Sâu dưới lòng đất gần 20m, robot đào hầm đầu tiên mang tên "Thần Tốc" vẫn đang miệt mài khoan và đã hoàn thiện hơn 150m hầm thuộc dự án đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội.
30 NGÀY TBM 'THẦN TỐC' VÀO HẦM S9
Sáng 30/7, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng các nhà thầu đã khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM, thi công những mét hầm đầu tiên của đoạn đi ngầm tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội.
Nhà thầu chính thực hiện gói thầu là Liên danh HyunDai & Ghella (HGU). Nhà thầu trực tiếp khoan hầm bằng máy TBM là Công ty cổ phần FECON - nhà thầu từng có kinh nghiệm tích lũy trong quá trình khoan hầm dự án tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên).
Việc khoan hầm được thực hiện bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine)...
Vào thời điểm này, mũi khoan của robot TBM1 mang tên Thần Tốc chuẩn bị xuyên qua vách hầm tại ga S9.
Bộ đôi máy TBM được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn. 2 robot đào được đặt ở tầng thứ 3 cũng chính là tầng đáy, cách mặt đường Kim Mã khoảng gần 20m theo hướng... thẳng đứng.
Sau 1 tháng vận hành, toàn bộ phần thân TBM1 đã hoàn toàn nằm sâu trong hầm. Đại diện đơn vị thi công thông tin, TBM1 đã đào được tới 150m hầm sau 30 ngày hoạt động.
Vị trí đường hầm đã đào (vạch vàng) đang hướng thẳng về phía ga ngầm S10 (Cát Linh). Việc đào hầm được bảo đảm đúng hướng dựa vào hệ thống toàn đạc đặt dọc lý trình, kết hợp với các cảm biến ở mũi khoan. (Ảnh: Google Earth)
Sau khi TBM Thần Tốc... mở đường, những mét hầm metro đầu tiên đã được hình thành.
Cứ đào được 1,5m, mũi khoan lại tạm dừng hoạt động để lắp vỏ hầm. Các tấm vỏ hầm được đưa vào vị trí nhờ một cánh tay robot.
Cận cảnh vách hầm trước khi được vận chuyển sâu vào trong hầm.
Vận chuyển các tấm vách hầm vào vị trí mũi khoan.
Công nhân tiến hành vận chuyển các tấm vách hầm bằng tay robot.
Cận cảnh vỏ hầm tại khu vực ga ngầm S9.
TBM khoan tới đâu, lần lượt vỏ hầm cũng sẽ được lắp tới đó. Song song, các hạng mục khác của công trình cũng được hoàn thiện theo phương pháp cuốn chiếu.
Cận cảnh hệ thống đường ray đã được lắp đặt trong hầm tại ga ngầm S9.
Việc thi công khoan hầm đang được tiến hành với sự thận trọng và được giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho các công trình trên mặt đất và tiến độ đề ra.
Một công nhân đang làm nhiệm vụ dưới độ sâu gần 20m so với mặt đất ngày 30/8/2024.
Tiến hành lắp đặt các thiết bị tại khu vực thi công hầm Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Hiện tại, vị trí mũi khoan TBM Thần tốc đang tiếp cận đã nằm cách vách hầm S9 150m. Máy khoan TBM vận hành theo chu trình khép kín, đào với tốc độ lớn nhất là 60mm/phút, trong quá trình đào máy sẽ phun ra trước đầu cắt hóa chất điều hòa đất hay còn gọi là FOAM giúp làm mềm đất, chống bó và hỗ trợ duy trì cân bằng áp lực đầu gương đào.
Cán bộ, công nhân nhà thầu tiến hành phun nước rửa tại sát vị trí mũi khoan.
Tại các khu vực đang tiến hành lắp đặt đều có các biển cảnh báo.
Sau khi vận chuyển hệ thống vách hầm vào vị trí lắp đặt, hệ thống xe công vụ sẽ có nhiệm vụ khác là nhận bùn thải để vận chuyển ra bên ngoài.
Bùn thải, chủ yếu là đất sét, được đổ đầy các khoang xe thông qua hệ thống ống dẫn trước khi được vận chuyển đi.
BẢO ĐẢM AN TOÀN TUYỆT ĐỐI QUÁ TRÌNH THI CÔNG
Do phải thi công dưới độ sâu hàng chục mét so với lòng đất, việc bảo đảm an toàn khi làm việc luôn được đặt lên hàng đầu.
Do phải thi công dưới độ sâu hàng chục mét so với lòng đất, việc bảo đảm an toàn khi làm việc luôn được đặt lên hàng đầu. Ngay khi bước xuống tầng ngầm số 2 của công trường, tất cả sẽ bắt gặp một tấm bảng ghi lại thông số chất lượng không khí ngày hôm đó.
Tại tầng thứ 2, hàng loạt biển báo, các bảng thông tin kỹ thuật, danh sách gần 40 kỹ sư, cũng những điều cần lưu ý khi làm việc trong hầm được đặt ở vị trí trung tâm để ai cũng có thể đọc khi cần.
Dọc khu vực làm việc cũng được bố trí các bộ dụng cụ tự cứu.
Đây là bộ dụng cụ giúp công nhân có thể giúp người trong hầm nâng cao khả năng tự bảo vệ trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Dọc lối đi vào hầm đều có đặt các bình chữa cháy.
Cán bộ công nhân viên di chuyển dọc theo các hành lang hẹp. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, trang phục và rất nhiều yêu cầu đặc thù khác.
Trong phần đường hầm đang được đào ở tầng ngầm thứ 3, một hệ thống lưu thông không khí cũng được lắp đặt. Ống dẫn khổng lồ màu vàng phía trên trần hầm sẽ được nối xuyên suốt, khiến cho không khí được lưu thông.
Các thông số về nhiệt độ, áp suất bên trong hầm luôn được giám sát chặt chẽ.
Một góc công trường thi công tại điểm sâu nhất ga S9.
Phía sau lưng nam kỹ sư là robot TBM2 có tên là Táo Bạo.
Theo kế hoạch dự kiến, chiếc robot Táo Bạo sẽ bắt đầu khoan hầm thứ 2 vào ngày 30/9 khi chiếc hầm thứ nhất đã hoàn thành 200m.
Cận cảnh robot đào hầm Táo Bạo tại vị trí sâu 20m so với mặt đất.
THÀNH ĐẠT - SƠN BÁCH - QUỐC TOẢN