5 bộ phim lịch sử không thể bỏ qua dịp lễ 30.4

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), hãy cùng nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc qua 5 tác phẩm điện ảnh xuất sắc.

Mỗi bộ phim là một lát cắt lịch sử, một lời tri ân sâu sắc đến những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

1. Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (2025)

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Bộ phim lấy cảm hứng từ trận càn Cedar Falls (năm 1967), một trong những cuộc càn quét lớn nhất của quân đội Mỹ nhằm tiêu diệt lực lượng quân giải phóng miền Nam.

Địa đạo không chỉ là câu chuyện về sự kiên cường của những người du kích sống trong lòng đất, mà còn là lát cắt chân thực, không bi kịch hóa chiến tranh, không lãng mạn hóa mất mát.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khắc họa những người anh hùng thầm lặng với khuôn mặt lấm lem, thân hình gầy guộc, sống trong điều kiện khắc nghiệt nhất để bảo vệ căn cứ quân y và truyền tin chiến lược.

Phim là lời nhắc nhở sâu sắc về sự hy sinh âm thầm của những người lính không tên, những con người đã đánh đổi tuổi trẻ, tình yêu để giữ lấy Tổ quốc.

2. Mùi ccháy (2011)

Mùi ccháy lấy bối cảnh trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, khắc họa sự ác liệt của mặt trận Bình Trị Thiên.

Bộ phim kể về câu chuyện của 4 chàng sinh viên: Hoàng, Thành, Thăng và Long khi rời giảng đường đại học để bước vào mặt trận Thành cổ Quảng Trị 1972 đỏ lửa.

Đạo diễn đã tái hiện chân thực chiến trường khốc liệt với những trận mưa bom rơi thẳng xuống đầu người, những đôi chân run rẩy vượt lòng sông Thạch Hãn lạnh buốt trong đêm tối, những lần đau thương phải đào hố chôn xác đồng đội…

Mỗi bước chân vào Thành cổ khi ấy là mỗi lần cược cả sinh mạng không thấy đường lui, nhưng không ai chùn bước.

Bộ phim như một nén tâm nhang dành trọn cho công ơn những người đã hiến dâng tuổi xuân và máu xương để hôm nay chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất.

3. Giải phóng Sài Gòn (2005)

Giải phóng Sài Gòn khắc họa vai trò lãnh đạo xuất sắc của Đảng và những nhà cách mạng tiêu biểu như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Trọng Tấn... trong giai đoạn then chốt của cuộc kháng chiến.

Được đầu tư 12,3 tỷ đồng, Giải phóng Sài Gòn tái hiện chân thực khí thế của quân và dân ta trên khắp chiến trường, đặc biệt trong trận tiến công lịch sử vào Sài Gòn.

Bộ phim gây ấn tượng mạnh với những cảnh quay quy mô lớn, hoàn toàn không sử dụng kỹ xảo, đem đến những thước phim đậm chất sử thi, tái hiện không khí hào hùng và bi tráng của đại thắng mùa xuân năm 1975.

4. Biệt động Sài Gòn (1986)

Ra mắt vào năm 1986, bộ phim gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em.

Biệt động Sài Gòn tái hiện lại những cuộc chiến nổi bật của Lực lượng đặc công Quân Giải phóng miền Nam (hay còn gọi Biệt động Sài Gòn) trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam.

Điểm mạnh của phim là cách xây dựng không khí căng thẳng của cuộc chiến đô thị, nơi ranh giới giữa sống và chết mỏng manh như sợi tóc.

Những pha đột nhập, những cuộc đánh bom, những cuộc đào thoát ngoạn mục được dàn dựng công phu, tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến trong lòng đô thị.

5. Nổi gío (1966)

Nổi gió là câu chuyện về những chiến sĩ hải quân trong những ngày đầu xây dựng lực lượng.

Không chỉ tái hiện những trận đánh trên biển mà bộ phim còn đi sâu vào tâm lý của những người lính trẻ, những người phải vượt qua nỗi sợ hãi, những khó khăn ban đầu để trưởng thành.

Nổi gió gây ấn tượng với những cảnh quay trên biển, những con sóng dữ dội và những chiếc tàu nhỏ bé của hải quân cách mạng. Qua đó, người xem cảm nhận được sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự dũng cảm phi thường của những người lính biển.

THIÊN KIM

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/5-bo-phim-lich-su-khong-the-bo-qua-dip-le-304-130122.html
Zalo