Nói không với túi nylon để cứu lấy môi trường từ hôm nay

Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, chúng ta nên giảm sử dụng túi nylon, chuyển sang dùng túi vải, túi giấy, túi sinh học.

Từ năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi nylon (Bag Free World Initiative) chọn ngày 3-7 hằng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi nylon, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới.

Đây được xem là một sáng kiến toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của túi nylon dùng một lần đối với môi trường và sức khỏe con người.

Hưởng ứng sự kiện này, tại Việt Nam, nhiều siêu thị, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã phát động các hoạt động kêu gọi người dân "nói không với túi nylon", chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường như túi vải, túi giấy, túi sinh học.

Tuy nhiên, để các phong trào bảo vệ môi trường thực sự mang lại hiệu quả, cần sự thay đổi từ chính thói quen tiêu dùng, sự đồng hành từ doanh nghiệp và chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước.

 Túi nylon, rác thải nhựa có mặt khắp mọi nơi. Ảnh: HUỲNH THƠ

Túi nylon, rác thải nhựa có mặt khắp mọi nơi. Ảnh: HUỲNH THƠ

Sẵn sàng thay đổi, nhưng...

Chị Phạm Thị Thanh Thảo (nhân viên văn phòng, TP.HCM): “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đầy rác nhựa, trôi lềnh bềnh sau mỗi cơn mưa. Chứng kiến cảnh này, tôi đã quyết hạn chế tối đa việc sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng thực sự tôi gặp nhiều khó khăn khi từ bỏ thói quen này, nhất là trong việc đựng rác sinh hoạt".

Chị Nguyễn Ngọc Diệp (nội trợ, phường Phú Nhuận, TP.HCM): “Một số siêu thị lớn hiện nay không phát túi nylon miễn phí, ai mua hàng phải mang túi riêng hoặc mua túi sinh học. Việc này ban đầu gây chút bất tiện, nhưng đây là cách làm cần thiết để tạo áp lực buộc người tiêu dùng thay đổi.

Điều khiến tôi rất bức xúc đó là nhiều thương hiệu cà phê lớn vẫn sử dụng ly nhựa để đựng đồ uống mang đi; thậm chí uống tại chỗ vẫn đựng bằng ly nhựa, nắp nhựa, ống hút nhựa. Một số nơi bán mang đi dùng túi giấy để đựng nhưng bên trong vẫn có tay xách bằng nylon hoặc ly nhựa. Nếu các chuỗi thương hiệu lớn cũng kiên quyết giảm túi nylon thì sẽ góp phần giảm đáng kể rác thải nhựa trong đô thị”.

 Ở các chợ truyền thống, nhiều người hạn chế túi nylon bằng cách mang túi của mình theo để đựng đồ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Ở các chợ truyền thống, nhiều người hạn chế túi nylon bằng cách mang túi của mình theo để đựng đồ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Chuyển đổi cần đồng bộ từ chính sách đến thói quen sống

Ông Nguyễn Văn Châu (tiểu thương chợ Bà Hoa, phường Bảy Hiền): “Tôi rất muốn đổi sang bao bì giấy hoặc túi vải cho khách, nhưng chi phí cao quá. Một bó rau chỉ lời 2.000-3.000 đồng, trong khi túi giấy đựng rau đã 1.500 đồng.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa và túi nylon.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 quy định rõ về trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Luật Thuế bảo vệ môi trường cũng đưa túi ni lông vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong xã hội và thúc đẩy thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người tiêu dùng.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm nhựa như túi ni lông, bát nhựa, chai nhựa.

Siêu thị lớn được hỗ trợ nên làm được, còn chúng tôi buôn bán nhỏ lẻ, không ai hỗ trợ. Nếu thành phố có chính sách trợ giá hoặc phát miễn phí túi thân thiện môi trường cho tiểu thương, chắc chắn sẽ có nhiều người hưởng ứng”.

Chị Quế Anh (nội trợ, phường Phú Nhuận): “Một số siêu thị nhỏ, cửa hàng sữa phát túi nilon tự hủy và bán túi vải giá rẻ. Trong khi đó, chợ truyền thống, hàng rong thì vẫn sử dụng túi nylon đựng hàng. Nếu muốn thay đổi tận gốc, tôi nghĩ cần có quy định ràng buộc dần, ví dụ: phường phát động mỗi tổ dân phố giảm 30% lượng túi nylon/tháng; hộ dân không phân loại rác và lạm dụng túi nylon sẽ bị nhắc nhở, thậm chí phạt. Phải có lực đẩy từ cả chính sách và cộng đồng”.

 Các tiểu thương ở chợ cho biết, bản thân tiểu thương gặp khó trong việc hạn chế sử dụng túi nylon. Ảnh: HUỲNH THƠ

Các tiểu thương ở chợ cho biết, bản thân tiểu thương gặp khó trong việc hạn chế sử dụng túi nylon. Ảnh: HUỲNH THƠ

Chị Thiện Mỹ (kỹ sư sinh học - môi trường): “Các nghiên cứu đã chỉ ra: mỗi túi nylon mất 500 - 1.000 năm mới phân hủy hết. Đặc biệt, chất thải nhựa nylon nếu ở ngoài môi trường khi đốt sẽ tạo ra khí thải độc hại, tồn tại lâu dài trong môi trường, gây suy thoái môi trường đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam mỗi năm thải ra hàng triệu tấn rác nhựa, phần lớn là túi nylon. Theo tôi, vấn đề không nằm ở việc tổ chức một ngày "không túi nylon", mà là làm sao để người dân, doanh nghiệp và chính quyền đều coi đó là việc cần làm mỗi ngày. Phải có lộ trình rõ ràng: năm nay giảm 30%, năm sau giảm tiếp 50%, đến năm 2030 tiến tới cấm hẳn loại túi nylon khó phân hủy. Khi đó, mọi người mới nhìn thấy mục tiêu dài hạn để cùng hành động”.

Không sử dụng túi nylon: Cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội

Trao đổi với PV, ông Đặng Bảo Quốc, Trưởng đại diện phía nam Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho rằng việc chọn ngày 3-7 làm Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon là lời nhắc quan trọng về mối nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của Ngày Quốc tế không sử dụng túi nylon không chỉ nằm ở việc nhắc nhớ một lần mỗi năm, mà phải trở thành động lực thúc đẩy các chính sách dài hạn, hành vi tiêu dùng bền vững và sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.

Theo ông Quốc, hiện túi nylon dùng một lần vẫn quá dễ tiếp cận, giá rẻ, tiện lợi và thiếu kiểm soát, khiến người dân khó thay đổi hành vi.

Để khắc phục, việc xây dựng và thực thi chính sách hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần cần được xem là ưu tiên. Trong đó, Nghị định 08/2022 quy định kể từ ngày 1-1-2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nylon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày dưới 50 µm (trừ một số trường hợp đặc biệt) là một bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết pháp lý rõ ràng trong việc giảm rác thải nhựa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, triển khai chương trình đổi túi nylon lấy túi sinh học. Ngoài ra, cần truyền thông thường xuyên ở trường học, tổ dân phố... để cộng đồng thay đổi hành vi thay vì chỉ tập trung vào chiến dịch ngắn hạn. Việc nhân rộng mô hình chợ, khu phố không túi nylon cũng là giải pháp hiệu quả.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/noi-khong-voi-tui-nylon-de-cuu-lay-moi-truong-tu-hom-nay-post858526.html
Zalo