5 câu hỏi thường gặp với người bệnh hẹp ống sống

Khi bị hẹp ống sống, các dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép dẫn đến các triệu chứng như đau, tê, yếu, thậm chí là liệt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Nội dung

1. Đông y có chữa được bệnh hẹp ống sống không?

2. Hẹp ống sống có nguy hiểm không?

3. Hẹp ống sống có chữa khỏi được không?

4. Cách chăm sóc người bệnh hẹp ống sống tại nhà

5. Chi phí khám điều trị bệnh hẹp ống sống

Hẹp ống sống do các nguyên nhân như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, bệnh lý cột sống bẩm sinh hoặc các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh Paget xương, khối u cột sống...

1. Đông y có chữa được bệnh hẹp ống sống không?

Đông y có thể hỗ trợ điều trị hẹp ống sống nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng này. Hẹp ống sống là một bệnh lý liên quan đến cấu trúc xương khớp và sự chèn ép thần kinh, trong khi Đông y tập trung vào việc cân bằng khí huyết và điều chỉnh chức năng cơ thể. Do đó, Đông y thường được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh hẹp ống sống như châm cứu, bấm huyệt giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu thông máu, xoa bóp và sử dụng một số bài thuốc bổ can thận, mạnh gân cốt, hoạt huyết thông kinh lạc.

Đông y có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị y học hiện đại để tăng hiệu quả điều trị hẹp ống sống.

2. Hẹp ống sống có nguy hiểm không?

Hình ảnh ống sống bình thường và hẹp ống sống.

Hình ảnh ống sống bình thường và hẹp ống sống.

Hẹp ống sống là một tình trạng bệnh lý có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ nhẹ đến nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mức độ nguy hiểm của hẹp ống sống phụ thuộc vào vị trí hẹp, mức độ hẹp và mức độ chèn ép lên tủy sống và các rễ thần kinh. Mức độ nguy hiểm theo vị trí hẹp:

Hẹp ống sống thắt lưng: Đây là vị trí phổ biến nhất, các biến chứng có thể bao gồm đau thần kinh tọa, tê bì, yếu cơ ở chân, khó khăn khi đi lại, rối loạn đại tiểu tiện và trong trường hợp nặng có thể gây liệt hai chân.

Hẹp ống sống cổ: Các biến chứng có thể bao gồm đau cổ, đau lan xuống vai và tay, tê bì, yếu cơ ở tay, khó giữ thăng bằng và trong trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của cả tay và chân.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ hẹp ống sống như đau lưng hoặc đau cổ dữ dội và kéo dài; tê bì hoặc yếu cơ ở tay hoặc chân ngày càng nặng; khó khăn trong việc đi lại hoặc giữ thăng bằng; rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang, hãy đi khám ngay lập tức để được tư vấn, bác sĩ sẽ chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.

3. Hẹp ống sống có chữa khỏi được không?

Hẹp ống sống khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt là các trường hợp do thoái hóa. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị phù hợp, có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Việc chẩn đoán sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ là rất quan trọng.

Đối với các trường hợp nhẹ đến trung bình: Với các phương pháp điều trị bảo tồn, có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, vì các thay đổi thoái hóa thường là nguyên nhân gây hẹp ống sống và không thể đảo ngược.

Đối với các trường hợp nặng cần phẫu thuật: Phẫu thuật có thể giúp giảm áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh, cải thiện đáng kể các triệu chứng và phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có những rủi ro nhất định và không đảm bảo chữa khỏi hoàn toàn. Một số người bệnh có thể vẫn còn một số triệu chứng sau phẫu thuật.

4. Cách chăm sóc người bệnh hẹp ống sống tại nhà

Chăm sóc người bị hẹp ống sống tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh các hoạt động gắng sức, mang vác vật nặng hoặc các tư thế xấu gây áp lực lên cột sống. Tuy nhiên, không nên nghỉ ngơi hoàn toàn, mà cần vận động nhẹ nhàng để duy trì sự linh hoạt của cột sống và ngăn ngừa cứng khớp. Cần có tư thế đúng khi đứng, ngồi và nằm ngủ. Tránh một tư thế quá lâu hoặc cúi người về phía để nâng vật nặng.

Điều trị hẹp ống sống bằng phương pháp vật lý trị liệu.

Điều trị hẹp ống sống bằng phương pháp vật lý trị liệu.

Vận động nhẹ nhàng: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện tính linh hoạt của cột sống và giảm đau. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập phù hợp.

Ăn uống cân bằng: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D để duy trì sức khỏe xương khớp. Thừa cân hoặc béo phì sẽ gây áp lực lên cột sống, vì vậy cần duy trì cân nặng hợp lý. Nên uống đủ nước giúp duy trì độ ẩm cho các đĩa đệm và khớp.

Giảm đau: Bằng cách chườm nóng giúp thư giãn cơ bắp hoặc chườm lạnh giúp giảm viêm và sưng. Nên áp dụng luân phiên chườm nóng và chườm lạnh, mỗi lần khoảng 15 - 20 phút.

Người bệnh hẹp ống sống cần tham khảo và tuân thủ ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như đau dữ dội, tê bì hoặc yếu cơ ngày càng nặng, khó khăn trong việc đi lại hoặc rối loạn đại tiểu tiện, cần đến bệnh viện ngay lập tức.

5. Chi phí khám điều trị bệnh hẹp ống sống

Khi bị hẹp ống sống có thể khám và điều trị tại các bệnh viện đa khoa hoặc các bệnh viện chuyên khoa về cột sống, xương khớp, chấn thương chỉnh hình… Mức chi phí cơ bản khi thực hiện cho người bị hẹp ống sống tùy mức độ theo giá dịch vụ theo yêu cầu:

Khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa: Khoảng 100.000 - 500.000 VNĐ tùy bệnh viện.
Chụp X-quang cột sống: Khoảng 100.000 - 300.000 VNĐ/lần chụp.
Chụp CT cột sống: Khoảng 500.000 - 1.500.000 VNĐ/lần chụp.
Chụp MRI cột sống: Khoảng 1.500.000 - 3.000.000 VNĐ/lần chụp.
Chi phí điều trị bảo tồn từ 100.000 - 300.000 VNĐ/buổi và tùy từng loại thuốc điều trị.
Chi phí phẫu thuật phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật và các vật liệu cấy ghép (nếu có) có giá từ 15.000.000 đến 80.000.000 VNĐ hoặc hơn.

Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí sẽ được giảm bớt tùy theo mức độ bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

BS. Vũ Văn Cường, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-cau-hoi-thuong-gap-voi-nguoi-benh-hep-ong-song-169241227223710773.htm
Zalo