4 phút định mệnh trong thảm kịch Jeju Air
Khoảng thời gian giữa lúc phi công báo cáo va chạm với chim và thời điểm máy bay rơi có thể là chìa khóa giải mã bí ẩn đằng sau thảm họa hàng không thảm khốc của Hàn Quốc.
Sáng 29/12 (giờ địa phương), khi đã trễ 30 phút so với lịch trình, phi công máy bay Jeju Air chở 181 người quyết định hạ cánh tại điểm đến ở Sân bay quốc tế Muan thuộc phía tây nam Hàn Quốc. Tháp kiểm soát không lưu đã cảnh báo phi công này sự xuất hiện của các đàn chim trong khu vực.
Hai phút sau, vào 8h59, phi công báo cáo "tình huống khẩn cấp" khi máy bay "bị chim đâm phải", New York Times dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho biết.
Phi công sau đó báo với trạm khiểm soát không lưu rằng ông sẽ "bay vòng lại", nghĩa là ông sẽ hủy lần hạ cánh đầu tiên và bay vòng tròn trên không để chuẩn bị cho lần hạ cánh thứ hai. Tuy nhiên, dường như phi công không đủ thời gian để thực hiện lần hạ cánh thứ hai một cách hoàn chỉnh.
Lúc 9h03, chuyến bay 7C2216 của Jeju Air do phi công dày dạn kinh nghiệm với gần 7.000 giờ bay đã trượt trên đường băng theo hướng từ bắc xuống nam, đâm vào một kết cấu bê tông ở đầu đường băng và phát nổ.
Hạ cánh gấp rút
179 trong số 181 người có mặt trên máy bay đã thiệt mạng, phần lớn là người Hàn Quốc trở về nhà sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở Thái Lan. Vụ tai nạn là thảm họa hàng không tồi tệ nhất trên đất Hàn Quốc và có số người thiệt mạng nhiều thứ hai thế giới, theo New York Times.
Trong khi giới chức Hàn Quốc đang chạy đua để điều tra về nguyên nhân đằng sau thảm họa, các nhà phân tích tập trung vào câu hỏi xoay quanh chuyện gì đã diễn ra trong 4 phút từ lúc phi công báo cáo va chạm với chim và thời điểm máy bay rơi.
Một video được lan truyền trên Internet cho thấy chiếc Boeing 737-800 hạ cánh tại Sân bay quốc tế Muan mà không sử dụng bất kỳ bánh đáp nào. Máy bay đã trượt dài trên bụng, cọ xát với đường băng khiến khói và tia lửa xuất hiện trước cả khi toàn bộ phi cơ đâm vào cấu trúc bê tông ở cuối đường băng.
"Một câu hỏi lớn là tại sao phi công phải hạ cánh một cách gấp rút như vậy?", Hwang Ho Won, Chủ tịch Liên đoàn An ninh Hàng không Hàn Quốc, đặt vấn đề.
Khi phi công đáp cánh bằng bụng máy bay, họ thường nỗ lực kéo dài thời gian để xả bớt nhiên liệu trên không và giúp đội ngũ mặt đất có cơ hội chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, phi công của Jeju Air dường như không có đủ thời gian cho chuyện đó. "Phải chăng cả hai động cơ máy bay đều ngưng hoạt động", ông Hwang nói. "Quyết định hạ cánh bằng bụng có phải là lỗi xuất phát từ con người hay không?".
Tổ hợp vấn đề
Lực lượng chức năng đã thu hồi hộp đen của máy bay để phục vụ công tác điều tra. Ju Jong Wan, quan chức Bộ Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết hộp đen đã hư hại một phần nên sẽ cần thời gian để khôi phục dữ liệu.
Các chuyên gia hàng không xem qua đoạn video ghi lại cảnh chiếc Boeing 737-800 hạ cánh bằng bụng cho rằng phi cơ đã gặp một loạt sự cố cùng lúc dẫn đến thảm họa thương tâm, theo New York Times.
Đường băng của Sân bay Muan dài hơn 2.800 m song chỉ có 2.499 m được sử dụng vào thời điểm chuyến bay của Jeju Air đáp vì phần còn lại đang được sửa chữa để mở rộng. Chiếc Boeing 737-800 hôm 29/12 cũng bỏ lỡ điểm đáp thông thường, khiến khoảng cách tiếp xúc với mặt đất bị ngắn hơn.
Trong quá trình hạ cánh, phi công cũng dường như không thể điều khiển cả động cơ lẫn bánh đáp. Các chuyên gia cũng cho rằng máy bay đã không thể kích hoạt vạt cánh để giảm tốc độ di chuyển.
Máy bay đã đi nhanh đến mức vượt qua đường băng và đâm thẳng vào một cấu trúc bê tông được bao quanh bởi một gò đất. Cấu trúc này được xây dựng để thiết lập ăng-ten định vị giúp phi công duy trì đường di chuyển đáp chính xác.
Ông Ju nói rằng cấu trúc nói trên được xây dựng đúng chuẩn và thường xuất hiện ở các sân bay trong và ngoài Hàn Quốc. Một số chuyên gia, bao gồm cả ông Hwang, nói rằng nếu không có cấu trúc này, máy bay có thể đã tránh được bi kịch.
Nhưng giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng máy bay đã gặp vấn đề từ trước khi va chạm phải cấu trúc bê tông.
"Sự cố về động cơ không kéo theo vấn đề về bánh đáp. Hai thứ này không liên quan đến nhau", Giáo sư Paek Seung Joo thuộc Đại học An ninh Mở Hàn Quốc, nhận định. "Trong trường hợp này, cả hai vấn đề đã xảy đến, buộc máy bay phải hạ cánh bằng bụng chỉ trong vài phút".