'5 tự, 5 cùng' phát triển kinh tế
'Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm' và 'Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi' là nguyên tắc hoạt động của mô hình nuôi lợn nái sinh sản, hoạt động theo nguyên tắc '5 tự, 5 cùng' của Chi hội nghề nghiệp, Hội Nông dân xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên.

Các hội viên trao đổi kinh nghiệm mô hình nuôi lợn sinh sản.
Thành lập từ tháng 12/2022, mô hình đã giúp hội viên nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, từ chăn nuôi lợn truyền thống sang nuôi lợn nái sinh sản; giúp thành viên có sự liên kết, hợp tác, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để chăn nuôi hiệu quả. Chị Tòng Thị Xiên, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp xã Chiềng Đen, thông tin: Khi mới thành lập chi hội có 25 hội viên, thực hiện mô hình nuôi lợn nái sinh sản. Bắt tay vào thực hiện mô hình, được Hội Nông dân tỉnh, Thành phố và xã hỗ trợ 134 con lợn nái sinh sản, bàn giao cho 25 hội viên nuôi, mỗi hộ từ 5 - 6 con. Đảm bảo đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, quá trình chăn nuôi, các cấp Hội Nông dân thường xuyên tập huấn cho hội viên về kỹ thuật chăm sóc lợn nái, đàn lợn con, lợn thịt, khâu phòng bệnh...
Là hội viên tham gia mô hình “5 tự, 5 cùng”, hội viên Quàng Văn Lâm, bản Tam Quỳnh, xã Chiềng Đen, đã xây dựng chuồng trại nuôi lợn kiên cố, sạch sẽ, có hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Vừa tham quan mô hình, ông Lâm nói: Gia đình tôi được hỗ trợ 5 con lợn nái, ban đầu gặp nhiều khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi lợn nái. Nhưng được tham gia tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nuôi lợn nái với các thành viên trong mô hình, đến giờ, đàn lợn của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi con lợn nái sinh sản được 3 - 5 đàn/năm, mỗi đàn từ 9 đến 12 con, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình thu trên 100 triệu đồng/năm.
Còn mô hình nuôi lợn của hội viên Lèo Văn Thành, bản Trung tâm, xã Chiềng Đen. Trước đây, gia đình ông Thành thường nuôi lợn thịt để bán, nhưng hiệu quả không cao, thu nhập bấp bênh vì lợn hơi có năm giảm giá. Từ khi tham gia mô hình nuôi lợn nái sinh sản, gia đình đã có thu nhập ổn định. Ông Thành phấn khởi: So với nuôi lợn thịt trước đây, thì nuôi lợn sinh sản hiệu quả kinh tế cao hơn. Trung bình một năm gia đình tôi xuất bán 20 đàn lợn, mỗi đàn từ 10 - 15 con, trừ chi phí thu nhập trung bình 120 triệu đồng/năm. Ngoài duy trì đàn lợn của gia đình, tôi còn hỗ trợ lợn nái cho các hộ hội viên mới kết nạp để nhân rộng mô hình.
Sau hơn 2 năm triển khai mô hình, chi hội đã kết nạp thêm 25 hội viên mới, trong đó, có các hội viên là hộ nghèo, cận nghèo, người tái hòa nhập cộng đồng, nâng tổng số hội viên lên 50 người. Hiện nay, các hội viên tiếp tục ủng hộ, nhân rộng mô hình lợn giống sinh sản, mỗi hội viên mới kết nạp sẽ được hỗ trợ 2-3 con lợn giống sinh sản, số lượng lợn nái sinh sản tăng đều hàng năm lên 285 con, đã xuất bán ra thị trường trên 3.000 con lợn giống.
Mô hình nuôi lợn sinh sản của Chi hội nghề nghiệp xã Chiềng Đen là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên, ngày càng có nhiều hội viên nông dân đăng ký tham gia, tạo sự gắn kết nông dân trên địa bàn. Thời gian tới, chi hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi lợn nái sinh sản, trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế tập thể, thu hút đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.