5 thói quen uống cà phê có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe
Dù được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, cà phê vẫn có thể trở thành tác nhân gây hại nếu duy trì những thói quen sử dụng không đúng cách.
Podcast:
Podcast: 5 thói quen uống cà phê có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe
Theo Times of India, cà phê là thức uống quen thuộc, thường được lựa chọn để khởi đầu ngày mới nhờ khả năng kích thích sự tỉnh táo và tăng cường năng lượng. Không chỉ dừng lại ở hương vị hấp dẫn, cà phê còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất tự nhiên, được chứng minh là có lợi cho sức khỏe – từ việc cải thiện chức năng não bộ, hỗ trợ quá trình trao đổi chất đến giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường tuýp 2 hay Parkinson.
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, những lợi ích này hoàn toàn có thể bị triệt tiêu bởi những thói quen tưởng chừng vô hại. Theo các chuyên gia, những sai lầm phổ biến như uống cà phê quá muộn, lạm dụng đường hoặc thay thế bữa ăn bằng cà phê có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là 5 thói quen uống cà phê có thể âm thầm gây hại cho sức khỏe, cùng với các giải pháp đơn giản giúp bạn tối ưu hóa lợi ích từ loại thức uống này.
Uống cà phê quá muộn trong ngày
Caffeine, chất kích thích chính trong cà phê, có thể tồn tại trong cơ thể đến 6 giờ sau khi tiêu thụ, gây rối loạn nhịp sinh học và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc kéo theo suy giảm trí nhớ, miễn dịch và hiệu suất làm việc.
Lời khuyên: Hạn chế uống cà phê sau 3 giờ chiều để đảm bảo một giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Pha cà phê không lọc làm tăng cholesterol 'xấu'
Các cách pha như French press, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ hay espresso tuy đậm đà nhưng là cà phê không lọc, chứa nhiều diterpenes (như kahweol và cafestol), những hợp chất có thể làm tăng LDL (cholesterol 'xấu'), từ đó làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Dù được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, cà phê vẫn có thể trở thành tác nhân gây hại nếu duy trì những thói quen sử dụng không đúng cách.
Lời khuyên: Ưu tiên các phương pháp pha có lọc như pour-over hoặc máy pha cà phê nhỏ giọt để loại bỏ bớt các hợp chất gây hại.
Cho quá nhiều đường làm mất lợi ích sức khỏe
Việc cho quá nhiều đường, siro hay kem pha sẵn vào cà phê sẽ biến nó thành nguồn cung cấp calo rỗng và đường bổ sung, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2, tăng huyết áp và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, yếu tố quan trọng với hệ miễn dịch và tiêu hóa.
Lời khuyên: Uống cà phê đen hoặc chỉ cho ngọt nhẹ bằng các chất thay thế tự nhiên để giữ lợi ích mà không nạp thêm đường.
Uống cà phê ngay sau khi thức dậy làm giảm hiệu quả
Nhiều người có thói quen uống cà phê ngay khi vừa tỉnh giấc, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sản sinh cortisol, loại hormone giúp điều hòa năng lượng. Cà phê uống quá sớm cũng có thể cản trở hoạt động của adenosine, chất dẫn truyền thần kinh điều phối chu kỳ ngủ – thức.
Lời khuyên: Đợi khoảng 1–2 giờ sau khi thức dậy rồi mới uống cà phê sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn và tránh phụ thuộc vào caffeine.
Dùng cà phê thay thế bữa ăn sáng
Dù cà phê có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ giảm cân ở một số người, nhưng nó không thể thay thế cho bữa ăn chính. Cà phê không chứa đủ các dưỡng chất thiết yếu như protein, chất xơ, chất béo tốt và vitamin, những yếu tố cần thiết để duy trì năng lượng, ổn định đường huyết và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Việc bỏ bữa và chỉ uống cà phê dễ dẫn đến mệt mỏi, cáu gắt và thiếu hụt dinh dưỡng.
Lời khuyên: Uống cà phê kèm với một bữa ăn cân bằng, đặc biệt là vào buổi sáng, để hỗ trợ sức khỏe trao đổi chất và duy trì năng lượng ổn định.