30 năm cống hiến cho sự nghiệp 'trồng người', cô giáo Bắc Giang được phong NGƯT

Cô giáo Phạm Thu Thủy tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán trong nhiều năm, với 35 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và 350 học sinh đoạt giải cấp tỉnh.

Với trình độ chuyên môn vững vàng và sự tận tâm, nhiệt huyết, cô giáo Phạm Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang) đã có nhiều sáng kiến hay, những giải pháp hữu ích, được đồng nghiệp ghi nhận, học sinh yêu mến, phụ huynh quý trọng.

Dành 30 năm tận tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao quý, cô Phạm Thu Thủy mới đây đã được Chủ tịch nước Tô Lâm phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú theo Quyết định 613/QĐ-CTN ngày 27/6/2024.

Nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy hiệu quả

Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có ai theo nghề giáo, ban đầu, cô giáo Phạm Thu Thủy ước mơ trở thành dược sĩ để nghiên cứu về các loại thuốc chữa bệnh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn khi phải nuôi 4 anh em ăn học, bố mẹ cô có nguyện vọng muốn con trở thành giáo viên. Nghe lời cha mẹ, cô Thủy học cao đẳng sư phạm và quyết định theo nghề giáo.

Mặc dù trở thành giáo viên không phải ước mơ ban đầu, nhưng như một lẽ tự nhiên, quá trình học tập và làm việc, cô Thủy đã dành trọn tình yêu cho nghề giáo. Đến hiện tại, công việc của người thầy như đã "ngấm vào máu thịt”, sự tiến bộ của học sinh chính là động lực để cô ngày càng yêu nghề và cống hiến không ngừng nghỉ.

 Cô giáo Phạm Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang.

Cô giáo Phạm Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang). Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang.

Từ năm 2007 đến nay, cô giáo Phạm Thu Thủy đã có 13 sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học được hội đồng thi đua nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đánh giá có tính ứng dụng cao như: "Một số phương pháp hướng dẫn học sinh học và làm bài ở nhà (đối với vùng nông thôn)"; "Một số giải pháp chỉ đạo chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi cấp trung học cơ sở"; "Một số giải pháp đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy mũi nhọn ở Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1"...

Theo cô Thủy, các sáng kiến đều được đúc kết từ kiến thức sư phạm và những trải nghiệm thực tế trong dạy học của bản thân. Cô mong muốn góp công sức của mình giúp đỡ học sinh học tập tốt hơn cũng như đóng góp cho sự phát triển chung của trường.

Trong đó, có thể kể đến sáng kiến nghiên cứu về biện pháp quản lý công tác chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa ở Trường trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1. Sáng kiến đã đề ra 7 nhóm giải pháp hữu ích trong quản lý, điều hành hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần nâng cao chất lượng học sinh giỏi trong trường trung học cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; Thứ hai, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; Thứ ba, nâng cao chất lượng tuyển chọn giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi; Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác tổ chức giảng dạy; Thứ năm, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh; Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; Thứ bảy, tham mưu chế độ chính sách, thi đua khen thưởng để khuyến khích học sinh và giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cô Thủy cho biết, trước khi áp dụng sáng kiến, nhà trường không xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi riêng mà chỉ gắn với kế hoạch chung của nhà trường. Gần tới thời điểm phòng giáo dục và đào tạo có kế hoạch cụ thể, nhà trường mới tổ chức dạy bồi dưỡng với hình thức dạy dồn ép liên tục và không bài bản.

“Nhà trường có một số giáo viên có chuyên môn tốt nhưng không phân bổ đều ở tất cả các môn, nên có giáo viên phải đảm đương dạy đội tuyển ở 2 khối lớp. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các giáo viên hầu như không có.

Học sinh ôn luyện thi học sinh giỏi từ cấp huyện không theo lộ trình bài bản, không gắn với chuyên đề, kế hoạch cụ thể. Dạy học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ mang tính chất "hớt ngọn" vì lớp sau không có nền tảng từ lớp trước”, cô Phạm Thu Thủy chia sẻ.

Sau khi áp dụng sáng kiến của cô Phạm Thu Thủy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và tuyển sinh các lớp chất lượng cao. Bên cạnh đó, trường phân công và giao chỉ tiêu dạy học sinh giỏi các cấp cho giáo viên, yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch, chuyên đề dạy theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, nhà trường xây dựng thời khóa biểu cụ thể, cân đối số tiết dạy, đảm bảo ngày giờ công cho giáo viên. Lượng công việc của các thầy cô được sắp xếp phù hợp và khoa học. Từ đó, học sinh được học bài bản có lộ trình từ lớp 6 đến lớp 9, được tiếp xúc thường xuyên với giáo viên trong mỗi tiết dạy và nâng cao hiệu quả học tập.

 Cô giáo Phạm Thu Thủy hướng dẫn các giáo viên chấm khảo sát lớp 5 tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Phạm Thu Thủy hướng dẫn các giáo viên chấm khảo sát lớp 5 tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1. Ảnh: NVCC.

Điểm nổi bật trong sáng kiến của cô Phạm Thu Thủy là đưa ra giải pháp về việc các trường nên căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi cụ thể, chi tiết ngay từ đầu năm học. Qua mỗi năm, người quản lý sẽ phát hiện ra học sinh giỏi có tố chất, giáo viên có năng lực để tiếp tục bồi dưỡng. Đó chính là chiến lược quản lý, điều hành hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi bền vững và lâu dài.

Sáng kiến của cô Phạm Thu Thủy là căn cứ để tham mưu với ủy ban nhân dân huyện, phòng giáo dục và đào tạo, ủy ban nhân dân xã - thị trấn tiếp tục quan tâm động viên đội ngũ giáo viên, học sinh cả về vật chất và tinh thần, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy học.

Đồng thời giúp cho các trường có phương án phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng giáo viên dạy đội tuyển và học sinh giỏi các cấp.

Bên cạnh đó, sáng kiến còn góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển sinh lớp chất lượng cao theo Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 31/01/2019 của Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng về thực hiện Đề án phát triển trường trung học cơ sở trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025. Qua đó, tạo nền móng kiến thức vững chắc cho các đội tuyển học sinh giỏi tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, giúp giáo viên tuyển chọn chính xác học sinh có học lực giỏi, ham học hỏi, yêu thích môn học tham gia vào các đội tuyển học sinh giỏi.

Nghề giáo là đam mê, gắn bó với nghề lúc nào cũng “thừa năng lượng”

Chia sẻ về nghề nghiệp mình theo đuổi 30 năm qua, cô Phạm Thu Thủy cho biết, 15 năm đầu khi mới vào nghề là khoảng thời gian khó khăn nhất với cô. Gia đình gặp nhiều khó khăn, mức lương thấp không đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản.

Trong khi đó, cô phải vừa đi làm, vừa học đại học, vừa học nâng cao nghiệp vụ, đồng thời chăm sóc con nhỏ. Nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm, chia sẻ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, mọi khó khăn cô đều vượt qua và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nghề.

Trong đó, phải kể đến công tác tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Toán trong nhiều năm. Nữ giáo viên đã dìu dắt 35 học sinh đoạt giải cấp quốc gia và 350 học sinh đoạt giải cấp tỉnh.

Quá trình giúp học sinh ôn thi học sinh giỏi, cô Thủy luôn cố gắng để khơi gợi niềm đam mê, sáng tạo cho các em, đồng thời luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của mỗi học trò.

Đặc biệt, nữ giáo viên dành thời gian tìm hiểu từng học sinh từ hoàn cảnh gia đình đến tính cách cũng như thế mạnh, điểm yếu của từng người. Từ đó, cô khéo léo trao đổi với phụ huynh để khơi dậy niềm đam mê học tập, khuyến khích các em phấn đấu thực hiện ước mơ của mình.

Điều cô Thủy trăn trở nhất là một số học sinh có năng lực học tốt nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên không thể theo học đội tuyển. Chính vì thế, cô luôn cố gắng động viên, khích lệ các em và gia đình vượt qua hoàn cảnh để không lãng phí tài năng.

 Cô giáo Phạm Thu Thủy và học sinh Trường Trung học cơ sở Nham Biền số 1 tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Phạm Thu Thủy và học sinh Trường Trung học cơ sở Nham Biền số 1 tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh việc tham gia giảng dạy môn Toán, cô Thủy còn tham gia sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, học tập kinh nghiệm từ các trường trong và ngoài huyện,… Với yêu cầu ngày càng cao về đổi mới phương pháp giảng dạy và kiến thức chuyên môn, bản thân cô Thủy đã chủ động trau dồi, nghiên cứu, học hỏi để đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục. Cô luôn tự nhủ bản thân phải tìm phương pháp giảng dạy phù hợp nhất cho từng đối tượng học sinh, làm sao để chuyển tải tốt nhất nội dung bài giảng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 cho biết, cô Phạm Thu Thủy là người rất thẳng thắn, nhưng sống chan hòa, luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp về các vấn đề trong cuộc sống.

“Về chuyên môn, cô Thủy là giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng và yêu nghề, luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết và cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp. Dù được phân công nhiệm vụ nào, cô Thủy đều cố gắng đem hết sức lực và sự tâm tâm vào đó, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cô Thủy có nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, tham gia dạy học sinh giỏi cấp tỉnh và có rất nhiều sáng kiến cấp huyện, cấp tỉnh, gây ảnh hưởng và có tác động sâu rộng trong ngành giáo dục”, cô Hiền đánh giá.

Cô Hoàng Thị Hồng Ngọc, giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 từng là học sinh trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi Toán của cô Phạm Thị Thủy. Cô Ngọc cho hay, cô Thủy chính là người truyền lửa yêu nghề, nuôi dưỡng ước mơ làm giáo viên cho bản thân cô, để cô thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sau khi ra trường với tấm bằng loại xuất sắc, cô Ngọc trở về chính ngôi trường phổ thông ở quê của mình giảng dạy và trở thành đồng nghiệp với cô giáo dạy Toán năm xưa.

 Cô giáo Hoàng Thị Hồng Ngọc, giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Ngọc, giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1 (Bắc Giang). Ảnh: NVCC.

Cô Ngọc cho biết, bản thân học hỏi được từ cô Phạm Thu Thủy rất nhiều kinh nghiệm từ chuyên môn đến cuộc sống.

Thời gian gần đây, cô Thủy liên tục đứng các lớp chọn của trường và tham gia dạy các lớp thuộc chương trình trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù công việc quản lý rất vất vả nhưng cô vẫn cố gắng dành thời gian để nâng cao năng lực chuyên môn.

“Là một cán bộ quản lý, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tận tâm với nghề, cô Phạm Thu Thủy là tấm gương sáng về một nhà giáo mẫu mực hết lòng với học sinh và là niềm tự hào của Trường Trung học cơ sở thị trấn Nham Biền số 1. Cô luôn nhiệt tình, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và được các cấp ghi nhận, được đồng nghiệp và các em học sinh ngưỡng mộ, kính trọng”, cô Ngọc cho biết thêm.

Cô Phạm Thu Thủy tâm sự: "Trong quá trình công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân mình đi dạy, hay làm quản lý để đạt được danh hiệu nào đó, mà tôi chỉ cố gắng để làm tròn bổn phận bằng tâm huyết với nghề.

Từ khi học cao đẳng sư phạm, tôi đã thấy yêu nghề giáo, càng về sau, tôi càng thấy công việc này gắn bó với mình như máu thịt. Tuy hiện tại đã 50 tuổi, nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình say sưa với công việc đến mức quên cả thời gian, luôn cảm giác bản thân đang thừa năng lượng".

Với những nỗ lực, cống hiến cho nghề, cô Thủy đã có 17 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 6 lần được tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngoài ra, cô Phạm Thu Thủy còn có 8 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 13 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Bích Ngọc

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/30-nam-cong-hien-cho-su-nghiep-trong-nguoi-co-giao-bac-giang-duoc-phong-ngut-post243965.gd
Zalo