5 nút giao trọng điểm tại Hà Nội sắp có cầu vượt mới

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa trình UBND TP. Hà Nội đề xuất xây dựng 5 cầu vượt nhẹ bằng thép tại các nút giao trọng điểm nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tăng khả năng kết nối giao thông đô thị.

Các cầu vượt này dự kiến được xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).

Nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm. Ảnh: Tiền phong

Nút giao Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) thường xuyên xảy ra ùn tắc giờ cao điểm. Ảnh: Tiền phong

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, nút giao Cổ Linh - Thạch Bàn đang chịu áp lực lớn do lưu lượng phương tiện tăng cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, kể từ khi cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành và đi vào hoạt động. Ý thức chấp hành luật giao thông chưa cao của một số người dân cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc tại khu vực này trở nên nghiêm trọng hơn.

Hiện tại, Sở đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao này. Theo phương án thí điểm, các phương tiện bị cấm rẽ trái từ đường Cổ Linh vào Thạch Bàn. Thay vào đó, các phương tiện được hướng dẫn di chuyển qua các ngõ phụ như 541 Bát Khối, 33 Cổ Linh, 191 Thạch Bàn để giảm áp lực giao thông.

Tương tự, các vị trí nút giao khác như Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân, Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng và Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông cũng là những điểm nóng về ùn tắc, nhất là trong giờ cao điểm. Việc xây dựng các cầu vượt nhẹ bằng thép được xem là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất nhằm khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh việc xây dựng các cầu vượt nhẹ, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt khác như bỏ đèn tín hiệu tại một số nút giao lớn. Đơn cử như tại nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm - Mễ Trì, sau hai năm thí điểm bỏ đèn tín hiệu và điều chỉnh lộ trình giao thông, tình trạng ùn tắc đã giảm đáng kể, góp phần đồng bộ giao thông thành phố hiệu quả hơn.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, phương án xây cầu vượt thép là giải pháp cấp bách được TP. Hà Nội lựa chọn trước thực trạng nhiều nút giao đã trở nên quá tải, trong lúc chưa đủ điều kiện làm hoàn chỉnh các nút giao.

Ông Tạo cho rằng, các cầu thép không phải cầu vĩnh cửu nên giá thành thấp, thời gian thi công nhanh, ít ảnh hưởng môi trường, ít chi phí bảo dưỡng. Khi cần công trình có thể được tháo dỡ, dời qua vị trí khác.

"Đây là những cầu vượt nhẹ, tuy nhiên vẫn cơ bản đáp ứng phục vụ các lưu lượng phương tiện đi qua mỗi ngày, góp phần giải quyết những "điểm đen" ùn tắc ở Hà Nội", TS Khương Kim Tạo nói.

Năm 2012, trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại hai nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà (quận Đống Đa), Hà Nội đã triển khai phương án xây dựng cầu vượt nhẹ bằng thép nhằm giảm tải áp lực giao thông.

Hai cây cầu vượt thép tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà được hoàn thành chỉ sau 100 ngày thi công và chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 4/2012. Với thiết kế đáp ứng lưu thông cho cả xe máy và ô tô con, các công trình này nhanh chóng chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc tại các điểm nóng giao thông của Thủ đô.

Từ thành công ban đầu, Thành phố đã tiếp tục triển khai xây dựng nhiều cầu vượt nhẹ khác, góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông đô thị. Gần đây nhất, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu vượt chữ C nối Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Cây cầu dài hơn 300m, rộng 9m, với tổng vốn đầu tư lên tới 150 tỷ đồng, được hoàn thành sau 21 tháng thi công. Đây được xem là một công trình giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong việc giảm ùn tắc và tăng cường kết nối giao thông khu vực nội đô.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/5-nut-giao-trong-diem-tai-ha-noi-sap-co-cau-vuot-moi-d239957.html
Zalo