5 thông điệp nuôi con bằng sữa mẹ
Trọng tâm của chiến dịch năm 2024 nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (World Breastfeeding Week) được Liên minh Thế giới hành động vì nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) từ năm 1991, diễn ra từ ngày 1/8 đến 7/8 hàng năm. Đây là một hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.
Sau 33 năm triển khai, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ đã trở thành một sự kiện quan trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, với các hoạt động hưởng ứng đa dạng trên toàn thế giới.
Năm 2024, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ có chủ đề "Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương" (Closing the Gap – Breastfeeding Support for All).
Trọng tâm của chiến dịch năm 2024 nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đặc biệt, tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp.
Không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhấn mạnh vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ, đóng góp vào giá trị kinh tế toàn cầu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính bên cạnh những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Bộ Y tế và Tổ chức Alive & Thrive giới thiệu một số thông điệp truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ:
Thông điệp 1: Ủng hộ và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ là bạn đang góp phần đẩy lùi bất bình đẳng!
Bất bình đẳng tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau, bất bình đẳng trong dinh dưỡng là một trong số đó. Khi không được bú mẹ, trẻ em phải đối diện với nguy cơ suy dinh dưỡng và nhiều biến chứng sơ sinh nguy hiểm.
Khi phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ không được tiếp cận dinh dưỡng và dịch vụ y tế đầy đủ, hệ lụy không chỉ dừng ở họ mà có thể kéo dài tới các thế hệ sau đó.
Hãy hỗ trợ bất kỳ người phụ nữ nào đang nuôi con nhỏ bên cạnh bạn, động viên và giúp đỡ họ nuôi con bằng sữa mẹ. Như vậy, bạn đang mang lại sự bình đẳng về dinh dưỡng cho mọi trẻ em quanh mình.
Thông điệp 2: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Có phải việc cho trẻ uống sữa công thức sẽ tăng chiều cao và phát triển trí não của trẻ? Có phải Sữa công thức sẽ cung cấp HMO và DHA?
Điều này không đúng. Những phát ngôn và quảng cáo này phổ biến trên các phương tiện truyền thông, nhưng đều thiếu căn cứ khoa học.
Sữa mẹ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và dễ tiêu hóa cho sự phát triển của trẻ như: chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa và các nhiễm khuẩn khác ở trẻ nhỏ. Trẻ được bú mẹ thường phát triển trí não tốt hơn, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị bóng bẩy, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ.
Tình trạng tiếp thị tràn lan của ngành công nghiệp sữa công thức cho trẻ sơ sinh đang có tác động tiêu cực tới quyết định nuôi dưỡng trẻ của ba mẹ. Nghị định 100 của chính phủ, trong đó nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mãi đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (như sữa công thức, bình bú, vú ngậm nhân tạo).
Ở Việt Nam, tại các bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, bà mẹ được hỗ trợ để nuôi con bằng sữa mẹ và không bao giờ tiếp xúc với các hình thức tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Nếu cha mẹ nhìn thấy cơ sở y tế hay doanh nghiệp đang tiếp thị sữa công thức thay thế sữa mẹ qua nhiều hình thức tinh vi như voucher, mẫu quà tặng miễn phí... thì các hành động đó là trái với quy định của Chính phủ.
Cha mẹ luôn lựa chọn cho con mình khởi đầu tốt nhất có thể. Hãy cùng nỗ lực để có thể cho con được khởi đầu hành trình yêu thương từ những giọt sữa mẹ ngọt ngào.
Thông điệp 3: Mẹ hãy thực hiện da kề da với con thật lâu ngay khi con chào đời để trẻ có cơ hội bú sớm.
Trước đây, các ca sinh mổ thường gây khó khăn cho y bác sĩ, khiến họ gặp nhiều thách thức trong việc tuân thủ các quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Nhiều trẻ vừa chào đời phải tách mẹ ngay và ăn bằng sữa công thức cho đến khi mẹ có thể rời phòng hậu phẫu.
Thật may mắn là giờ đây, khi sinh con tại các Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, người mẹ sẽ nhận được mọi hỗ trợ cần thiết để có thể da kề da với con thật lâu ngay khi con chào đời để trẻ có cơ hội bú sớm. Người mẹ cũng sẽ được tư vấn các kiến thức, kỹ năng thiết yếu để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Thông điệp 4: Người chồng, gia đình và cộng đồng hãy ủng hộ, hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Bạn có biết nuôi con bằng sữa mẹ, tưởng chừng là một công việc rất cá nhân của người mẹ nhưng lại cần sự ủng hộ, hỗ trợ của cả gia đình và cộng đồng. Nuôi con bằng sữa mẹ là một phần thiết yếu của quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Không giống những công việc chăm sóc khác mà người mẹ có thể chia sẻ cùng bố, chỉ có mẹ mới có thể cho em bé bú.
Vì thế, bố hãy san sẻ bớt gánh nặng cho mẹ bằng cách hỗ trợ mẹ làm việc nhà và các việc chăm sóc khác nhé. Nhờ vậy, bố cũng đang giúp cho con được hưởng những dinh dưỡng quý giá nhất từ sữa mẹ đấy!
Thông điệp 5: Hãy cùng chung tay để cứu sống trẻ sinh non, bệnh lý bằng cách hiến tặng sữa mẹ cho hệ thống Ngân Hàng Sữa Mẹ
Không phải em bé nào cũng có cơ hội được ăn sữa mẹ ruột? Hằng năm, có khoảng 90,000 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý đang phải điều trị cách ly, có mẹ không may qua đời hoặc bị bệnh, trẻ rất cần nguồn sữa mẹ hiến tặng để có thể vượt qua các biến chứng sơ sinh nguy hiểm và mau phục hồi. Theo tổ chức Y tế thế giới, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn dinh dưỡng thứ hai sau sữa mẹ ruột.
Bộ Y tế và Alive & Thrive đã xây dựng hệ thống Ngân Hàng Sữa Mẹ với quy trình thu nhận, sàng lọc và thanh trùng sữa mẹ hiến tặng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho trẻ khi sử dụng.