385 hộ dân thị trấn Bến Quan không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì 'ở trên đất xã khác'
Suốt 30 năm qua, hơn một nửa dân số thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đang xâm cư trên 3 xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Long và có đến 385 hộ trong số đó chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Ở ổn định 30 năm vẫn chưa có sổ đỏ
Ông Trần Trọng Toàn (60 tuổi), là người dân Khóm 2, thị trấn Bến Quan nhưng đang xâm cư trên đất xã Vĩnh Khê. Chỉ ra con đường nhựa mới rải thảm trước mặt nhà, ông Toàn nói đây là ranh giới chia đôi Khóm 2, trong đó đất của dân phía bên kia đã được cấp sổ đỏ, còn phía nhà ông thì vẫn loay hoay khâu thủ tục.
Ông Toàn kể mình là con của cán bộ công nhân Nông trường Quyết Thắng, sinh sống tại đây từ năm 1992. Năm 2013, ông từng đi làm sổ đỏ khi có chủ trương mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bến Quan. Cán bộ địa chính đã đo đạc nhưng không làm được sổ vì lý do chưa hoàn thiện địa giới hành chính.
“Khoảng năm 2019, dự án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tỉnh đã tiến hành đo đạc đất trong 3 đến 4 tháng, hồ sơ đầy đủ nhưng không ra được sổ đỏ do địa giới hành chính không rõ ràng. Dự án trên chấm dứt năm 2022, trả hồ sơ về xã Vĩnh Khê”, vừa nói ông Toàn vừa trưng ra tập hồ sơ đo đạc của dự án mà ông mới rút về để tự tìm cách làm sổ đỏ.
Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất ghi ông Toàn và vợ là bà Cao Thị Hòa đang sử dụng đất tại Thôn 2, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thì xã Vĩnh Khê không còn địa chỉ hành chính Thôn 2 nữa. Vì thế, khu vực ông Toàn và hàng trăm hộ dân khác đang xâm cư không nằm trong địa chỉ hành chính nào.
“Khu vực gia đình tôi đang sinh sống không được xã Vĩnh Khê đưa vào một thôn cụ thể nên không có địa chỉ thửa đất, do đó không cấp được sổ đỏ. Tháng 7/2024, tôi lên xã Vĩnh Khê rút hồ sơ về tự đi làm sổ, sẽ rất khó khăn, tốn kém và cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Không có sổ đỏ nên chẳng thế chấp vay mượn được nguồn vốn để làm ăn”, ông Toàn ngao ngán nói.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (44 tuổi) hộ khẩu Khóm 3, thị trấn Bến Quan, đang xâm cư trên đất xã Vĩnh Khê, cũng mòn mỏi chờ sổ đỏ. “Gia đình tôi mua đất xây nhà ở đây từ năm 2009, vừa rồi có dự án của tỉnh về đo đạc lập hết hồ sơ làm sổ đỏ cho dân, nhưng sau đó xã thông báo dự án dừng và ai muốn tự đi làm thì lên nhận lại hồ sơ. Gia đình tôi khó khăn nên chưa biết phải làm sao để có sổ đỏ”, chị Thoa chia sẻ.
Đó là điển hình khó khăn do hệ lụy xâm cư gây ra khiến 385 hộ dân của thị trấn Bến Quan chưa thể làm sổ đỏ cho những mảnh đất gia đình sinh sống hàng chục năm nay.
Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan Dương Đình Quang thừa nhận, tình trạng xâm cư gây nên nhiều vấn đề trái khoáy cho cả người dân và chính quyền như quản lý đất đai, cấp sổ đỏ, đầu tư hạ tầng...
Đơn cử, dân của thị trấn nhưng sống trên xã khác nên mỗi khi đầu tư hạ tầng như nhà văn hóa, điện, đường, trường, trạm... phải đóng mở ngoặc “xâm cư” vì đang làm thủ tục đầu tư trên địa giới hành chính xã khác. Hay khi có tranh chấp đất đai, thị trấn Bến Quan phải phối hợp nhờ xã bạn đứng ra giải quyết. Một số thủ tục người dân phải giải quyết ở cả thị trấn và xã đang xâm cư.
Vì đâu nên nỗi?
Ông Dương Đình Quang cho biết, năm 1994, thị trấn Bến Quan thành lập trên cơ sở dân số của 12 đội sản xuất thuộc Nông trường Quyết Thắng. Các đội sản xuất này đóng chân trên 2 xã Vĩnh Hà và Vĩnh Khê. Dù dân số được nhập về thị trấn Bến Quan nhưng đất đai, địa giới hành chính của các đội sản xuất lại không sáp nhập về, nên các hộ dân này bỗng trở thành dân xâm cư khi có hộ khẩu thị trấn Bến Quan nhưng sinh sống trên đất xã khác.
“Thị trấn Bến Quan lúc bấy giờ có 7 khóm, 5 thôn, ngay khi thành lập đã tồn tại tình trạng người dân xâm canh, xâm cư các xã khác. Cụ thể, hơn một nửa dân số Bến Quan thuộc 9 thôn, khóm xâm cư 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và Vĩnh Long”, ông Quang thông tin.
Thị trấn Bến Quan nằm về phía Tây huyện Vĩnh Linh. Toàn thị trấn có 1.150 hộ dân thì có đến 550 hộ sống xâm cư trên 3 xã: Vĩnh Khê (202 hộ), Vĩnh Hà (336 hộ) và Vĩnh Long (4 hộ). Trong số 550 hộ xâm cư có 385 hộ chưa được cấp sổ đỏ, cụ thể: Vĩnh Khê 200 hộ, Vĩnh Hà 181 hộ, Vĩnh Long 4 hộ.
Cũng theo ông Quang, năm 2013, thị trấn Bến Quan xây dựng đề án mở rộng địa giới ôm trọn toàn bộ địa giới của các khóm xâm cư. Tuy nhiên, Vĩnh Khê là xã miền núi với 100% dân số người đồng bào dân tộc Vân Kiều nên không thể cắt đất về thị trấn Bến Quan.
Do đó, đề án này bị dừng lại. Đến năm 2019, Huyện ủy Vĩnh Linh thay đổi đề án, mở rộng thị trấn Bến Quan về phía Nam, nhập 3 thôn của Vĩnh Hà có người dân xâm cư, còn xã Vĩnh Khê giữ nguyên địa giới hành chính, do đó 202 hộ dân vẫn tiếp tục xâm cư. “Hiện mốc giới trên thực địa đã được bàn giao, chúng tôi chỉ chờ quyết định của Quốc hội”, ông Quang nói.
Bà Nguyễn Thị Hoài Quyên, cán bộ địa chính thị trấn Bến Quan nói rõ thêm: “Thị trấn Bến Quan vốn có 7 khóm, 5 thôn, sau sáp nhập chỉ còn 5 khóm từ Khóm 1 đến Khóm 5, không còn thôn. Trước đây, người dân Khóm 2, thị trấn Bến Quan nhưng địa chỉ thửa đất là Thôn 2, xã Vĩnh Khê, ghi phiên ngang như vậy.
Nhưng sau khi sáp nhập xong thì bãi bỏ hết. Bởi theo quy định, sáp nhập thì mất hết địa chỉ thôn của Bến Quan, vì cấp thị trấn không có thôn. Đồng thời, các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê cũng chỉ còn địa chỉ các thôn, vì cấp xã không có khóm. Vấn đề ở đây là các hộ dân của Bến Quan xâm cư không được Vĩnh Khê đưa vào địa danh nên mới xảy ra rắc rối như hiện nay”.
Bà Hồ Thị Ngoan, cán bộ địa chính xã Vĩnh Khê cũng thừa nhận, những khu vực xâm cư hoàn toàn không có dân của Vĩnh Khê, lại ở cách xa các thôn của xã nên cán bộ thôn, xã này ít lui tới, trừ những trường hợp đặc biệt. Đất ở các khu vực này không được đưa vào địa giới của các thôn ở Vĩnh Khê nên không có địa chỉ thửa đất, do đó không thể làm sổ đỏ. Ngoài ra, xã Vĩnh Khê không quản lý con người nên việc xác nhận nguồn gốc đất đai gặp khó khăn.
Cách nào để người dân có sổ đỏ?
Hiện nay, có một số hộ dân xâm cư trên đất Vĩnh Khê đã rút hồ sơ về tự đi làm sổ đỏ theo dịch vụ công. Bà Nguyễn Thị Hoài Quyên cho hay, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Vĩnh Khê phải đưa các hộ dân xâm cư vào thôn nào đó gần nhất của xã để cấp đất.
Về vấn đề này, bà Hồ Thị Ngoan, cán bộ địa chính xã Vĩnh Khê cũng cho biết: “Vừa rồi có hướng dẫn của cấp trên nên chúng tôi sẽ đưa các khu đất xâm cư vào những thôn gần nhất để quản lý. Người dân Bến Quan khi muốn cấp sổ đỏ, xã Vĩnh Khê sẽ phối hợp, hoàn thành việc lấy ý kiến khu dân cư”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm, trên địa bàn huyện, dự án đo đạc cấp sổ đỏ cho người dân thực hiện ở các xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thái, thị trấn Bến Quan và thị trấn Hồ Xá. Tuy nhiên, đang làm giữa chừng thì dự án bỏ dở và chuyển về cho huyện Vĩnh Linh tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 94 ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh (về việc thông qua công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính thường xuyên cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025).
Theo ông Tuấn, dự án như một công trình dở dang, phần khó khăn lại giao về cho huyện nên rất vướng. “Bây giờ huyện sử dụng số liệu của dự án trước đó đã làm cũng không tin cậy. Muốn cấp sổ cho các hộ dân phải đo đạc lại từ đầu. Chi phí cho quá trình đo đạc cũng phải lập lại từ đầu. Hơn nữa, mức lương đã thay đổi 2 lần, định mức kỹ thuật trong xây dựng bảng lương để đo đạc tăng lên, trong khi kinh phí trong Nghị quyết 94 của HĐND tỉnh cố định, nên huyện không thể làm được”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, vừa rồi, huyện Vĩnh Linh đã triển khai phát giấy cho người dân để kê khai lại, qua đó thống kê số lượng có nhu cầu đo đạc. Dựa trên cơ sở đó, huyện thuê đơn vị tư vấn lập dự toán ban đầu. “Những ai có nhu cầu làm theo dịch vụ công thì tự làm, tỉnh đã có chỉ đạo vấn đề này. Còn trường hợp đợi Nhà nước làm thì phải chờ huyện lập lại dự án mới”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Như vậy, tình trạng xâm canh, xâm cư nêu trên đã tồn tại ngay từ ngày đầu thành lập thị trấn Bến Quan, người dân hoàn toàn bị động trong vấn đề này. Vì thế, thiết nghĩ chính quyền các cấp cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời và hỗ trợ để người dân thực hiện các bước làm sổ đỏ theo dịch vụ công một cách thuận lợi nhất có thể.
Đồng thời, cần sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập lại dự án mới để cấp sổ đỏ cho dân, giúp họ an tâm sinh sống trên mảnh đất của mình, cũng như thực hiện được các thủ tục vay vốn để phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần ổn định tình hình địa bàn, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.