51 công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo TPHCM

51 công trình thuộc 7 lĩnh vực có tính ứng dụng, lan tỏa trong xã hội được trao giải Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 4 năm 2025.

Ban tổ chức trao giải cho các đại diện nhóm tác giả đoạt giải Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, tối 1/7. Ảnh: Phúc Uyên.

Ban tổ chức trao giải cho các đại diện nhóm tác giả đoạt giải Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, tối 1/7. Ảnh: Phúc Uyên.

Tối 1/7, UBND TPHCM tổ chức trao giải Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần thứ 4. Đây là giải thưởng cao quý và danh giá của TPHCM nhằm tôn vinh các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có các sáng kiến và công trình, tác phẩm sáng tạo đóng góp thiết thực cho sự phát triển của thành phố.

Giải thưởng còn nhằm cổ vũ, phát huy tinh thần lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Giải thưởng do UBND TPHCM xét và trao tặng cho các tổ chức, cá nhân có công trình, giải pháp, tác phẩm, đề tài sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của thành phố trên 7 lĩnh vực: Khoa học Kỹ thuật (9 giải), Kinh tế (9 giải), Quốc phòng An ninh (6 giải), Quản lý Nhà nước (6 giải), Truyền thông (6 giải), Văn học Nghệ thuật (9 giải), Khởi nghiệp Sáng tạo (6 giải).

Ở mỗi lĩnh vực, giá trị giải thưởng gồm giải Nhất 200 triệu đồng, giải Nhì 150 triệu đồng và giải Ba 100 triệu đồng.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, qua 3 lần tổ chức, giải thưởng sáng tạo TPHCM với 186 sáng kiến giải pháp và các tác phẩm được trao giải qua các năm.

Trong lần thứ 4, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của các cơ quan tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực.

Ông Được cho biết, 51 sản phẩm xuất sắc được vinh danh không chỉ đa dạng thể loại mà còn phong phú về nội dung thể hiện tinh thần sáng tạo của người dân TPHCM.

Một trong số đó là công trình Lễ hội sông nước TPHCM nhằm phát triển du lịch đoạt giải Nhất. Công trình nhằm phát huy nét văn hóa truyền thống trên bến dưới thuyền của Nam Bộ xưa kết hợp với văn hóa du lịch quốc tế góp phần nâng cao thương hiệu du lịch TPHCM giàu bản sắc và hiện đại.

Phát biểu cảm xúc tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, đại diện nhóm tác giả cho biết, giải thưởng là động lực giúp Sở Du lịch TPHCM vững tin tham mưu lãnh đạo thành phố tổ chức trong các kỳ lễ hội tiếp theo quy mô hơn, chất lượng hơn.

Bà Hoa cho biết, trong bối cảnh TPHCM và cả nước trong những ngày đầu mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, lễ hội sông nước TPHCM sẽ mở rộng hơn theo hình thức lễ hội mở, diễn ra nhiều ngày, nhiều địa điểm, gắn kết với Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ.

“Lễ hội theo mô hình liên kết vùng góp phần lan tỏa bản sắc giá trị văn hóa du lịch của TPHCM mới đến các vùng thông qua ngôn ngữ kể chuyện đương đại kết hợp công nghệ mới tạo sự khác biệt”, bà Hoa nói.

Ở lĩnh vực quản lý Nhà nước, ứng dụng công nghệ số của Trung tâm chuyển đổi số TPHCM đạt giải Nhì (không có giải Nhất).

Sản phẩm nhằm xây dựng ứng dụng di động duy nhất và thống nhất bằng tương tác 1 chạm dễ dàng đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn thành phố triển khai thiết chế mô hình chính quyền 2 cấp.

 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Phúc Uyên.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Phúc Uyên.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, tất cả các tác phẩm được vinh danh, hoặc chưa được vinh danh đều cho thấy khát vọng cống hiến, nỗ lực bằng cả trái tim khối óc vì sự phát triển của TPHCM của nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân thành phố. Phần lớn sáng kiến được ứng dụng mang lại giá trị thực tiễn trong cuộc sống góp phần khơi dậy, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.

“Tôi ghi nhận, đánh giá cao các tổ chức cá nhân đã hưởng ứng tham gia giải thưởng sáng tạo TPHCM, biểu dương tinh thần làm việc công tâm của hội đồng xét chọn góp phần lan tỏa thành công giải thưởng sáng tạo TPHCM năm 2025”, ông Được nói.

7 công trình đoạt giải cao nhất Giải thưởng sáng tạo TPHCM

Lĩnh vực Kinh tế: Lễ hội sông nước TPHCM của nhóm tác giả Sở Du lịch TPHCM.

Lĩnh vực Quốc phòng An ninh: Ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu điện tử trong phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm của nhóm tác giả Bộ Tư lệnh TPHCM.

Lĩnh vực Quản lý Nhà nước: Ứng dụng Công dân số TPHCM của nhóm tác giả Trung tâm chuyển đổi số TPHCM.

Lĩnh vực Truyền thông: Chương trình Ngày của phở 12/12 của nhóm tác giả Báo Tuổi Trẻ.

Lĩnh vực Văn học Nghệ thuật: Vở kịch nói "Đồng chí" của nhóm tác giả Hội Sân khấu TPHCM.

Lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật: Phát triển phẫu thuật bảo tồn thận chuẩn quốc tế trong điều trị triệt căn ung thư thận của nhóm tác giả Bệnh viện Bình Dân.

Lĩnh vực Khởi nghiệp Sáng tạo: Nhựa sinh học hòa tan trong nước của nhóm tác giả dự án PVA Pro.

Phúc Uyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/51-cong-trinh-doat-giai-thuong-sang-tao-tphcm-post738061.html
Zalo