5 yếu tố định hình thị trường cổ phiếu châu Á năm 2025

Dự báo thuế quan tại Mỹ tăng cao dưới chính quyền của Tổng thống đắc Donald Trump sắp tới và rủi ro lãi suất tại Mỹ duy trì ở mức cao lâu hơn có thể tác động lớn tới thị trường cổ phiếu châu Á...

Kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Trung Quốc có thể tác động lớn tới thị trường cổ phiếu châu Á - Ảnh: Bloomberg

Kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng nội địa của Trung Quốc có thể tác động lớn tới thị trường cổ phiếu châu Á - Ảnh: Bloomberg

Thị trường cổ phiếu châu Á năm nay sẽ chịu ảnh hưởng bởi các kế hoạch kích thích tiêu dùng nội địa của Trung Quốc, cũng như các diễn biến chính trị ở Hàn Quốc và động thái từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Dưới đây là 5 yếu tố chính sẽ tác động tới thị trường cổ phiếu châu Á năm 2025, theo tổng hợp từ hãng tin Bloomberg.

KẾ HOẠCH KÍCH THÍCH KINH TẾ CỦA TRUNG QUỐC

Sau đợt phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc nhờ các chương trình kích thích tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Trung Quốc, nhà đầu tư đang đổ dồn quan tâm vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới. Tại đây, Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và quyết định kế hoạch chi tiết để thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tất cả những yếu tố này có thể tạo cú huých mới cho thị trường cổ phiếu nước này và châu Á.

“Các biện pháp có thể được đưa ra gồm có trợ cấp và phiếu mua hàng cho người tiêu dùng, tăng quyền lợi thất nghiệp và giảm áp lực cho thị trường bất động sản”, ông Mark Matthews, giám đốc nghiên cứu về châu Á tại ngân hàng Bank Julius Baer (Singapore), nhận định.

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc bắt đầu năm 2025 tương đối ảm đạm sau khi có năm tăng điểm đầu tiên sau 4 năm vào 2024. Dù dự báo Chính phủ sẽ có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhà đầu tư vẫn lo ngại về sức mạnh phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp kích thích sắp tới của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy dòng tiền vào các thị trường mới nổi châu Á có liên quan tới Trung Quốc.

THUẾ QUAN CỦA MỸ

Những bất định xoay quanh chính sách thuế quan của ông Trump vẫn là một trong những rủi ro lớn nhất với thị trường cổ phiếu châu Á. Ông Trump dự kiến áp thuế quan với hàng hóa từ cả các nước đồng minh lẫn đối thủ. Điều này có thể ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận của các doanh nghiệp và gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và sản xuất chip châu Á được dự báo sẽ chịu áp lực lớn.

“Việc tăng thêm thuế quan với xe điện Trung Quốc – mặt hàng vốn đã bị tăng thuế quan lên 100% dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden – nhiều khả năng sẽ chỉ tác động hạn chế bởi Mỹ chưa chiếm tới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô xuất khẩu sang Mexico và Canada có thể nhận được ít đơn hàng hơn nếu Trump quyết định áp thêm thuế đối với hàng hóa từ hai quốc gia này”, ông Xiao Feng, đồng giám đốc nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại CLSA Hong Kong, nhận định.

Vào đầu tháng 12, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, và tăng thuế quan 10% với hàng Trung Quốc.

Mặt khác, các thị trường như Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp đa dạng hóa hoạt động sản xuất khởi Trung Quốc để tránh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao các động thái chính sách của chính quyền Trump để có điều chỉnh danh mục theo hướng tập trung vào những bên sẽ hưởng lợi.

ĐƯỜNG ĐI LÃI SUẤT CỦA FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã phát tín hiệu thận trọng về việc hạ lãi suất thời gian tới. Điều này tạo dư địa để đồng USD tiếp tục tăng ít nhất trong những tháng đầu năm 2025 và gây áp lực với các đồng tiền cũng như thị trường cổ phiếu châu Á.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền bỉ và các chính sách có thể tạo ra nhiều thay đổi lớn của ông Trump cũng được dự báo sẽ làm tăng lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới. Trong bối cảnh đó, Fed sẽ không có nhiều dư địa để giảm mạnh lãi suất.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các chính sách ngoại giao với châu Á cũng như các chính sách trong nước khác của chính quyền Mỹ sắp tới mà có thể ảnh hưởng tới USD và triển vọng của Fed”, ông Jack Siu, một giám đốc quản lý danh mục châu Á tại Lombard Odier, nhận xét.

Dù vậy, các chiến lược gia Phố Wall dự báo đồng USD sẽ đạt đỉnh năm nay, trong bối cảnh lãi suất thực tại Mỹ giảm và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư tăng lên. Nếu điều này xảy ra, dòng vốn chảy vào cổ phiếu châu Á có thể tăng lên trong nửa sau năm 2025.

ĐỘNG THÁI CỦA BOJ

Các nhà kinh tế tại nhiều tổ chức tài chính lớn đã lùi dự báo cho đợt tăng lãi suất tiếp theo của BOJ từ tháng 1 sang tháng 3 sau phát biểu thận trọng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Thống đốc Kazuo Ueda vào tháng trước. Thị trường sau đó cũng hạ dự báo về khả năng tăng giá của đồng yên. Năm 2024, đồng nội tệ Nhật giảm giá 10% so với USD.

Đồng yên giảm giá có thể thúc đẩy hoạt động của các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, như nhà sản xuất sản phẩm công nghệ và ô tô. Diễn biến thị trường cổ phiếu Nhật Bản sẽ tác động lớn tới chỉ số MSCI Asia gauge bởi Nhật chiếm cấu phần lớn nhất trong chỉ số này với gần 32%.

Việc BOJ trì hoãn tăng lãi suất cũng có thể làm chậm quá trình rút vốn khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) yên Nhật. Bất kỳ sự thay đổi chính sách nào từ BOJ sẽ tác động tới nhiều quốc gia khác ngoài Nhật Bản, đặc biệt là tại châu Á, bởi doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân nước này là lực lượng mua tài sản nước ngoài lớn, còn yên Nhật là đồng tiền cấp vốn quan trọng trên toàn cầu.

BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ TẠI HÀN QUỐC

Triển vọng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á vẫn tương đối ảm đạm khi nước này đang đối mặt biến động kinh tế và chính trị lớn. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 xuống còn 1,8%, từ mức dự báo 2,1% của năm 2024. Điều này phản ánh tác động của rủi ro chính trị sau lệnh thiết quân luật gây tranh cãi của Tổng thống Yoon Suk Yeol – người gần đây đã bị luận tội.

Những yếu tố này làm gia tăng rủi ro với thị trường cổ phiếu Hàn Quốc trong bối cảnh đây là thị trường thuộc nhóm tăng trưởng kém nhất năm ngoái. Trong khi đó, đồng won đang dao động gần mức thấp nhất 15 năm so với USD.

Theo các nhà phân tích, rủi ro kinh tế và chính trị cũng cản trở nỗ lực vực dậy thị trường cổ phiếu đang định giá ở mức quá thấp của Hàn Quốc.

Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao quyết định của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc về việc liệu ông Yoon có bị phế truất hay không. Nếu tòa án quyết định rằng động thái luận tội ông Yoon là hợp pháp và có hiệu lực, ông này sẽ bị cách chức. Theo đó, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/5-yeu-to-dinh-hinh-thi-truong-co-phieu-chau-a-nam-2025.htm
Zalo