5 đột phá công nghệ quan trọng nhất 2024

Năm 2024 dần khép lại với nhiều bước tiến vượt bậc về công nghệ. Theo Công ty tư vấn Deloitte, dưới đây là 5 đột phá công nghệ hàng đầu không chỉ ghi dấu trong năm 2024 mà còn hứa hẹn định hình lại tương lai của thế giới.

Chiplet: Giải pháp nhỏ cho vấn đề lớn

Ảnh minh họa: REUTERS

Ảnh minh họa: REUTERS

Chất bán dẫn hiện được ứng dụng cho hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại. Chỉ riêng trong năm 2023, gần 1.000 tỷ chip đã được bán ra trên toàn cầu, tương đương hơn 100 chip cho mỗi người trên Trái Đất. Tuy nhiên, ngành bán dẫn đang dần chạm đến giới hạn của Định luật Moore, nguyên tắc cho rằng mật độ bóng bán dẫn trên chip tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm. Ngày nay, bóng bán dẫn nhỏ nhất chỉ còn 2 nanomet, cho phép 50 tỷ bóng bán dẫn tích hợp vừa vặn trên một con chip kích thước bằng móng tay. Để vượt qua những giới hạn này, chiplet đã ra đời. Đây là các chip mô-đun nhỏ, được kết hợp như các khối lắp ráp để tạo ra các hệ thống hiệu quả hơn.

Không giống như các chip nguyên khối truyền thống, chiplet cho phép các nhà thiết kế kết hợp và tùy chỉnh các thành phần như bộ xử lý, bộ nhớ và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), tối ưu hóa từng thành phần một cách độc lập. Ví dụ, trong ngành ô tô, chiplet AI chuyên dụng có thể nâng cao hiệu suất lái xe tự động, trong khi các chiplet khác quản lý hiệu quả pin. Điều này giúp đơn giản hóa việc nâng cấp hệ thống mà không cần thiết kế lại toàn bộ chip.

Hiện chiplet được kỳ vọng sẽ giúp cách mạng hóa mọi thứ, từ thiết bị điện tử tiêu dùng đến AI.

Tiến bộ về pin và năng lượng Mặt Trời: Năng lượng cho tương lai

Số lượng trung tâm dữ liệu ngày càng tăng và xu thế ứng dụng AI ngày càng rộng rãi đang trở thành mối đe dọa cho hệ thống năng lượng toàn cầu ở nửa sau thập kỷ hiện tại. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính trong giai đoạn 2023 - 2030, mức tiêu thụ điện của trung tâm dữ liệu AI sẽ vào khoảng 200 terawatt giờ. Điều này thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp năng lượng sạch và năm 2024 đã ghi dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực này.

Nhờ khoáng chất perovskite, các tấm pin Mặt Trời có thể chỉ dày một micron (khoảng 0,001 mm) và mỏng hơn 150 lần so với tấm silicon, trong khi đạt hiệu suất năng lượng trên 28% so với 22% của các tấm pin truyền thống. Vật liệu này cũng mỏng đến mức có thể dệt vào quần áo để sạc các thiết bị khi di chuyển.

Công nghệ pin cũng có những tiến bộ đáng kể, với việc sản xuất hàng loạt pin natri-ion cung cấp khả năng sạc nhanh hơn 10 lần và tuổi thọ lên tới 50.000 chu kỳ sạc. AI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa các công nghệ pin mới này bằng cách liên tục theo dõi trạng thái, dự đoán sự cố và tối ưu hóa các chu kỳ sạc.

Những tiến bộ này phá vỡ rào cản năng lượng, cho phép mở rộng ứng dụng AI, điện toán đám mây và các thiết bị khác, đồng thời giảm chi phí vận hành.

Quang cảnh nhà máy điện mặt trời ở thị trấn Naomaohu, thành phố Hami, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh nhà máy điện mặt trời ở thị trấn Naomaohu, thành phố Hami, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Điện toán lượng tử: Cơ hội mới, thách thức mới

Điện toán lượng tử đã từ ứng dụng thử nghiệm để bước ra thực tiễn. Chúng đang ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn nhờ các công ty cung cấp dịch vụ Điện toán Lượng tử giúp giảm bớt nhu cầu phải mua các phần cứng đắt tiền.

Sự khác biệt chính giữa máy tính lượng tử và máy tính cổ điển là máy tính lượng tử không bị giới hạn trong việc xử lý dữ liệu ở các bit - số 0 và 1. Thay vào đó, máy tính lượng tử dựa trên các nguyên tắc vật lý và cơ học lượng tử, giúp chúng có khả năng cực kỳ mạnh mẽ trong mô phỏng tự nhiên và các quá trình phức tạp như phát triển vật liệu mới.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể phá vỡ các hệ thống mã hóa hiện tại. Mối đe dọa về khả năng các tác nhân độc hại thu thập dữ liệu đã mã hóa với hy vọng sẽ phá chúng sau này bằng máy tính lượng tử đang lớn dần và hoàn toàn khả thi. Vào tháng 8/2024, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NIST) đã công bố các tiêu chuẩn mã hóa hậu lượng tử mà các công ty phải áp dụng để phát triển các kế hoạch chiến lược, phân bổ nguồn lực nâng cấp hệ thống mã hóa. Sự thay đổi này rất cần thiết để bảo vệ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong kỷ nguyên lượng tử.

Kết hợp điện toán biên và 5G: Nền tảng hạ tầng thế hệ tiếp theo

Hãy tưởng tượng một thế giới nơi điện thoại thông minh, ô tô tự lái hoặc thiết bị an ninh gia đình có thể xử lý dữ liệu phức tạp ngay lập tức, ngay tại nguồn. Đó là lời hứa của điện toán biên: đưa tính toán đến gần nơi dữ liệu được tạo ra, giảm độ trễ, giảm chi phí năng lượng và tăng cường quyền riêng tư bằng cách giảm thiểu việc truyền thông tin nhạy cảm đến các máy chủ ở xa.

Điện toán biên giúp giảm thiểu nhu cầu băng thông, hạ mức tiêu thụ năng lượng và tiết kiệm chi phí. Nó còn giúp tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Trong năm 2024, thế giới đã chứng kiến những bước đột phá đáng kể trong công nghệ điện toán biên. Một trong số đó là sự mở rộng toàn cầu của mạng 5G, mang lại tốc độ độ trễ thấp chỉ 5 mili giây so với 100 mili giây của 4G. Bước đột phá thứ hai là những tiến bộ trong Edge AI - sự trỗi dậy của các mô hình AI quy mô nhỏ hơn, cho phép các thuật toán phức tạp chạy trên các thiết bị như thiết bị di động hoặc ô tô tự lái.

Đầu năm 2024, hệ thống điện toán biên và AI thương mại đầu tiên đã đi vào hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), giúp giảm sự phụ thuộc vào trung tâm điều khiển cho việc xử lý dữ liệu.

Những tiến bộ vượt bậc của Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và AI tạo sinh

LLM đã phát triển đáng kể kể từ khi chúng nổi lên vào năm 2023 với ứng dụng đình đám ChatGPT của OpenAI. Ban đầu, LLM đôi khi không chính xác, dài dòng và cần một quy trình gợi ý đáng kể. Đến năm 2024, LLM đã trở thành công cụ phổ biến, định hình lại các ngành công nghiệp.

Trong các đột phá, đáng chú ý nhất là RAG (tạo tăng cường truy xuất). Công nghệ này kết hợp LLM với dữ liệu thời gian thực, căn cứ các phản hồi vào thông tin cụ thể và giúp chúng đáng tin cậy hơn.

Các giao diện đa phương thức (kết hợp văn bản với hình ảnh, âm thanh hay video) cũng đang trở nên phổ biến. Chúng cho phép các mô hình chăm sóc sức khỏe phân tích hình ảnh y tế cùng với dữ liệu bệnh nhân để chẩn đoán chính xác và toàn diện hơn.

Một bước đột phá khác là Tác nhân AI - những công cụ có thể tự chủ, thực hiện các nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người để đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Tác nhân hiểu môi trường của mình, từ đó đưa ra quyết định và hoàn thành công việc một cách hợp lý.

Từng chỉ là một công cụ phụ trợ, AI hiện góp phần định hình chiến lược, thúc đẩy tự động hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Những đổi mới của năm 2024 cho thấy tốc độ phát triển công nghệ vẫn tiếp tục tăng tốc. Năm đột phá nêu trên không chỉ là sự tiến bộ mà còn là nền tảng để xây dựng tương lai của thế giới. Việc hiểu và tận dụng chúng sẽ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp lẫn các cá nhân có thể thành công trong những năm tới.

Hương Thủy/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/5-dot-pha-cong-nghe-quan-trong-nhat-2024-20241231184327712.htm
Zalo