38 hộ dân bản Muỗng: Bao giờ được an cư?
Kể từ khi sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, 38 hộ dân với 166 nhân khẩu tại bản Muỗng, xã Trung Xuân, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn phải sống trong những khu lều tạm bợ. Tết Nguyên đán đang đến gần, bao giờ người dân mới được tái định cư?
Sống trong lo âu
Đã gần 3 tháng, kể từ khi chính quyền địa phương ban bố lệnh sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, 38 hộ dân bản Muỗng vẫn phải sống trong các khu lán tạm thời do chính quyền bố trí tại bản Mòn.
Trưởng bản Muỗng - ông Hà Văn Niêm không giấu được nỗi buồn khi phải nhìn lại những căn nhà giờ đây không còn hơi ấm, tơ nhện giăng đầy và nằm im lìm trên triền dốc. Đến một ngôi nhà còn khá khang trang, ông Niêm chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt cả cũ lẫn mới chạy từ nền nhà lên tường. Có nhiều khe nứt mở rộng, ăn sâu xuống lòng đất làm vỡ tung nền xi măng. “Đây không phải là lần đầu bản Muỗng xuất hiện các vết nứt và sụt lún mà tình trạng từng xảy ra từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên đến đợt mưa lũ vừa qua, các vết nứt cũ ngày một rộng hơn, thêm vào đó là các vết nứt mới xuất hiện ở khắp nơi, khiến ai cũng lo lắng, bất an” - ông Niêm nói và cho biết, khi sự việc trở nên nghiêm trọng, ông đã báo cáo chính quyền địa phương, đồng thời chuẩn bị phương án sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con, nhất là người già và trẻ nhỏ.
“Sau khi tập hợp đội phản ứng nhanh, tôi dự định tập trung tất cả người già và trẻ nhỏ về nhà văn hóa, phòng khi tình huống xấu xảy ra có thể kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đến chiều ngày 22/9, chính quyền thông báo lệnh sơ tán bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhờ vậy, tất cả các hộ gia đình trong bản đều được an toàn”- ông Niêm kể.
Ngồi thất thần bên căn nhà chỉ vừa hoàn thành được ít ngày trước khi có lệnh sơ tán, bà Hà Thị Văn (trú bản Muỗng) xót xa, tiếc của. Bởi lẽ, căn nhà mà vợ chồng bà phải dành dụm bao năm trời mới dựng được, chưa kịp ở trọn 1 tháng thì đã phải rời bỏ… “Gom góp bao nhiêu năm, rồi vay thêm ngân hàng xây được căn nhà nhưng giờ đành phải bỏ. Tiếc lắm chứ nhưng ở lại thì lo sợ vì không biết bị vùi lấp khi nào. Mong nhà nước sớm bố trí được nơi tái định cư để bà con dân bản chúng tôi được an cư, dựng lại cuộc sống” - bà Văn bày tỏ.
Cần sớm bố trí khu tái định cư
Nói về thực trạng đời sống của người dân bản Muỗng, ông Đinh Công Báo - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết: Bản Muỗng hiện có 10 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. Trước khi phải di dời, có 17 hộ gia đình trong bản đã xây nhà ở kiên cố, một số hộ gia đình chỉ vừa hoàn thành công trình được ít ngày trước khi có lệnh sơ tán. “Về lâu dài, người dân vẫn trông chờ các cấp sớm xây khu tái định cư giúp họ ổn định cuộc sống” - ông Báo mong muốn.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Quan Sơn đã có tờ trình 161 và 162 về việc đề nghị ban bố tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng khẩn cấp khu tái định cư tập trung cho các hộ dân tại bản Muỗng, xã Trung Xuân và bản Cha Khót, xã Na Mèo.
Cụ thể: Đối với khu Muỗng, UBND huyện Quan Sơn đề nghị bố trí xây khu tái định cư đảm bảo an toàn tính mạng cho 38 hộ gia đình; 3 hộ dân ở bản Mòn, 1 hộ ở bản Phụn, 1 hộ ở bản Cạn. Tổng kinh phí thực hiện công trình khoảng trên 38 tỷ đồng, bao gồm: Giải phóng, san lấp mặt bằng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân di dời đến khu tái định cư... Đối với bản Cha Khót: UBND huyện Quan Sơn đề xuất xây khu tái định cư tập trung với tổng kinh phí hơn 47 tỷ đồng.
Trao đổi vơi chúng tôi về vấn đề trên, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sở đã đề nghị huyện chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương trong công tác bố trí tái định cư xen ghép cho các hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ phải đối diện với thiên tai. Song không riêng gì số hộ dân bản Muỗng mà một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Sơn còn gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất cũng như nguồn kinh phí để thực hiện các dự án tái định cư.
“Trước mắt, cần tập trung rà soát quỹ đất để bố trí nơi ở mới an toàn cho các hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư xen ghép ở vị trí phù hợp, không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Đồng thời huy động sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức đoàn thể, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình làm nhà ở, sớm ổn định cuộc sống” - ông Cường nói.
Như vậy, từ nay tới Tết Nguyên đán, nhiều khả năng 38 hộ dân bản Muỗng vẫn phải tiếp tục sống trong những lều dựng tạm bợ.