Tại sao chuyên gia khuyên tắt điều hòa khi trời giông?

Bật điều hòa khi trời giông bão tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, điện giật do sét đánh lan truyền. Tắt thiết bị kịp thời giúp bảo vệ người và tài sản an toàn.

Theo ông Danny Pen – Chủ tịch công ty điện nước New Era Plumbing & HVAC (Mỹ), khi quan sát thấy chớp và nghe sấm gần, người dùng nên tắt điều hòa từ bộ điều khiển và ngắt luôn cầu dao tại bảng điện.

Ngay cả khi có hệ thống chống sét lan truyền, điều hòa vẫn có thể bị ảnh hưởng nếu sét đánh trúng đường dây truyền tải. Dòng điện đột ngột sẽ làm cháy bo mạch, hỏng máy nén – bộ phận đắt nhất trong hệ thống điều hòa. “Một cú sét có thể khiến bạn phải thay cả máy nén, thậm chí toàn bộ dàn nóng. Trong tình huống nghiêm trọng, các thiết bị điện khác trong nhà cũng có thể bị hỏng nếu đang cắm điện,” ông Pen cho biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguy cơ từ gió lớn và vật thể bay

Không chỉ sét, giông bão thường mang theo gió mạnh và mưa lớn. Các vật thể như cành cây, gạch đá có thể bị gió cuốn vào dàn nóng ngoài trời, làm cong cánh quạt, hỏng ống đồng hoặc chặn luồng gió lưu thông. Nếu điều hòa vẫn hoạt động trong lúc xảy ra va đập, mức độ hư hại sẽ nặng hơn nhiều.

Chuyên gia Anthony Weinburg – giảng viên ngành HVAC-R tại trường Cao đẳng Fortis (Mỹ), cảnh báo: sự kết hợp giữa điện áp tăng và nhiệt độ cao có thể khiến tụ điện, bảng mạch hoặc quạt ngoài trời bị chảy, gây thiệt hại cho cả hệ thống sưởi và làm mát trong nhà.

Một số người chọn chuyển điều hòa sang chế độ quạt gió để tiết kiệm điện mà không tắt hẳn thiết bị. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định cách này không làm giảm rủi ro, bởi dòng điện tăng đột ngột vẫn có thể gây chập cháy bất kỳ lúc nào. Giải pháp an toàn nhất vẫn là ngắt hoàn toàn nguồn điện điều hòa khi bão đến gần.

Nên làm gì trước và sau khi bão đổ bộ?

Trước bão: Có thể giảm nhiệt độ điều hòa vài độ để làm mát sẵn cho ngôi nhà trước khi tắt máy. Che chắn dàn nóng bằng bạt hoặc ván ép để giảm nguy cơ vật thể bay va đập.

Sau bão: Kiểm tra tình trạng thiết bị và dọn dẹp khu vực xung quanh dàn nóng. Nếu dàn nóng bị ngập nước, tuyệt đối không bật lại điều hòa ngay mà nên gọi kỹ thuật viên kiểm tra để tránh chập điện hoặc cháy nổ.

Những thời điểm khác cũng nên tắt điều hòa

Không chỉ trong bão, điều hòa cũng nên được tắt trong những trường hợp sau:

Nhiệt độ ngoài trời dưới 16°C: Dễ gây đóng băng dàn lạnh, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.

Vắng nhà dài ngày: Giúp tiết kiệm điện và giảm hao mòn thiết bị.

Ô nhiễm không khí nặng hoặc cháy rừng: Điều hòa có thể hút không khí ô nhiễm vào trong nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mới có điện trở lại sau khi mất: Điện áp chưa ổn định có thể khiến thiết bị bị sốc điện, dễ hư hỏng nếu bật quá sớm.

Tắt điều hòa khi có giông bão không chỉ là khuyến cáo kỹ thuật, mà còn là cách bảo vệ thiết bị, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho cả ngôi nhà.

Xuân Vũ (T/H)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/tai-sao-chuyen-gia-khuyen-tat-dieu-hoa-khi-troi-giong-20266.html
Zalo