30/4 - Khi người trẻ nhìn lại lịch sử
Không sống trong thời chiến, nhưng nhiều bạn trẻ hôm nay vẫn quan tâm và tìm cách hiểu ngày 30/4 theo cách riêng của mình, gần gũi, thực tế và đầy suy ngẫm.

Nguồn ảnh: QĐND
Với nhiều người trẻ, ngày 30/4 – Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – không còn gói gọn trong những bài học lịch sử hay dòng sự kiện trên mạng xã hội. Đó là một dịp để suy ngẫm, để kết nối với ký ức dân tộc theo cách riêng của thế hệ sinh ra trong hòa bình. Không sống trong thời chiến, nhưng giới trẻ hôm nay vẫn đang tìm cách hiểu và trân trọng lịch sử bằng sự chủ động, qua những câu chuyện gia đình, hoạt động xã hội và cả những lựa chọn rất nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.
Lê Trung Dũng, sinh viên năm tư Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ rằng ngày 30/4 với em luôn gắn liền với ký ức từ những câu chuyện của ông nội – người từng trải qua thời chiến tranh. “Em vẫn nhớ những lần ông kể về việc phải đi sơ tán, ăn cơm độn sắn, sống thiếu thốn đủ thứ. Ông bảo rằng thống nhất đất nước là điều mà cả dân tộc phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Nhờ những câu chuyện đó, em hiểu rõ hơn vì sao ngày 30/4 lại quan trọng,” Dũng nói.

Hình ảnh Hình ảnh bạn Lê Trung Dũng bên những lá cờ đỏ sao vàng
Với nhiều bạn trẻ khác, dù không có ký ức gia đình gắn với chiến tranh, nhưng sự quan tâm đến lịch sử vẫn được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Trần Quang Linh, sinh viên năm 4 Học viện Ngoại giao, cho biết: “Em nghĩ 30/4 không chỉ là dịp để tưởng niệm mà còn là dịp để nhìn lại mình – xem bản thân đã làm được gì để đóng góp cho đất nước. Hòa bình mà chúng ta đang sống không phải điều tự nhiên có được, mà là thành quả của rất nhiều hy sinh trước đó.”

Hình ảnh bạn Trần Quang Linh - Sinh viên năm 4 trường Học viện Ngoại giao
Đinh Lan Chi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lại tiếp cận lịch sử từ những trải nghiệm cụ thể. “Em nghĩ lịch sử sẽ dễ cảm hơn nếu được kể bằng cảm xúc thật, bằng những hoạt động thực tế chứ không chỉ là con số, mốc thời gian. Em từng cùng bạn bè xếp hàng cả tiếng chỉ để nhận phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân vào dịp 30/4. Đọc những bài viết ấy giúp em hiểu ngày này không chỉ là sự kiện, mà là ký ức và niềm tự hào của cả dân tộc,” Chi chia sẻ.

Hình ảnh bạn Đinh Lan Chi bên lá cờ đỏ sao vàng
Ngày 30/4 không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà còn là thời gian để giới trẻ suy ngẫm về quá khứ và những giá trị họ đang thừa hưởng. Dù không trực tiếp trải qua chiến tranh, nhưng họ vẫn tìm cách kết nối với lịch sử, hiểu và trân trọng những hy sinh của các thế hệ đi trước, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm gìn giữ và phát triển những thành quả mà đất nước đã đạt được.