37 tác phẩm xuất sắc được trao giải chung kết toàn quốc Cuộc thi 'Lắng nghe con nói'
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Chung kết toàn quốc cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông về Bình đẳng giới cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi mang tên 'Lắng nghe con nói'.
Tham dự lễ trao giải có: bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; bà Nông Thị Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cùng khoảng 200 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hội đồng Đội Trung ương; Bộ LĐTB&XH, TƯ Hội LHPN Việt Nam; đại diện Hội LHPN các tỉnh/thành triển khai Dự án 8, các em thiếu niên/thành viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi, đại diện 37 tác giả, nhóm tác giả tiêu biểu có tác phẩm được lựa vào vòng chung kết.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết: Cuộc thi "Sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2023", với tên gọi "Lắng nghe con nói" nhằm phát huy tiếng nói và sự tham gia của trẻ em trong tìm kiếm, lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi; tạo điều kiện để mọi trẻ em được bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, đặc biệt là những mong muốn, ước mơ về một gia đình hạnh phúc, an toàn và bình đẳng.
Cuộc thi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội đồng đội Trung ương và Bộ GD&ĐT triển khai, phát động từ ngày 1/5/2023 đến 15/9/2023 tại 50 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi, thu hút sự tham gia của đông đảo trẻ em các dân tộc, với tổng số 13.311 tác phẩm dự thi (gồm 12.718 tranh và 593 clip). Tỉnh nhiều nhất là 4.247 tác phẩm, tỉnh ít nhất là 21 tác phẩm. Trong đó, 1.533 tác phẩm được lựa chọn qua vòng sơ khảo cấp tỉnh gửi về Ban tổ chức.
Các tác phẩm đa dạng về nội dung (phản ánh một số vấn đề thực tế đang tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập của các em, như: bạo lực gia đình, phân biệt đối xử giữa con trai, con gái, vấn đề tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới…), qua đó thể hiện mong muốn của các em về một gia đình hạnh phúc.
Theo các tiêu chí Cuộc thi về nội dung/chủ đề, hình thức thể hiện, tính sáng tạo và tính khả thi ứng dụng thực tế, 37 tác phẩm tiêu biểu gồm 20 tranh, 17 clip được Ban tổ chức lựa chọn vào vòng chung kết. Các tác phẩm được lựa chọn đều nổi bật về ý tưởng, truyền tải được thông điệp ý nghĩa theo chủ đề cuộc thi, bố cục, hình ảnh, âm thanh tốt. Nhiều tác phẩm có thể ứng dụng trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.
"Thay mặt Ban tổ chức Cuộc thi, tôi xin ghi nhận sự tham gia tích cực, trách nhiệm của hơn 13 nghìn trẻ em các dân tộc trên khắp các vùng miền của cả nước, với hơn 13 nghìn thông điệp/ước mơ của các em được gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Xin chúc mừng 37 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm tiêu biểu vào vòng Chung kết Cuộc thi.
Chúng tôi tin rằng, sau cuộc thi này, nhiều sáng kiến, sản phẩm truyền thông tiêu biểu sẽ được chia sẻ, nhân rộng phù hợp tại các địa phương, đặc biệt là thông qua hoạt động của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực duy trì, nhân rộng CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần các tập tục có hại trong đời sống và tiếp tục có những sáng kiến phù hợp góp phần cùng với cha mẹ, thầy cô và chính quyền địa phương giảm thiểu những khó khăn, rủi ro đang tác động đến chính các em", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết.
DANH SÁCH 37 TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI VÀ 3 TỈNH HỘI ĐƯỢC KHEN THƯỞNG
Cuộc thi "Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về
bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng DTTS và miền núi năm 2023"