50 năm Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế: Tự hào thành tích, tin tưởng bứt phá
Sáng ngày 10/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp Viện Toán học Việt Nam tổ chức Hội thảo về Đánh giá công tác bồi dưỡng và kết quả thi học sinh môn Toán quốc gia, quốc tế giai đoạn 2015-2024 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO).
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, toán học càng trở nên quan trọng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ tự hào về thành tích Việt Nam đạt được trong 50 năm tham dự IMO, cũng như phong trào học tập Toán ở trong nước; tự hào về thành công của các nhà toán học, các nhà khoa học có sử dụng toán của đất nước…
Việc tổ chức thành công các kỳ thi trong nước và quốc tế ở phổ thông, đại học tạo động lực cho học sinh, sinh viên, thầy cô học tập, giảng dạy; khẳng định vị thế của nhà trường, địa phương, của Việt Nam đối với môn Toán; thúc đẩy học toán từ phổ thông và sử dụng toán học trong các lĩnh vực khác nhau và trong cuộc sống.
Thứ trưởng khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đề cao vai trò môn Toán, từ phổ thông đến đào tạo đại học, sau đại học, trong nghiên cứu. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toán học càng trở nên quan trọng.
Để duy trì, nâng cao thành tích của đội tuyển Toán Việt Nam, thúc đẩy dạy học Toán, tăng hứng thú và học Toán hiệu quả, theo Thứ trưởng, phải bắt đầu từ phổ thông, làm tốt hơn việc dạy và học Toán ở phổ thông, nghiên cứu tốt hơn ở đại học. Làm sao để toán học không những chiếm nhiều hơn trong chương trình đào tạo mà dạy - học Toán phải tạo hứng thú, hiệu quả hơn cho người học.
"Với công nghệ hiện nay, một thầy giỏi Toán có thể dạy cho nhiều học sinh, không chỉ trường mình, địa phương mình mà trên toàn quốc. Đóng góp của thầy giỏi vì vậy sẽ rộng hơn. Học sinh không chỉ học từ một thầy giỏi mà có thể học nhiều thầy giỏi, từ đó có được nhiều học sinh giỏi hơn. Như vậy, nền toán học của chúng ta có sự phát triển bứt phá", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Sau 50 năm nhìn lại, Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định, kỳ thi toán quốc tế IMO vẫn là một sân chơi của môn thể thao trí tuệ là toán học, và phần nào là một thước đo để đánh giá năng lực phát triển giáo dục toán học của một quốc gia.
Tất nhiên, cũng như cuộc sống có những nốt thăng trầm, nhưng trong mỗi thời kỳ chúng ta đều có những cá nhân rất xuất sắc. Những cựu học sinh IMO đã và đang là những nhà khoa học chuyên nghiệp, có uy tín quốc tế, tích cực đóng góp vào sự phát triển của toán học Việt Nam. Điều này có thể thấy rất rõ qua các hoạt động toán học rất nhộn nhịp trong những tháng hè vừa qua, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều thành phố, địa phương khác.
"Chúng ta cũng đã bước đầu tìm ra được cách thức tạo nên sự gắn kết giữa các nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hợp tác với các nhà khoa học trong nước trong nghiên cứu, đào tạo thông qua mô hình Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, từ đó lan tỏa khắp cả nước", Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Bày tỏ vui mừng về những thành quả đã đạt được, đặc biệt là sự đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng toán học Việt Nam trong và ngoài nước, về sự quan tâm của Chính phủ và toán học vẫn là một trong những môn học được yêu thích của các bạn trẻ Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, vẫn còn những câu hỏi, làm sao để phong trào học Toán được bền vững, sâu rộng hơn. Làm sao để môn Toán và các môn học cơ bản khác trở thành lựa chọn một cách tự nguyện của người trẻ…
Tại hội thảo, từ kết quả, các bài học sau 50 năm Việt Nam tham dự IMO, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ để Việt Nam duy trì, nâng cao thành tích Toán trên sân chơi quốc tế và giải pháp phát triển bền vững, sâu rộng phong trào học Toán.
Đội tuyển Việt Nam có 289 lượt học sinh tham dự IMO, đạt 69 Huy chương Vàng
Năm 1974, trong bối cảnh cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước còn chưa kết thúc, theo sáng kiến của một số nhà Toán học, đứng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, được sự ủng hộ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam lần đầu tiên cử đoàn 5 học sinh tham dự kỳ thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
Dẫn đoàn là hai nhà giáo Lê Hải Châu và Phan Đức Chính. Ngay trong lần đầu tiên tham dự, các học sinh Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với thành tích xuất sắc 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.
Kể từ lần đầu tiên tham dự (năm 1974) đến nay, nhiệm vụ thành lập các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) được Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục (giai đoạn 1974-1990), và Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 1990 đến nay), chủ trì tổ chức thực hiện.
Cho đến nay, riêng đội tuyển Việt Nam có 289 lượt học sinh tham dự IMO và đã đạt được 69 Huy chương Vàng, 118 Huy chương Bạc, 84 Huy chương Đồng, 3 bằng khen.
Trong 50 năm qua, các đội tuyển IMO Việt Nam có thành tích tương đối ổn định, được bạn bè các nước đánh giá cao không chỉ về số lượng huy chương mà còn về các thành tích nổi trội đặc biệt. Như điểm tuyệt đối 40/40 của cựu học sinh Lê Bá Khánh Trình năm 1979; hai năm liền đoạt Huy chương Vàng quốc tế của cựu học sinh Ngô Bảo Châu năm 1988 và 1989, của cựu học sinh Vũ Ngọc Minh năm 2001 và 2002…
Năm 2007 ghi nhận một sự kiện đáng chú ý trong giới toán học, đó là Việt Nam đã tổ chức thành công IMO lần thứ 48 với sự tham gia của 93 nước và vùng lãnh thổ. Việc tổ chức đã gây ấn tượng rất tốt đẹp với cộng đồng quốc tế, khẳng định trình giới toán học Việt Nam đủ sức để thực hiện những công việc có tính chuyên môn cao hàng đầu.