'Động và tĩnh' trong tranh trừu tượng Trần Hải Minh và Trần Lưu Mỹ

Ngày 3/7, triển lãm tranh trừu tượng 'Động và tĩnh' của hai họa sĩ Trần Lưu Mỹ và Trần Hải Minh đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đã mang lại nhiều ấn tượng, thu hút đông giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa thành phố.

Họa sĩ Trần Hải Minh (bên phải) và Trần Lưu Mỹ.

Họa sĩ Trần Hải Minh (bên phải) và Trần Lưu Mỹ.

Tại đây, hai họa sĩ và đã giới thiệu tới công chúng 60 bức tranh trừu tượng khổ lớn là những sáng tác mới nhất.

"Động và tĩnh" có nhiều tác phẩm kích thước lớn: 2,4mx2,4m; 2,4mx1,8m; phổ biến là những tác phẩm có kích thước 1,6mx1,7m và một số bức tranh nhỏ có kích thước 80x80cm.

Trần Hải Minh là họa sĩ có nhiều trải nghiệm. Ông sinh năm 1962, từng là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, sau đó giành được học bổng tại Học viện Nghệ thuật Berlin (Đức).

Bảy năm học tại môi trường này đã giúp họa sĩ Trần Hải Minh khai mở nhiều điều hay ở lĩnh vực hội họa. Ông đã sống và say mê vẽ nhiều năm ở Berlin. Hiện họa sĩ hoạt động nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 Họa sĩ Trần Hải Minh bên một tác phẩm cỡ lớn.

Họa sĩ Trần Hải Minh bên một tác phẩm cỡ lớn.

Ngay từ năm 1986, Trần Hải Minh đã lựa chọn theo đuổi trừu tượng biểu hiện. Cho đến nay, ông là những người gặt hái được không ít thành công trong hội họa và là gương mặt được biết tới trong giới mỹ thuật.

Trong khi đó, họa sĩ Trần Lưu Mỹ tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và có thời gian bền bỉ với nghề vẽ. Là con trai cả của cố họa sĩ Trần Lưu Hậu, ông được thừa hưởng khả năng hội họa từ người cha thành danh. Tuy nhiên, để vượt qua cái bóng của cha, Trần Lưu Mỹ đã trăn trở rất nhiều để tìm ra một con đường riêng, một lối đi mà ông tâm đắc và dành nhiều công sức để tìm tòi và thể nghiệm.

Nhờ những thăng trầm của đời sống đã đưa Trần Lưu Mỹ đến với tinh thần của Phật giáo, bằng cách cảm và thực hành lối sống chậm, an nhiên. Trần Lưu Mỹ đã đưa tinh thần ấy vào tranh, làm nên các tác phẩm có tính thiền, giúp người xem lắng lại, cảm nhận cuộc sống ở một góc bình yên.

 Họa sĩ Trần Lưu Mỹ.

Họa sĩ Trần Lưu Mỹ.

Với tên gọi "Động và tĩnh", triển lãm nhóm của họa sĩ Trần Lưu Mỹ và Trần Hải Minh mang tới cho người xem hai trạng thái đối lập nhau nhưng lại xuất hiện trong cùng một phòng tranh. Đó là sự mạnh mẽ, dứt khoát song hành với sự bình lặng, chậm rãi.

Nếu như Trần Hải Minh vẽ như "đổ lửa xuống toan", những mảng màu mạnh, bút pháp bùng lên như những cơn cuồng phong cảm xúc, với những vệt cọ dài, mạnh, dứt khoát và dồn nén năng lượng cơ thể... thì Trần Lưu Mỹ lại vẽ bằng sự tĩnh lặng. Ở đó, màu sắc được tiết chế đến mức gần như nhạt thoát khỏi hình, hình ảnh tan biến để tạo ra khoảng trống đầy thiền tính.

Những vệt acrylic đậm nhạt, to nhỏ, dài ngắn rơi xuống toan như những dấu vết thư pháp, mỗi nét cọ như đang chờ một tiếng vọng thầm lặng từ người thưởng lãm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy nhận định: "Cốt khí, cả cốt lẫn khí, tranh Trần Lưu Mỹ có thể hạ một chữ "đạm", nhưng mà "đạm nhược thủy". Màu sắc tranh Mỹ thâm trầm, anh ưa những gam màu lạnh. Như dòng nước trôi qua những cánh rừng sậm lá hoặc bầu trời đẫm sắc đen. Nhưng đây đó vẫn vương vắt những tấm khăn màu cam hoặc xanh lơ như tình cờ, lơ đãng".

 Một tác phẩm của họa sĩ Trần Hải Minh.

Một tác phẩm của họa sĩ Trần Hải Minh.

Dù thuộc hai thái cực đối chọi, nhưng hai nghệ sĩ lại gặp nhau ở điểm là cùng dấn thân vào cõi vô thức, khơi dậy năng lượng nguyên thủy nhất của hội họa trừu tượng đương đại. Họ không tả thực thế giới bên ngoài, mà mở ra thế giới bên trong-sâu thẳm, đa tầng và đầy mời gọi.

Nhà phê bình Trần Huy Mẫn nhận xét, triển lãm không chỉ là một điểm nhấn trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam, mà còn là một mốc son khẳng định: tranh trừu tượng Việt Nam đang có một ngôn ngữ độc lập, sâu sắc và đầy nội lực.

 Tác phẩm ấn tượng của Trần Lưu Mỹ.

Tác phẩm ấn tượng của Trần Lưu Mỹ.

Đây là cơ hội hiếm có để giới thưởng lãm, các nhà sưu tập, gallery và công chúng yêu hội họa tiếp cận hai giọng nói khác biệt nhưng đều mạnh mẽ và giàu bản sắc.

Trong làn sóng toàn cầu hóa mỹ thuật đương đại, những nghệ sĩ như Trần Hải Minh và Trần Lưu Mỹ là hiếm hoi. Họ cho chúng ta thấy rằng: Trừu tượng biểu hiện không phải là mỹ học hình thức, mà là một cử chỉ hiện sinh.

Triển lãm kết thúc vào ngày 13/7.

Thụy Phương

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-va-tinh-trong-tranh-truu-tuong-tran-hai-minh-va-tran-luu-my-post891214.html
Zalo