4 món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích
Ngoài các phương pháp điều trị Hội chứng ruột kích thích bằng thuốc, việc sử dụng chế độ ăn uống hợp lý không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe đường ruột một cách tự nhiên, an toàn...
1. Đông y điều trị Hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome - IBS) là một rối loạn chức năng tiêu hóa mạn tính phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 5-20% dân số toàn cầu. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón... ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo quan điểm của Đông y, Hội chứng ruột kích thích thuộc phạm trù các chứng "phúc thống" (đau bụng), "tiết tả" (tiêu chảy) hoặc "táo kết" (táo bón). Nguyên nhân của bệnh thường liên quan đến sự rối loạn chức năng của tỳ, vị và can (gan). Các yếu tố chính gây ra bệnh gồm:
- Tỳ vị hư nhược: Tỳ và vị không vận hóa tốt thức ăn dẫn đến triệu chứng đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Can khí uất kết: Stress, lo âu làm khí của can không lưu thông, gây đau bụng và rối loạn tiêu hóa.
- Hàn thấp hoặc thấp nhiệt tích tụ: Môi trường, ăn uống không phù hợp hoặc vi khuẩn gây rối loạn chức năng tiêu hóa.
Vì vậy, để điều trị Hội chứng ruột kích thích cần:
- Kiện tỳ, ích vị: Tăng cường chức năng tiêu hóa, giúp tỳ vị hoạt động tốt hơn.
- Sơ can lý khí: Giải tỏa căng thẳng, giúp khí huyết lưu thông, giảm đau và rối loạn tiêu hóa.
- Trừ hàn, hóa thấp: Loại bỏ hàn và thấp trong cơ thể, điều hòa tiêu hóa.
Các món ăn bài thuốc được xây dựng dựa trên những nguyên tắc này, không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn bổ sung các dược liệu tự nhiên giúp điều chỉnh chức năng của tỳ, vị và can, từ đó cải thiện triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích một cách hiệu quả.
2. Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị Hội chứng ruột kích thích
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc dựa trên nguyên lý Đông y, không chỉ bổ dưỡng mà còn hỗ trợ giảm triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích.
2.1. Cháo hạt sen và ý dĩ
Nguyên liệu: Hạt sen khô 50g, ý dĩ 20g, gạo tẻ 50g, đường phèn (hoặc muối nhạt, tùy khẩu vị) 10g.
Các bước chế biến:
Ngâm hạt sen và ý dĩ trong nước ấm khoảng 2-3 giờ để mềm.
Vo sạch gạo tẻ, để ráo.
Đun sôi 1 lít nước, cho hạt sen và ý dĩ vào nấu trước trong 10 phút; thêm gạo tẻ vào, hạ lửa nhỏ và ninh đến khi cháo nhuyễn, các nguyên liệu hòa quyện (có thể sử dụng nồi áp suất hầm các nguyên liệu trong 30 phút).
Nêm đường phèn hoặc muối nhạt tùy khẩu vị.
Dùng cháo khi còn ấm, ngày ăn 1-2 lần.
Tác dụng:
Hạt sen: Kiện tỳ, an thần, giúp giảm lo âu.
Ý dĩ: Kiện tỳ, lợi thấp, giúp điều hòa tiêu hóa, giảm đầy bụng, tiêu chảy.
Cháo hạt sen và ý dĩ có tác dụng kiện tỳ, dưỡng vị và giảm các triệu chứng co thắt.
2.2. Canh củ cải trắng và gừng
Nguyên liệu: Củ cải trắng 200g, gừng tươi 10g, hành lá 2-3 nhánh, muối hoặc nước mắm vừa đủ, nước lọc 500ml.
Các bước chế biến:
Củ cải trắng rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
Gừng gọt vỏ, thái lát mỏng.
Đun nước hầm xương (hoặc nước lọc) đến sôi, cho củ cải vào nấu khoảng 10 phút; thêm gừng lát, nêm gia vị vừa ăn, đun thêm 5 phút nữa.
Trước khi tắt bếp, cho hành lá thái nhỏ vào, dùng nóng.
Tác dụng:
Củ cải trắng: Tiêu thực, giúp giảm đầy hơi và táo bón.
Gừng: Làm ấm tỳ vị, giảm đau bụng do lạnh.
Canh củ cải trắng và gừng hỗ trợ làm ấm cơ thể, cải thiện tiêu hóa, giảm cảm giác đau co thắt do lạnh hoặc ăn uống không hợp lý.
Lưu ý: Nên ăn vào buổi sáng, không ăn món có gừng vào buổi tối vì có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
2.3. Trà hoa cúc và cam thảo
Nguyên liệu: Hoa cúc khô 3g, cam thảo 2 lát, nước sôi 350ml.
Các bước chế biến:
Rửa sạch hoa cúc và cam thảo, cho hoa cúc và cam thảo vào ấm, đổ nước sôi vào, hãm trong 10 phút.
Uống ấm, có thể thêm một chút mật ong.
Tác dụng:
Hoa cúc: Giúp giảm căng thẳng thần kinh, một yếu tố gây ra Hội chứng ruột kích thích.
Cam thảo: Kiện tỳ, hòa vị, giúp ổn định nhu động ruột.
Trà hoa cúc và cam thảo có tác dụng an thần, giảm stress, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
2.4. Cơm gạo lứt với mè đen
Nguyên liệu: Gạo lứt 1 chén, mè đen (vừng đen) 2 thìa cà phê, muối biển 1/2 thìa cà phê.
Các bước chế biến:
Vo gạo lứt, ngâm nước khoảng 2 giờ để mềm, sau đó nấu cơm như bình thường.
Rang mè đen trên chảo nhỏ lửa đến khi dậy mùi thơm, giã nát.
Khi cơm chín, trộn mè đen và muối vào cơm, ăn kèm với các món canh hoặc rau củ luộc.
Tác dụng:
Gạo lứt: Giàu chất xơ, giúp cải thiện tình trạng táo bón.
Mè đen: Bổ can thận, giúp tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa.
Cơm gạo lứt với mè đen không chỉ bổ dưỡng mà còn giúp điều hòa hệ tiêu hóa, cải thiện triệu chứng táo bón và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Lưu ý: Không sử dụng món ăn cho bệnh nhân đi ngoài phân lỏng nhiều vì mè đen có tác dụng nhuận tràng.
Hội chứng ruột kích thích là một vấn đề sức khỏe phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài điều trị bằng y học hiện đại, các món ăn bài thuốc Đông y đã chứng minh hiệu quả trong hỗ trợ giảm triệu chứng, cải thiện tiêu hóa và sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, các món ăn này chỉ mang tính hỗ trợ, cần kết hợp chế độ ăn hợp lý, lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.