50 năm thống nhất đất nước - Ngày 9/4/1975: Mở màn Chiến dịch Xuân Lộc
Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại.

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở. Ngay từ khi mất Xuân Lộc, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. (Ảnh: TTXVN)
Chiến dịch Xuân Lộc kéo dài từ ngày 9 đến 21/4/1975. Đây là chiến dịch đặc biệt quan trọng, diễn ra rất ác liệt vì địch tăng cường phòng thủ và kêu gọi binh sỹ tử thủ. Tại đây ta đã dùng mưu kế đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở rộng đường tiến thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Chiến dịch Xuân Lộc được coi là một điển hình về nghệ thuật dùng mưu kế đánh địch trong kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại.
Xuân Lộc là một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của Sài Gòn (gồm Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu).
Xuân Lộc án ngữ phía Đông đường vào Sài Gòn, với những trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ số 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 15; là hướng thuận lợi nhất để quân ta tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn. Đây là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, được xây dựng tốt nhất trong toàn bộ tuyến phòng thủ hướng về Sài Gòn- thủ phủ của chính quyền Ngụy.
Tại đây, địch bố trí lực lượng cực mạnh với hệ thống công sự phòng thủ kiên cố, nhiều tầng, gồm: Sư đoàn bộ binh 18, Trung đoàn 8/Sư đoàn bộ binh 5, Lữ đoàn kỵ binh 3 (các thiết đoàn M41, M113, M48), 2 tiểu đoàn Biệt động quân, 2 tiểu đoàn Pháo binh (các pháo đội 105mm và 155mm), cùng lực lượng cảnh sát, địa phương quân.
Lực lượng sẵn sàng tăng viện gồm Lữ đoàn dù số 1, Liên đoàn 81 biệt cách dù, toàn bộ hỏa lực của không quân từ hai sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất.
Đối với ta, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu quan trọng trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ta đã quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 4 (gồm các Sư đoàn 6,7 và 341) phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc.
Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam nhanh chóng đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, chiếm lĩnh những địa bàn quan trọng, tạo thế trận và bàn đạp cho các lực lượng chủ lực cơ động tiến công vào nội đô.
Điện khẩn ngày 2/4/1975 của Quân ủy Trung ương gửi Quân ủy Miền chỉ rõ: “Cần có kế hoạch tức khắc tập trung pháo lớn, phần nào xe tăng và bộ binh, nhân lúc địch hoang mang, diệt bọn bại binh mới chạy về, tiêu diệt một bộ phận Sư đoàn 18, đánh chiếm Xuân Lộc, áp sát Biên Hòa. Khống chế được sân bay Biên Hòa thì không quân (địch) mất tác dụng, địch ở Sài Gòn sẽ hoang mang to.”

Các đơn vị bộ binh và xe tăng tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)
[Nguồn: TTXVN; Thời khắc lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005; Sự kiện và những con số lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015; Từ trận Phai Khắt, Nà Ngần đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2024]