5 thảm họa máy bay va phải chim chấn động

Không ít vụ va chạm giữa máy bay và chim xảy ra trên khắp thế giới gây thiệt hại nặng nề, khiến cả ngành hàng không chấn động.

Ngày 29/12, một máy bay của hãng hàng không Jeju Air, Hàn Quốc chở 181 người đã lao khỏi đường băng và bốc cháy dữ dội ở sân bay Muan khiến 179 người thiệt mạng, theo CNN. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do máy bay va phải chim.

Trong lịch sử ngành hàng không thế giới, không ít lần máy bay va vào chim, gây ra thiệt hại nặng nề.

Một con chim va vào kính chắn gió của trực thăng. Ảnh: Langleyadvancetimes

Một con chim va vào kính chắn gió của trực thăng. Ảnh: Langleyadvancetimes

Tại sao máy bay bị hư hại khi va phải chim trên trời? Hầu hết mọi người không nghĩ rằng một con chim nhỏ có thể gây thiệt hại lớn cho một chiếc máy bay nặng hơn 40.000kg. Tuy nhiên, chim thực sự gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho mọi loại máy bay.

Sự cố máy bay va vào chim thường xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, tương đương với tầm bay của chim. Điều này có nghĩa là ngay trước khi hạ cánh hoặc sau khi cất cánh.

Khi va chạm với máy bay, chim có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn nếu nó bị hút vào động cơ, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động. Sự khác biệt về tốc độ của máy bay và chim càng lớn thì lực tác động lên máy bay càng lớn.

Hassan Shahidi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức An toàn Chuyến bay, cho biết: "Máy bay va phải chim trên trời là mối nguy hiểm đối với ngành hàng không. Điều này xảy ra rất thường xuyên, không chỉ với máy bay thương mại mà còn với tất cả loại máy bay".

Cục Hàng không Liên bang (FAA) ước tính ngành hàng không Mỹ chịu thiệt hại 400 triệu USD mỗi năm do va chạm với chim và hàng trăm người đã thiệt mạng vì sự va chạm này.

Dưới đây là một số vụ máy bay va phải chim từng gây chấn động ngành hàng không thế giới:

Louisiana, Mỹ - năm 2009

Một chiếc trực thăng Sikorsky S-76 do hãng Petroleum Helicopters International (Mỹ) điều hành, đã gặp tai nạn sau khi cất cánh vài phút vì va phải một con diều hâu. Cú va chạm làm vỡ kính chắn gió, kích hoạt hệ thống dập lửa động cơ, làm chậm van tiết lưu và khiến động cơ dừng hoạt động. Máy bay rơi xuống một đầm lầy, khiến 8 trong số 9 người trên máy bay thiệt mạng.

Paris, Pháp - năm 1995

Trong khi cất cánh, một chiếc Dassault Falcon 20 đã vô tình hút trúng rất nhiều chim te te vào động cơ, làm đứt các đường nhiên liệu và khiến một động cơ bị hỏng.

Đám cháy bùng lên phía sau cabin, phi công mất kiểm soát khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Toàn bộ 10 người đều thiệt mạng.

Alaska, Mỹ - năm 1995

Khi cất cánh, một chiếc Boeing E-3 Sentry của Không quân Hoa Kỳ đã hút khoảng 2 con ngỗng Canada vào cả hai động cơ trên cùng một cánh.

Động cơ bắt đầu xả nhiên liệu và mất công suất, khiến máy bay giảm độ cao. Máy bay rơi vào khu rừng và phát nổ. Toàn bộ 24 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Bahir Dar, Ethiopia - năm 1988

Một đàn bồ câu bị hút vào động cơ của chiếc Boeing 737 khi nó mới cất cánh. Một động cơ mất lực ngay lập tức, các động cơ còn lại cũng hỏng khi máy bay cố gắng thực hiện hạ cánh khẩn cấp. Chiếc 737 hạ cánh và bốc cháy dữ dội, khiến 35 trong số 98 người thiệt mạng.

Boston, Mỹ - năm 1960

Một chiếc Lockheed L-188 Electra bay qua một đàn chim khoảng 120 con ngay sau khi cất cánh. Cả 4 động cơ đều bị hỏng, ngừng hoạt động. Máy bay rơi xuống cảng Boston. Thời gian từ lúc cất cánh đến khi chạm nước chỉ mất chưa đầy một phút. 62 trong số 72 người thiệt mạng.

Hoàng Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-tham-hoa-may-bay-va-phai-chim-chan-dong-2357827.html
Zalo