50 năm - văn học nghệ thuật thấm đẫm hồn đất, tình người

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa tổ chức thành công hội thảo 'Văn học nghệ thuật Phú Yên - 50 năm xây dựng và phát triển'. Đây là cơ hội quý để văn nghệ sĩ và các nhà quản lý cùng nhìn lại những thành tựu đáng tự hào, thấm đẫm hồn đất, tình người Phú Yên.

Báo Phú Yên lược ghi một số nội dung đáng chú ý trong các tham luận của một số đại biểu.

Quang cảnh hội thảo “Văn học, nghệ thuật Phú Yên – 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: YÊN LAN

Quang cảnh hội thảo “Văn học, nghệ thuật Phú Yên – 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: YÊN LAN

PGS.TS NGUYỄN THỊ THU TRANG, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH, NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Lực lượng sáng tác tương đối đều, có kế thừa và đồng thuận

Ngay sau ngày giải phóng, sau khi tiếp quản Ty Thông tin chính quyền cũ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã thành lập Phân hội Văn nghệ Phú Yên và nhanh chóng cho hoạt động ngay. Phân hội đã quy tụ đội ngũ sáng tác trong đó có những nhà văn, nghệ sĩ đã sáng tác ở vùng giải phóng và một số người đã viết dưới thời chính quyền Sài Gòn.

Phân hội Văn nghệ Phú Yên đã xuất bản những tập san thơ văn như Văn nghệ Giải phóng, Sóng Sông Ba, dù rất sơ sài nhưng được nhiều người yêu thích.

Một số bài hát mừng ngày giải phóng cũng được phổ biến, các đội chiếu phim phục vụ đồng bào đi khắp các xã, phường để phục vụ, chủ yếu là các bộ phim của điện ảnh Việt Nam thời chống Mỹ và phim Liên Xô (cũ). Có thể nói, những ngày giải phóng tưng bừng để lại ấn tượng khó quên trong lòng dân chúng, một phần nhờ công lao của Phân hội Văn nghệ Phú Yên...

Văn học nghệ thuật Phú Yên trong suốt nửa thế kỷ qua được bắt đầu bằng dấu mốc hòa bình, thống nhất nên đã phát triển cân đối. Không còn bị chia cắt vì chiến tranh, bỏ bớt những định kiến, mở rộng tinh thần dân chủ nhờ đổi mới, các nghệ sĩ thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận các trường phái, khuynh hướng sáng tác hiện đại nên cũng tiến bộ nhiều hơn.

Lực lượng sáng tác tương đối đều, có kế thừa và đồng thuận trong môi trường chung là giá trị lớn nhất mà văn học Phú Yên có được. Tại địa phương, tổ chức hội Văn học Nghệ thuật có vai trò quy tụ và kết nối quan trọng lực lượng sáng tác, tổ chức các hoạt động, sinh hoạt nghệ thuật phục vụ cho phong trào, cho số đông. Sống và làm việc tại các thành phố hay các địa phương khác, các nghệ sĩ quê Phú Yên phần lớn vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với quê nhà, nhưng sự nỗ lực và tài năng cá nhân mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của họ.

NHẠC SĨ, NGHỆ SĨ NHÂN DÂN CAO HỮU NHẠC, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM TỈNH PHÚ YÊN, NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT CA MÚA NHẠC DÂN GIAN SAO BIỂN: Nhiều niềm vui trong sáng tác và biểu diễn

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua của âm nhạc Phú Yên, từ lúc sáp nhập tỉnh cho đến tái lập tỉnh, chúng ta thấy nhiều niềm vui vì đã làm được nhiều việc ở cả hai mảng sáng tác và biểu diễn. Phân hội Âm nhạc trực thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thành lập ngay từ lúc mới tái lập tỉnh đến nay vẫn phát triển đều đặn.

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Yên cũng đã hoạt động hơn 10 năm, các tác phẩm có chất lượng đã vang xa trong nước và bạn bè quốc tế. Nhiều ca khúc đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc. Nhiều giọng hát, nhiều nhạc công đã đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, được khen thưởng qua các cuộc thi, liên hoan âm nhạc cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia, nhiều người hoạt động âm nhạc được vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Nhiều tác phẩm âm nhạc được biểu diễn trên sân khấu, từ quần chúng đến chuyên nghiệp; nhiều tác phẩm lên sóng phát thanh, truyền hình, và hiện diện trên các nền tảng số YouTube, Facebook, Zalo, TikTok, Instagram…

Đội ngũ sư phạm âm nhạc có nhiều người đạt trình độ cao, có khát vọng phổ cập âm nhạc sâu rộng trong tỉnh. Đến nay, nhiều đề tài nghiên cứu về âm nhạc dân gian trong tỉnh được in thành sách và trên 30 tập sách ca khúc của các tác giả, từ sự hỗ trợ của Nhà nước và các tác giả phối hợp với nhà xuất bản trong khâu in ấn phát hành.

Qua thực tế, chúng ta có thể nói rằng chuyên ngành âm nhạc phát triển là nhờ có sự quan tâm của hai đơn vị: Ngành Văn hóa quan tâm đến hoạt động bề nổi trên sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật chú ý đến chiều sâu trong tư duy sáng tạo tác phẩm.

50 năm qua, kể từ ngày đất nước thống nhất (1975-2025), văn học nghệ thuật Phú Yên đã trải qua một hành trình dài, với những dấu ấn sâu đậm. Văn học nghệ thuật, với sự lan tỏa, đã trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, bệ phóng cho tương lai; kết tinh những giá trị cốt lõi của quê hương Phú Yên qua từng thế hệ.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên

NGHỆ SĨ LÊ VĂN HIẾU, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI NGHỆ SĨ SÂN KHẤU VIỆT NAM TẠI PHÚ YÊN, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI SÂN KHẤU PHÚ YÊN: Chung tay giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống

Để góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, sân khấu tuồng, dân ca kịch bài chòi, cải lương nói riêng, tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu thích, đam mê loại hình nghệ thuật độc đáo này, những năm qua, Chi hội Sân khấu Phú Yên và từng hội viên, các đội nhóm, CLB tuồng, bài chòi, đàn hát dân ca, đờn ca tài tử đã có những đóng góp nhất định vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một trong những hoạt động nổi bật đó là Chi hội Sân khấu tổ chức Giỗ Tổ Sân khấu gắn với liên hoan nghệ thuật truyền thống được duy trì đều đặn trong suốt 20 năm qua, nhất là từ khi Ban Bí thư có kết luận và Chính phủ quyết định lấy ngày 12/8 âm lịch hằng năm làm Ngày Sân khấu Việt Nam.

Đây thật sự là ngày hội của những người đam mê nghệ thuật sân khấu của dân tộc làm cho anh chị em văn nghệ sĩ và những người yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc xích lại gần nhau hơn, chung tay giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Trước đó, Chi hội Sân khấu đã đi đầu trong việc “đưa sân khấu vào học đường”, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, Trường Quân sự địa phương (Bộ CHQS tỉnh) và một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc trưng của Khu 5.

Hiện tại, Chi hội Sân khấu vẫn tiếp tục “truyền lửa”, đưa dân ca bài chòi vào học đường. Tại CLB Đàn hát dân ca TX Đông Hòa, các lớp dạy đàn hát dân ca thu hút đông đảo các em học sinh, nam nữ thanh thiếu niên.

Gần đây, mặc dù kinh phí vô cùng hạn hẹp, nhưng Chi hội Sân khấu đã tổ chức dàn dựng 2 vở diễn. Một là vở kịch dân ca bài chòi: Sáng mãi tên anh của nghệ sĩ Bình Thảng, hai là vở tuồng Kiều Quốc Sĩ của nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, với kinh phí hỗ trợ lần lượt là 30 và 40 triệu đồng, chỉ để bồi dưỡng cho diễn viên. CLB Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa) cũng đã dàn dựng vở tuồng Tình yêu và khát vọng của cố nghệ sĩ Phạm Ngọc Sơn.

Ngoài ra, từ những năm đầu mới tái lập tỉnh, bằng nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, Chi hội Sân khấu còn dàn dựng và biểu diễn phục vụ khán giả tỉnh nhà 2 vở tuồng Lê Thành Phương (tác giả: Nguyễn Phụng Kỳ) và Bạch Ngọc Đường (tác giả: Phạm Ngọc Sơn), góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu tuồng.

Trong các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, ngành và các địa phương, cũng như trong các chương trình nghệ thuật đường phố, hội viên Chi hội Sân khấu, thành viên các CLB Tuồng, Dân ca Bài chòi, Đờn ca tài tử… luôn là lực lượng nòng cốt.

Tại nhiều địa phương, các CLB tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt văn nghệ quần chúng theo định kỳ và kết hợp biểu diễn chào mừng các ngày lễ, ngày hội của địa phương và đất nước...

Thời gian qua, nhiều tác phẩm dân ca bài chòi do hội viên Chi hội Sân khấu sáng tác đã được biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, tại các hội diễn, hội thi nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp từ địa phương đến trung ương. Nhiều tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc.

HỌA SĨ VÕ TĨNH, ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH, CHI HỘI TRƯỞNG CHI HỘI MỸ THUẬT: Hòa nhập vào dòng mạch chính trong sáng tạo tác phẩm

Thời gian qua, giới sáng tác mỹ thuật Phú Yên đã hòa nhập dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, bản sắc dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thực lịch sử, đất nước và công cuộc đổi mới gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; có sự đa dạng về nội dung, phong cách nghệ thuật, thể hiện dấu ấn đậm nét của cá tính sáng tạo.

Đề tài sáng tác đa dạng, rộng mở, với nhiều góc nhìn, cảm nhận khác nhau của từng nghệ sĩ, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống hiện đại và nhu cầu thưởng thức của công chúng, đặc biệt là đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, thẩm mỹ của thời đại.

Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện đời sống vật chất được nâng cao, cùng với sự tiếp cận dễ dàng với các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, nhiều nghệ sĩ đã tập trung thử nghiệm những chất liệu mới, cách thể hiện mới, không chỉ từng bước khẳng định tên tuổi trong tỉnh mà còn vươn ra cả nước...

Các loại hình mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng phát triển khá đồng đều và đa dạng. Nhưng công tâm mà nói, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng cao, vẫn còn nhiều tác phẩm hạn chế về chất lượng, chưa thể hiện được tính tiên tiến, bản sắc dân tộc, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ. Hoạt động mỹ thuật có sự phát triển khá đồng đều, sôi động, tuy nhiên tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao...

YÊN LAN (ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/tin-noi-bat/202504/50-nam-van-hoc-nghe-thuat-tham-dam-hon-dat-tinh-nguoi-d7e0b8a/
Zalo