Trung Quốc: Kinh tế giảm tốc nhưng cuộc đua AI vẫn tăng tốc không ngừng

Giữa bức tranh kinh tế còn nhiều ảm đạm, Trung Quốc lại đang chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo như một động lực chuyển mình mạnh mẽ trong cả ngành công nghiệp công nghệ cao lẫn những lĩnh vực ít hào nhoáng hơn…

Cuộc sống ở Trung Quốc hiện nay là bức tranh của những nét đối lập. Nếu trong một cuộc trò chuyện, người ta bày tỏ lo lắng về nền kinh tế trì trệ, thì ngay sau đó lại là những chia sẻ đầy sôi nổi, đầy kỳ vọng về việc trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng làm thay đổi các ngành công nghiệp như thế nào.

Một ví dụ tiêu biểu được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày qua là việc công ty điện thoại thông minh Honor của Trung Quốc tuyên bố mẫu điện thoại gập mới nhất của họ sẽ là mẫu điện thoại mỏng nhất trên thị trường hiện này. Với độ dày chỉ vào khoảng 8,8 mm khi gập lại và trọng lượng cực nhẹ 217g, thiết kế ấn tượng của dòng điện thoại Honor Magic V5 có được là phần lớn nhờ công cụ sản xuất dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Honor cho biết họ đã tìm ra sự kết hợp tối ưu giữa độ mỏng và độ bền thông qua mô hình AI công nghiệp với quy mô 1 tỷ tham số, cho phép mô phỏng hơn 125.000 phương án lắp ráp thiết bị. Nhờ công nghệ quét 3D tích hợp AI, Honor đã đạt được độ chính xác cực cao với sai số chỉ 0,003 mm, tương đương khoảng 1/20 đường kính sợi tóc người.

Kết quả là thiết bị mới đã giảm được 1,1 mm so với mẫu điện thoại gập đầu tiên mà Honor ra mắt vào tháng 7/2023, thời điểm công ty gây tiếng vang trên thị trường khi giới thiệu một sản phẩm gập gần như mỏng ngang iPhone. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự hứng khởi hậu Covid-19 đã bắt đầu nguội dần. Từ những cuộc ăn mừng chấm dứt lockdown, người ta chuyển sang lo ngại về đà suy yếu của nhu cầu tiêu dùng. Tâm lý bi quan đó cũng tạo ra trở ngại cho Honor trong việc thu hút người tiêu dùng thị trường nội địa, khi mức giá khởi điểm cho mỗi sản phẩm đều là trên 1.000 USD.

Nhìn lại khoảng thời gian hai năm qua, Honor không phải là doanh nghiệp Trung Quốc duy nhất đạt được những bước tiến đáng kể. Công ty điện thoại Xiaomi đã tung ra hai mẫu xe điện cạnh tranh trực tiếp với Tesla. Startup AI DeepSeek chính thức được đăng ký vào tháng 7/2023, và đến tháng 1 năm nay đã ra mắt mô hình AI đột phá đầu tiên.

AI thậm chí đã bắt đầu len lỏi vào những lĩnh vực ít hào nhoáng hơn của nền kinh tế Trung Quốc. Tháng 7/2023, Huawei đã hợp tác cùng công ty khai thác Yunding Technology và Tập đoàn năng lượng quốc doanh Sơn Đông để ra mắt mô hình AI chuyên biệt cho ngành khai thác mỏ, phát triển từ mô hình nền tảng Pangu. Công nghệ này cho phép điều khiển thiết bị khai thác từ xa, đồng thời rút ngắn thời gian phát triển các giải pháp công nghệ khác.

 Nhân viên tại một mỏ than ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đang sử dụng hệ thống AI để thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động khai thác mỏ

Nhân viên tại một mỏ than ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đang sử dụng hệ thống AI để thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động khai thác mỏ

Đến năm 2025, công nghệ AI này đã được tích hợp tại hơn 100 mỏ, theo báo cáo thường niên Huawei công bố tháng 3. Trong tháng 5, khách hàng của Huawei tại khu tự trị Nội Mông đã triển khai 100 xe tải điện tự hành tại một mỏ than địa phương. Tháng trước, Huawei tiếp tục công bố phiên bản mới, Pangu 5.5, và trong tuần này đã phát hành mã nguồn mở của mô hình này dành cho các nhà phát triển.

Trong khi đó, startup kính thực tế tăng cường Xreal đã đầu tư xây dựng nhà máy riêng tại thành phố cấp hai Vô Tích ở miền Đông Nam Trung Quốc và đầu năm nay công bố mẫu kính mới sử dụng hệ điều hành XR của Google. Giám đốc điều hành và nhà sáng lập Từ Xích tiết lộ với phóng viên bên lề sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân tuần trước rằng công ty sẽ chuyển trụ sở từ Bắc Kinh về Thượng Hải vào mùa hè này nhằm thuận tiện hơn cho việc điều phối sản xuất tại các nhà máy chuyên môn hóa ở Vô Tích - nơi sản xuất linh kiện quang học và các bộ phận khác. Ông hy vọng sản phẩm mới có thể đến tay người tiêu dùng vào cuối năm nay, đồng thời khẳng định Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Xreal.

Nhiều công ty nước ngoài cũng đang góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ tại Trung Quốc. Tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức, theo chia sẻ của Giám đốc Công nghệ và Chiến lược Peter Koerte, đã phát triển 16 trên tổng số 18 sản phẩm tích hợp AI mới nhất ngay tại Trung Quốc chỉ trong vòng 9 tháng.

Những đột phá công nghệ này là kết quả của nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nghiên cứu và phát triển, song chỉ gần đây các doanh nghiệp mới bắt đầu thu về thành quả.

“AI hiện không còn là những đổi mới công nghệ đơn lẻ, mà đang trở thành một phần cốt lõi, được tích hợp sâu vào toàn bộ quy trình kinh doanh”, bà Janet Tang, đối tác quản lý tại công ty tư vấn AlixPartners chia sẻ bên lề hội nghị.

Lâm Minh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/trung-quoc-kinh-te-giam-toc-nhung-cuoc-dua-ai-van-tang-toc-khong-ngung-post561393.html
Zalo