50 năm quan hệ Việt Nam - Mexico: Còn nhiều dư địa phát triển
Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mexico (1975 - 2025), phóng viên TTXVN tại Mexico đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải về hành trình trở thành đối tác hàng đầu của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh, cũng như tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Phương Lan/TTXVN
Đại sứ đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico trong 50 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?
Mexico là một trong những nước Mỹ Latinh đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam không lâu sau sự kiện lịch sử 30/4/1975. Kể từ đó, hai nước đã cùng nhau xây dựng một mối quan hệ mẫu mực, dựa trên nền tảng hữu nghị chân thành, hợp tác bền vững và tôn trọng lẫn nhau. Sau 50 năm, quan hệ hai nước đã phát triển toàn diện, bao trùm các lĩnh vực khác nhau, ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả. Điều này không chỉ phản ánh sự gắn bó giữa hai dân tộc, mà còn khẳng định tiềm năng to lớn để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước không ngừng được củng cố với việc duy trì các cơ chế hợp tác song phương (Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao; hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư) cũng như thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Trên nền tảng đó, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế - thương mại đã có điều kiện thuận lợi để vươn lên mạnh mẽ. Theo thống kê của phía Mexico, kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 15 tỷ USD, tăng 27,5% so với năm 2023. Mexico là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam tại Mỹ Latinh và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực này. Trong khi đó, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của Mexico trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bên cạnh đó, trao đổi văn hóa và giáo dục đang phát triển, ngày càng trở thành một nhịp cầu bền vững kết nối hai dân tộc, góp phần thu hẹp khoảng cách địa lý, làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau và góp phần vun đắp tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển không ngừng trong thời gian tới, chúng ta cần phát huy tốt các thế mạnh hiện có trong quan hệ Việt Nam - Mexico. Trước hết, đó là sự tin cậy chính trị xuất phát từ những điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử, cùng nhau chia sẻ những giá trị chung về tinh thần độc lập, tự cường, yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như khát vọng phát triển vươn lên. Sau 50 năm phát triển quan hệ, đã đến lúc xem xét, nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, trước hết là Đối tác toàn diện và sau đó hướng tới đối tác chiến lược nhằm tạo khuôn khổ và không gian phát triển mới cho quan hệ Việt Nam - Mexico. Điểm thứ hai cần phát huy đó là hai nước đều là những nền kinh tế năng động và có vị thế trên trường quốc tế, và đều là thành viên của CPTPP. Vì vậy, cần tận dụng những ưu đãi của Hiệp định CPTPP cũng như tính chất bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế để quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư Việt Nam - Mexico phát triển mạnh mẽ, cân bằng, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Cuối cùng, không kém phần quan trọng, cần phát huy nhân tố văn hóa và giao lưu nhân dân để tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho quan hệ hai nước. Cả Việt Nam và Mexico đều có nền văn hóa giàu bản sắc và đa dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực này, củng cố hơn nữa nền tảng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc.
Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Năm 2025 không chỉ đánh dấu chặng đường 50 năm đầy tự hào trong quan hệ Việt Nam - Mexico, mà còn mở ra những triển vọng mới để hai nước tiếp tục làm sâu sắc hợp tác song phương, đồng thời phối hợp hiệu quả hơn tại các diễn đàn đa phương, vì sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới.
Về chính trị-ngoại giao, trên nền tảng 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác, hai bên đang tích cực hướng tới việc nâng cấp quan hệ và đang đàm phán nhiều văn bản hiệp định, thỏa thuận để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho quan hệ song phương phát triển ổn định và lâu dài. Trên bình diện đa phương, hai nước vốn có truyền thống tốt đẹp là phối hợp và ủng hỗ lẫn nhau mạnh mẽ tại các diễn đàn đa phương. Truyền thống này chắc chắn sẽ được phát huy hơn nữa trong điều kiện hiện nay khi hai nước đều có vị thế vững chắc trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ song phương. Trong lĩnh vực này, dư địa hợp tác còn rất lớn do hai bên chưa khai thác hết tiềm năng, sức mạnh của nhau và chưa tương xứng với sức mạnh, tiềm lực kinh tế của hai nước. Với vai trò là cầu nối giữa ASEAN và Mỹ Latinh, hai nước còn nhiều tiềm năng để tăng cường kết nối liên khu vực. Mexico không chỉ là một thị trường tiêu thụ lớn mà còn là một cửa ngõ để Việt Nam mở rộng quan hệ sang khu vực châu Mỹ nói chung và khu vực Mỹ La tinh nói riêng. Trong khi đó, với vị trí chiến lược của mình, Việt Nam cũng sẵn sàng giúp Mexico mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại với các nước ASEAN nói riêng và các nước châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Trao đổi văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân cũng còn rất nhiều cơ hội để hai bên khai thác. Những thành công từ các sự kiện văn hóa, chương trình trao đổi nghệ thuật và học bổng song phương trong những năm gần đây đã chứng minh cho điều này. Hai bên có thể và cần tính tới việc mở rộng chương trình trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu chung về công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển lâu dài của cả hai nước.
Thưa đại sứ, trong năm nay, hai bên đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hai nước?
50 năm kỷ niệm quan hệ song phương là sự kiện lớn, được hai bên rất chú trọng và phối hợp chặt chẽ trong tiến hành các hoạt động kỷ niệm, vừa thể hiện tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước bạn bè truyền thống và thể hiện rõ cam kết phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Mexico trong thời gian tới. Các hoạt động kỷ niệm khi lên dự kiến chương trình và tổ chức tại mỗi nước, đều có sự hỗ trợ, đồng hành và ủng hộ của các cơ quan có liên quan ở cả trung ương và địa phương đóng góp tích cực cho thành công của mỗi hoạt động. Hai bên cũng dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động trong cả năm nay để đánh dấu sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.
Vừa qua, tại Việt Nam, Hội thảo quốc tế “50 năm quan hệ Việt Nam-Mexico: Tình hình hiện tại và triển vọng” cũng đã được tổ chức vào ngày 23/4 tại Hà Nội, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Mexico phối hợp thực hiện. Sự kiện quy tụ đông đảo các nhà ngoại giao của cả khu vực Mỹ Latinh và các học giả, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam… Cũng trong tháng 4, chương trình radio “Mexico kể câu chuyện tâm hồn qua âm nhạc”, do Đài Tiếng nói Việt Nam và Viện Phát thanh Mexico phối hợp sản xuất, sẽ được phát sóng, giới thiệu văn hóa Mexico tới khán giả Việt Nam. Dự kiến, triển lãm “Hành trình qua Mexico cổ đại” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5, do Đại sứ quán Mexico và các cơ quan văn hóa Việt Nam tổ chức, nhằm trưng bày di sản văn hóa và các nền văn minh của Mexico.
Tại Mexico, “Ngày Văn hóa Việt Nam” đã được tổ chức từ ngày 29-30/3 tại Mexico City do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan của Mexico tổ chức. Đại sứ quán Việt Nam cũng đã phối hợp với Viện Phát thanh Mexico để thực hiện các buổi giao lưu truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm Đại sứ quán Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức một số sự kiện để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần quảng bá cho xúc tiến đầu tư, du lịch và giao lưu nhân dân.
Hy vọng rằng những hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ sẽ đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác toàn diện, lâu dài, bền vững và ngày càng đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Để quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mexico tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ, phát huy các thế mạnh hiện có và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên.
Để đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi nước, cần triển khai đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các mặt. Về chính trị-ngoại giao, đó là việc nâng cấp quan hệ song phương và hoàn tất các khuôn khổ pháp lý để tạo không gian mới cho việc phát triển quan hệ và tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho mối quan hệ lâu dài và bền vững.
Về kinh tế-thương mại, hai bên cần tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định CPTPP; tăng cường quảng bá, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về các cơ hội kinh doanh cũng như giúp họ tìm kiếm đối tác khi làm ăn tại thị trường của mỗi bên. Ngoài ra, hai bên cần tiếp tục phát huy tốt cơ chế đối thoại và hợp tác kinh tế - đó là hoạt động của Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư để rà soát những vấn đề còn tồn tại và có biện pháp giải quyết để tạo thuận lợi và tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực mới mà hai bên còn rất nhiều tiềm năng như hợp tác về các ngành công nghiệp cơ bản, nông nghiệp và công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Bên cạnh đó, cần rất chú ý đến việc tối ưu hóa hệ thống logistics và kết nối vận tải nhằm giảm chi phí, tăng cường hiệu quả giao thương.
Về trao đổi văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, ngoài việc tổ chức và tham gia các sự kiện văn hóa hay mở rộng các chương trình trao đổi sinh viên, học giả, hợp tác giữa các trường đại học…, cần sớm tính tới việc mở đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và giao lưu nhân dân.
Xin trân trọng cám ơn Đại sứ!