5 năm kết hôn, lần đầu được làm mẹ sau nhiều lần 'mất con'
Kết hôn 5 năm, mang thai 2 lần nhưng lần nào cũng mất con khi thai mới vài tuần, người phụ nữ suy sụp, rơi vào cảnh tuyệt vọng khi biết sự thật.
Chị Mai – tên nhân vật đã được thay đổi (32 tuổi, Phú Thọ) cho biết, cuộc hôn nhân của chị bắt đầu bằng yêu thương và hy vọng. Nhưng từng năm trôi qua trong căn nhà vắng tiếng trẻ con khiến bầu không khí ngày càng ngột ngạt. Áp lực từ gia đình chồng – nơi chị là vợ của người con trai trưởng, càng khiến chị thêm gánh nặng.
“Em từng có thai 2 lần nhưng lần nào cũng mất con khi thai mới được 6-8 tuần. Bác sĩ nói tử cung em quá nhỏ, không thể giữ thai. Em rơi vào tuyệt vọng nhưng chồng em thương vợ, bố mẹ hai bên đều mong cháu nối dõi, em không thể bỏ cuộc,” chị Mai nghẹn lời.
Bằng niềm tin và hy vọng, chị Mai tiếp tục xuống Hà Nội tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF (Bệnh viện Đa khoa Hà Nội) điều trị để mong có phép màu xảy ra.

Liên tiếp mất con vì tử cung nhỏ bẩm sinh (Ảnh minh họa)
Trực tiếp thăm khám cho chị Mai, Ths.BS Nguyễn Duy Phương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF (Bệnh viện Đa khoa Hà Nội) đã yêu cầu thực hiện siêu âm đánh giá tử cung – buồng trứng kỹ lưỡng. Kết quả cho thấy chị Mai mắc tử cung nhỏ bẩm sinh, chiều dài chưa đầy 5cm, niêm mạc mỏng và không đủ khả năng nuôi thai ổn định.
“Chị Mai là một trường hợp điển hình có thể mang thai tự nhiên nhưng tử cung không giữ được phôi, dẫn đến sẩy thai liên tiếp. Nếu không được điều trị, khả năng mang thai thành công gần như bằng không,” bác sĩ Phương cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là tử cung của chị vẫn còn khả năng đáp ứng với nội tiết. Bác sĩ đã xây dựng phác đồ điều trị nội tiết chuyên sâu trong nhiều tháng, kết hợp theo dõi niêm mạc tử cung sát sao. Khi tử cung đủ điều kiện, chị Mai được tiến hành chuyển phôi từ IVF – và kỳ tích đã đến, chị đậu thai, thai phát triển ổn định, hiện đã ở tuần thứ 20.
Tử cung nhỏ bẩm sinh – “kẻ giấu mặt” cướp đi thiên chức làm mẹ
Theo ThS.BS Nguyễn Duy Phương, tử cung nhỏ bẩm sinh (hay còn gọi là tử cung thiểu sản, tử cung trẻ con) là tình trạng tử cung không phát triển đúng kích thước bình thường khi đến tuổi dậy thì, khiến người phụ nữ gặp nhiều trở ngại trong khả năng mang thai và sinh con.
Tử cung bình thường dài khoảng 7–8cm, nhưng ở bệnh nhân mắc dị tật này, tử cung có thể chỉ dài 3–5cm, niêm mạc mỏng, không đủ điều kiện để phôi làm tổ và phát triển. Vì vậy, thai dễ bị bong, hoại tử và dẫn đến sẩy thai sớm, thường trong 3 tháng đầu.
“Với tử cung nhỏ bẩm sinh, người bệnh có thể vẫn dậy thì bình thường, có kinh nguyệt đều đặn, trứng vẫn có thể thụ tinh bình thường, nhưng tử cung lại không đủ khả năng giữ thai. Đó là lý do vì sao nhiều bệnh nhân vẫn có thai tự nhiên, nhưng thai không thể phát triển quá vài tuần,” bác sĩ Phương cho biết.

Tử cung là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của phụ nữ, nơi làm tổ và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ (Ảnh minh họa)
Theo BS Phương, nguyên nhân dẫn đến tử cung nhỏ bẩm sinh có thể liên quan đến rối loạn hormone nội tiết (đặc biệt là thiếu hụt estrogen), bất thường bẩm sinh trong phát triển của cơ quan sinh dục, hội chứng Turner hoặc rối loạn di truyền hiếm gặp,…
Trong đó, có một số dấu hiệu điển hình như dậy thì muộn, kinh nguyệt rất ít, ngắn ngày, đau bụng kinh, không có thai dù đã cố gắng trong thời gian dài, cảm giác "bụng trống" trong giai đoạn rụng trứng,…
“Tuy nhiên, không ít người chủ quan, nhầm lẫn với rối loạn nội tiết thông thường hoặc chậm kinh do stress, dinh dưỡng. Chỉ đến khi lập gia đình, mong con mãi không được mới bắt đầu hành trình đi tìm nguyên nhân”, vị bác sĩ chia sẻ.
Mắc tử cung nhỏ bẩm sinh có còn cơ hội làm mẹ?
Tuy là bệnh lý khó, nhưng tử cung nhỏ bẩm sinh không hoàn toàn đồng nghĩa với việc mất đi khả năng làm mẹ. Theo bác sĩ Phương, nhiều bệnh nhân đã mang thai thành công sau quá trình điều trị nội tiết kéo dài, kết hợp thụ tinh ống nghiệm (IVF) và theo dõi chặt chẽ.
“Chúng tôi từng điều trị cho một bệnh nhân tử cung chỉ dài 4,1cm, từng sẩy thai 4 lần. Sau một năm điều trị nội tiết tích cực và theo dõi sát sao, chị ấy đã mang thai IVF thành công và sinh bé khỏe mạnh. Đó là cả một hành trình kỳ diệu của nghị lực và niềm tin", bác sĩ chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Duy Phương bế trên tay cháu bé của một gia đình hiếm muộn được anh chữa trị (Ảnh: BVCC)
Từ trường hợp trên, bác sĩ Phương khuyến cáo phụ nữ nên đi khám sức khỏe sinh sản trước khi lập gia đình, đặc biệt nếu từng có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt, dậy thì muộn, hoặc đã lập gia đình sau 6–12 tháng cố gắng mà chưa có thai.
“Nỗi đau của những người phụ nữ mang trong mình tử cung nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt. Đó là nỗi ám ảnh về sự khiếm khuyết vô hình, là những tháng ngày đi tìm con trong vô vọng. Nhưng điều quan trọng là đừng buông tay, vì khoa học hôm nay đã tiến rất xa. Chỉ cần không bỏ cuộc, hy vọng vẫn luôn còn,” bác sĩ Phương nhắn gửi.