5 rủi ro tiềm ẩn khi dùng thực phẩm bổ sung cho trẻ
Mặc dù thực phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe, nhưng trong một số trường hợp có thể không cần thiết, thậm chí không an toàn khi sử dụng cho trẻ. Sau đây là 5 điều cha mẹ nên biết trước khi muốn sử dụng thực phẩm bổ sung cho trẻ.
1. Có cần cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung?
Thực phẩm bổ sung là thực phẩm có chức năng đặc biệt dành cho sức khỏe hoặc nhằm mục đích bổ sung vitamin, khoáng chất phù hợp cho một số nhóm người cụ thể, không nhằm mục đích chữa bệnh.
Theo quan điểm khoa học, chỉ cần trẻ ăn đủ 3 bữa/ngày một cách cân bằng và hợp lý thì không cần bổ sung thêm chế độ ăn uống. Tuy nhiên, khi trẻ kém ăn hoặc suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống không hợp lý, trong thời gian bị bệnh thì có thể theo lời khuyên của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung chế độ ăn uống khoa học, hợp lý tùy theo tình trạng thực tế của trẻ.
2. Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thực phẩm bổ sung cho trẻ
Trước khi sử dụng thực phẩm bổ sung cho trẻ, cha mẹ cần thức được những rủi ro sau:
2.1 Thực phẩm bổ sung không được quản lý như thuốc
Thực phẩm bổ sung không được các cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm quản lý theo cách mà thuốc được quản lý. Các quy định về cách sản xuất thực phẩm bổ sung thường ít nghiêm ngặt hơn so với các quy định đối với thuốc.
Điều này có nghĩa là tính an toàn và hiệu quả của chúng có thể chưa được kiểm nghiệm đầy đủ, đặc biệt là ở trẻ em, vì rất ít thử nghiệm được thực hiện ở nhóm tuổi này.
2.2 Nhiều chất bổ sung được dán nhãn sai
Một số sản phẩm cũng chứa các thành phần không được đề cập hoặc nhiều hơn số lượng đã nêu trên nhãn thông tin. Ví dụ, thực phẩm bổ sung có thể chứa các chất không có trong danh sách thành phần, có thể bị nhiễm một chất bị cấm trong quá trình sản xuất...
2.3 Nguy cơ quá liều
Một trong những rủi ro phổ biến nhất khi sử dụng thực phẩm bổ sung là trẻ uống quá nhiều vitamin và thực tế, nhiều loại thực phẩm của trẻ thường chứa các vitamin.
Ví dụ, ngũ cốc ăn sáng được tăng cường để giàu khoáng chất và chất dinh dưỡng. Trẻ ăn những sản phẩm này và sử dụng thực phẩm bổ sung sẽ có nguy cơ hấp thụ quá nhiều vitamin, có thể gây độc và cản trở quá trình trao đổi chất, hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.
2.4 Tương tác thuốc gây nguy hiểm
Nếu con bạn đang dùng thuốc để điều trị bệnh, một loại thực phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc, gây ra tác dụng phụ. Ví dụ, nhiều người bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ đang phải sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, nhất là các kháng sinh thuộc nhóm betalactam thì không nên dùng đồng thời với vitamin C, vì làm giảm hiệu quả của thuốc. Do đó, cần thông báo cho bác sĩ, nếu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.
2.5 Thuốc bổ sung không thay thế chế độ ăn uống lành mạnh
Cần nhấn mạnh rằng thực phẩm bổ sung dù tốt đến đâu cũng không thể thay thế được chế độ ăn uống. Ăn uống là nguồn bổ sung dinh dưỡng tốt nhất. Sẽ hợp lý và khoa học hơn nếu bổ sung đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên, nên phải chú ý cho trẻ ăn đầy đủ trong ngày.
Xây dựng cho trẻ thói quen ăn uống không kén chọn, duy trì chế độ ăn uống đa dạng, toàn diện và cân bằng; tăng cường ăn uống hợp lý rau, trái cây, các loại hạt, đậu nành, các sản phẩm từ sữa, cá, trứng và các thực phẩm khác; hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, muối và đường. Đây là cách chăm sóc sức khỏe trẻ em một cách khoa học và tự nhiên nhất.
Nếu trẻ cần phải bổ sung bất kỳ loại vitamin và khoáng chất nào, nê tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ dinh dưỡng trước khi dùng.
Mời xem thêm video được quan tâm: