40 năm khởi công công trình Thủy điện Trị An (1984-2024): Ký ức khó quên
Đồng Nai một thời có đơn vị hành chính tên là thị xã Vĩnh An. Nay trở lại với tên huyện Vĩnh Cửu và thị trấn Vĩnh An.
Nhắc chi tiết này để thấy đã có thời cho rằng có Thủy điện Trị An thì Vĩnh Cửu sẽ tăng tốc phát triển và “đón đầu” ngay cái tên thị xã Vĩnh An! Đến bây giờ, sau 40 năm khởi công xây dựng công trình (1984-2024), 36 năm nhà máy phát điện (1988-2024), 35 năm công trình hoàn thành (1989-2024), huyện Vĩnh Cửu vẫn là đơn vị cấp huyện phát triển chậm so với một số địa phương cùng cấp trong tỉnh.
Thế nhưng, lợi ích của công trình thủy điện Trị An là điều rất rõ ràng, không chỉ cho Đồng Nai mà toàn vùng. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có cách nói gợi hình ảnh và cảm xúc: “không để miền Nam đói điện”, sau này, “không để tình trạng điện chập chờn”… Đói điện là cái thời cuối 70 đầu thập niên 80, công trình Thủy điện Trị An khởi công xây dựng công trình chính vào dịp 30-4-1984 (chính xác là ngày 28-4-1984). 4 năm sau, dịp 30-4-1988 phát điện tổ máy 1. Cũng trong năm 1988, phát điện thêm 2 tổ máy 2,3. Năm 1989, dịp Quốc khánh 2-9, phát điện cả 4 tổ máy, tổng công suất 4 tổ máy 400MW. Một tốc độ thi công ít có. Công trình được sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô lúc ấy.
Cứ mỗi dịp lễ hội là nhớ không khí và hình ảnh sống động của công trường xây dựng công trình Thủy điện Trị An. Vì một miền Nam đang “đói điện” nên cả nước tập trung về, nhiều đơn vị chủ lực của ngành xây dựng về thi công công trình.
Người Anh hùng lao động đầu tiên trên công trường thủy điện là ông Trần Lễ của Công ty xây dựng thủy điện Trị An. Để gặp ông, phải chờ ông đi ca về, lúc cao điểm, ngay cả lao động phổ thông như đổ bê tông cũng phải đi ca ba. Chị Hoài Tố Hạnh, lúc đó làm việc ở Đài Phát thanh Đồng Nai có bút ký Đá nổi xôn xao viết về lao động ở Trị An được nhiều người đọc.
Có lúc, công trình hiện diện 30 ngàn lao động ở 3 tuyến năng lượng, tuyến đập và tuyến hồ chứa. Với con số lao động ấy về từ mọi miền đất nước, có người qua đời ngay trên công trường vì nhiều nguyên nhân, một “trầm tích” thủy điện phải nói lời tri ân.
Hồ Trị An có một loài cá được nhiều người biết đến là cá hoàng đế, vảy long lanh màu vàng, đỏ rất đẹp, một giống cá dữ, ăn tạp như cá piranha bụng đỏ trên sông Amazone (Brasil). Du lịch về đảo Ó, Đồng Trường nên thưởng thức cá hoàng đế nướng cho biết.
Người ta ít nói đến tuyến hồ chứa vì nói đến thủy điện trước tiên là điện nhưng đây là công trình đa mục tiêu, trong đó có thủy lợi. Họp tại công trường, lãnh đạo Xí nghiệp khảo sát thiết kế của Bộ Điện lực lúc ấy nói, có kế thừa kết quả nghiên cứu của Pháp trước năm 1954 về Thủy điện Trị An, trong đó có mục tiêu về thủy lợi. Có nghe dự án nghiên cứu nuôi trồng thủy sản hồ Trị An do Sở Khoa học và công nghệ chủ trì, không biết đến nay ra sao nhưng việc điều tiết nước ở phía hạ du, xâm nhập mặn không qua cầu Đồng Nai về thượng nguồn đã rõ. Còn hiệu quả đẩy mặn phía hạ du (lợi ích kinh tế và dân sinh) chưa có nhiều thông tin.
Những năm thi công công trình Thủy điện Trị An, trước khi ngăn sông tích nước vào năm 1987, đi trên quốc lộ 20, khi qua cầu La Ngà cũ, thấy cây cầu mới đang xây tận trên cao quá trần cao xe đang chạy trên cầu cũ nhiều lần, khó hình dung ra một hồ Trị An hình thành sau này. Ít người biết là dầm cầu La Ngà cũ được kéo về Trị An bằng xe siêu trường siêu trọng để làm đà cho cầu Chiến khu Đ qua kênh nối hai hồ hiện nay. Hai hồ là hồ chính và hồ phụ - còn gọi là hồ áp lực dẫn nước vào cửa lấy nước.
Tại La Ngà, làng cá bè hình thành khi người Việt ở Campuchia sinh sống ở biển Hồ về nước, có kinh nghiệm nuôi cá trên hồ nên tự phát làng cá bè La Ngà như hiện nay. Thủy năng thành điện, còn thủy lợi, trong đó có thủy sản chưa khai thác hiệu quả.
Có những tên gọi hình thành thời thi công công trình Thủy điện Trị An như: ngã ba Trị An, nay là điểm giao cắt đường ĐT 767 và quốc lộ 1 tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom). Trước đó, gọi là đường Hố Nai 4 - Trị An khi huyện Thống Nhất chưa tách thành Trảng Bom, Thống Nhất, còn xã Hố Nai 4...