Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Càng Long tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các chính sách, tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào dân tộc.

Đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh trao giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh trao giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Lữ Văn Sáu, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Càng Long cho biết: thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Càng Long luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bài dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tổng số vốn được phân bổ để thực hiện Chương trình 43,505 tỷ đồng gồm: hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 04 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 05 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt 05 hộ, đầu tư xây dựng mới 21 công trình giao thông nông thôn với chiều dài 17,287km và duy tu bảo dưỡng 25 công trình, mở 02 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện Chương trình 135, vốn được phân bổ thực hiện 2,760 tỷ đồng xây dựng 10 công trình (08 tuyến đường nông thôn, 01 cây cầu, 01 hệ thống thoát nước) với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 28 hộ nghèo để thực hiện 05 dự án nuôi bò với kinh phí 360 triệu đồng.

Huyện Càng Long hiện có 12 người được bầu chọn công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Những năm qua, huyện quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tập hợp người có uy tín, xây dựng được lực lượng nòng cốt vùng có đông đồng bào DTTS; tạo điều kiện để người có uy tín phát huy tốt vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, hướng dẫn, động viên đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt công tác hòa giải, vận động Nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trái hoa màu, XDNTM. Từ đó, góp phần trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS, giúp đồng bào ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Ông Sơn Ngọc Kim, ngụ ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh là người có uy tín trong đồng bào dân tộc cho biết: Đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện Càng Long nói chung, bản thân tôi nói riêng thời gian qua đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào Khmer. Từ đó, tạo được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, được các cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng đánh giá cao.

Trong phát triển kinh tế, ông Sơn Ngọc Kim vận động cộng đồng tích cực tăng gia, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, phát huy nội lực, làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Sơn Ngọc Kim có nhiều đóng góp trong XDNTM. Ông luôn nêu gương, tiên phong trong việc hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất và ngày công lao động để XDNTM, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng dân tộc ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Trong xây dựng khối đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, ông Sơn Ngọc Kim kịp thời phát hiện, thông báo giúp chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật trong cộng đồng. Tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, ông đã tham gia giải quyết trên 07 vụ, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào cảnh giác sự dụ dỗ, lôi kéo của những phần tử xấu chống đối chính quyền; vận động đồng bào tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc luôn được quan tâm, hiện tại, các ấp vùng đồng bào dân tộc đều có trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Chất lượng dạy và học được nâng lên. Việc dạy và học song ngữ ở các trường phổ thông được tổ chức dạy học ngữ văn Khmer tại 12 điểm trường có đông học sinh Khmer. Thực hiện chính sách hỗ trợ người dạy bổ túc văn hóa tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND, ngày 19/11/2020 của HĐND tỉnh, tổng kinh phí hỗ trợ trên 107 triệu đồng.

Một góc nông thôn mới ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long.

Một góc nông thôn mới ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long.

Toàn huyện Càng Long có 86 giáo viên là người DTTS (83 giáo viên Khmer; 03 giáo viên người Hoa) chiếm tỷ lệ 4,75 % so với số giáo viên toàn huyện. Số học sinh người DTTS 1.762 học sinh, chiếm 8,27% học sinh toàn huyện. Tỷ lệ trẻ dân tộc trong độ tuổi đến trường bậc tiểu học đạt 100%, bậc THCS đạt 99,67%, bậc THPT đạt 66,45%. Trên địa bàn các xã vùng dân tộc có 05/13 trường đạt chuẩn quốc gia.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Càng Long từ ngày thành lập trường đến nay không ngừng củng cố, hoàn thiện về cơ sở vật chất và đổi mới chương trình dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương.

Đồng chí Thạch Na Riêng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Càng Long cho biết: để nâng cao chất lượng giáo dục đối với trường phổ thông dân tộc nội trú, những năm học qua, trường thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, giáo viên coi trọng việc giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, tự học ở trường đối với những học sinh nội trú. Cùng với đó, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Đổi mới phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.

Bên cạnh dạy chữ, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Càng Long còn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng nhân cách cho học sinh. Trường tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa giúp học sinh tìm hiểu về sức khỏe ở lứa tuổi vị thành niên, về ý thức chấp hành luật giao thông, phòng chống bạo lực học đường, phòng tránh ma túy, đuối nước... nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết; chú trọng việc giáo dục cho các em về nét đẹp văn hóa, biết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình...

Ngoài ra, với đặc thù là trường giáo dục chuyên biệt, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Càng Long thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với học sinh theo đúng quy định. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, hàng năm tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng, xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 100%, năm học 2023 - 2024 có nhiều học sinh đạt giải các hội thi, cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh như: đoạt giải Nhất cấp tỉnh Cuộc thi đại sứ văn hóa đọc; đoạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba Cuộc thi Video bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc cấp tỉnh; đoạt 01 giải Nhì, 02 giải Ba, 01 giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Trà Vinh lần thứ 11...

Công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm luôn được Huyện ủy, UBND huyện xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua đó, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án với nội dung, giải pháp phù hợp và đạt kết quả cao, giải quyết được nhu cầu bức xúc của người nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo chung của huyện là 177 hộ, chiếm tỷ lệ 0,45%; hộ cận nghèo 1.042 hộ, chiếm 2,63%, trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 34 hộ, chiếm tỷ lệ 1,34% và hộ cận nghèo Khmer 150 hộ, chiếm tỷ lệ 5,83% so với tổng số hộ Khmer. So với năm 2019, số hộ nghèo giảm 994 hộ, số hộ cận nghèo giảm 1.423 hộ, trong đó hộ nghèo Khmer giảm 291 hộ, hộ cận nghèo Khmer giảm 271 hộ.

Đồng chí Lữ Văn Sáu cho biết thêm: thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc được xác định là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trong huyện đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Những kết quả đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài, ảnh: KIM LOAN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/cham-lo-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-39243.html
Zalo