi thế của 5G để đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư và dẫn đầu làn sóng công nghiệp 4.0.
Những giải pháp ưu tiên phát triển 5G tại TPHCM: Phát triển hạ tầng mạng 5G chuyên biệt tại các khu công nghiệp và logistics qua ưu tiên triển khai mạng 5G dùng riêng (Private 5G Network) tại các khu công nghiệp trọng điểm; Hình thành các mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory), ứng dụng 5G kết nối robot công nghiệp, dây chuyền sản xuất, cảm biến IoT và hệ thống điều hành; Hiện đại hóa cảng biển và trung tâm logistics bằng 5G qua thúc đẩy ứng dụng 5G tại các cảng biển (Cát Lái, SP-ITC, Hiệp Phước) và trung tâm logistics để điều khiển thiết bị bốc dỡ, cần cẩu và xe nâng từ xa…