5 sai lầm khi thực hiện bao sái ban thờ, tỉa chân nhang cuối năm cần tránh để tổ tiên phù hộ

Bao sái ban thờ là việc vệ sinh và dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Theo phong thủy, dưới đây là ngày giờ đẹp thực hiện bao sái ban thờ, tỉa chân nhang cuối năm cùng 5 sai lần cần tránh để không 'tán tài tán lộc' cho bạn tham khảo.

Ngày giờ đẹp thực hiện bao sái ban thờ

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho rằng, việc bao sái ban thờ, tỉa chân nhang là cần thiết được thực hiện thường xuyên và đặc biệt không thể xem nhẹ vào mỗi dịp cuối năm. Trong tháng cuối năm có nhiều nghi thức nghi lễ nên ban thờ càng cần phải đảm bảo sạch sẽ, trang nghiêm để công việc thờ cúng được tiến hành một cách chỉn chu nhất.

Theo quan niệm, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo về trời, cũng là thời điểm lý tưởng để bắt đầu thực hiện bao sái ban thờ. Sau lễ cúng tiễn ông Táo, gia chủ thường dọn dẹp bàn thờ để chuẩn bị đón năm mới. Các khung giờ tốt trong ngày bao gồm: Giờ Thìn (7h-9h); Giờ Ngọ (11h-13h); Giờ Thân (15h-17h).

Nếu sau ngày 23 tháng Chạp bạn có thể lựa chọn các ngày 24/01, 28/01 dương lịch để thực hiện bao sái, tỉa chân nhang. Việc lau dọn bàn thờ nên thực hiện xong xuôi trước 30 tháng Chạp bởi ngày đó ông Công ông Táo quay lại trần gian.

5 lưu ý khi tiến hành bao sái, tỉa chân nhang cần phải tránh

Tỉa chân nhang sai cách

Khi tỉa chân nhang, mọi người cần lưu ý không rút hết mà rút từ từ, để lại theo số lẻ 1-3-5-7-9 nén. Cũng cần lưu ý, không được rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài. Mọi người cần dùng thìa sạch, xúc tro ra rồi dùng rây bột để lọc tro mịn. Sau khi làm sạch bát hương bằng nước bao sái, đợi bát nhang thật khô mới cho lại tro cũ vào.

Với những chân hương được bao sái, sau khi làm xong cần hóa. Với các đồ thờ cúng hay bát hương cần thay mới, ta thỉnh lễ hạ giải rồi bỏ ra sông, không vứt tùy tiện làm ô nhiễm môi trường.

Dùng sai loại nước để thực hiện bao sái ban thờ

Có quan niệm cho rằng, khi lau dọn bàn thờ có thể dùng nước lạnh miễn sạch là được hoặc dùng rượu gừng tốt vì gừng có tính ấm. Tuy nhiên, không gian thờ tự là không gian thiên về Âm. Hơn nữa, với những loại ban thờ gỗ, dùng nước rượu gừng lau cũng dễ làm hỏng đồ. Tốt nhất, mọi người có thể tham khảo mua sẵn nước ngũ vị thảo dược hoặc tự chế nước bằng quế, hồi, lá bưởi… để bao sái ban thờ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dùng đồ không sạch để tiến hành bao sái ban thờ

Khi tiến hành lau dọn ban thờ, yêu cầu tiên quyết là sự cẩn trọng. Một trong những điều này là vật dụng dùng để tiến hành bao sái như chổi quét, khăn lau… phải là đồ sạch. Tốt nhất, gia chủ nên dùng các vật dụng riêng. Việc dùng chổi, khăn lau dọn chung vốn mang nhiều uế khí, không đảm bảo sự tôn nghiêm.

Đặt đồ thờ sai vị trí

Trước và trong quá trình tiến hành việc lau dọn ban thờ, điều quan trọng là mọi người phải nhớ thật kỹ các vị trí đã đặt bài vị, lư nhang, đồ thờ cúng… để sau khi tiến hành xong cho về đúng vị trí.

Điều tối kỵ làsắp xếp sai quy cách, vị trí bài vị, bát hương hay các đồ thờ cúng trên ban thờ vì theo quan niệm sẽ ảnh hưởng xấu tới vận thế của gia chủ.

Các gia đình cũng cần lưu ý tới trình tự bao sái. Trước tiên, bao sái ban thờ thần Phật, tiếp đó mới tới bàn thờ chư vị Thần linh, gia tiên; làm sạch bài vị trước, tiếp là lư nhang rồi các đồ thờ cúng khác…

Đặt bát hương sai cách

Lư nhang hay bát hương cần phải được an vị trung chính nơi ban thờ, đại kỵ bị xiên lệch. Bởi vậy, khi bao sái ban thờ cần tránh không di chuyển bát hương. Việc tùy tiện dịch chuyển còn dễ khiến bát nhang lệch sang hướng xấu, đem lại những điều không may tới cho gia chủ.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.

Hà My

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/5-sai-lam-khi-thuc-hien-bao-sai-ban-tho-tia-chan-nhang-cuoi-nam-can-tranh-de-to-tien-phu-ho-172250109161944007.htm
Zalo