3 yêu cầu chủ đạo đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Chiều 27/11, tại Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - TECHFEST Việt Nam năm 2024 với chủ đề 'Chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam'.
Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức.
Khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Hải Phòng cùng các bộ, cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ tổ chức sự kiện quan trọng này.
Đây là năm thứ 10 TECHFEST được tổ chức, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự 4 lần, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời đánh giá cao phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của đất nước.
Chia sẻ về những nguyên nhân phải phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng phân tích, khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá, thậm chí kiến tạo những thị trường mới, ngành, lĩnh vực mới, phương thức sản xuất kinh doanh mới, lực lượng sản xuất mới.
Khởi nghiệp sáng tạo là một đột phá cần thiết để khai thác có hiệu quả những tiến bộ của khoa học công nghệ, ĐMST. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Khởi nghiệp sáng tạo để bứt phá, vượt qua chính mình, để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại, là yếu tố đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Khởi nghiệp sáng tạo để hướng tới xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm ĐMST khu vực và thế giới, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc, tinh thần con người Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. ĐMST là động lực mới cho phát triển trong kỷ nguyên mới, tạo ra lực lượng sản xuất mới" - Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố rất quan trọng để thực hiện thành công các công việc là thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, kịp thời để không bỏ lỡ thời cơ. Việt Nam là nước đi sau, vừa có cơ hội, vừa có thách thức, nhưng khát vọng của chúng ta là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên. ĐMST có những rủi ro, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, phải vượt qua chính mình.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và ĐMST, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.
Văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra phương hướng: Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và ĐMST nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và ĐMST và Nghị định của Chính phủ quy định một số nội dung về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã đạt những kết quả quan trọng, như có những công ty kỳ lân, hình thành Trung tâm ĐMST quốc gia.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả quan trọng bước đầu mà các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp cho thành tựu chung của đất nước…
Khởi nghiệp sáng tạo phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro
Định hướng thời gian tới, theo Thủ tướng, thế giới ngày nay đang biến đổi nhanh, phức tạp và khi tình hình thay đổi thì tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý công việc cũng phải thay đổi phù hợp. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ, ĐMST.
Thủ tướng nêu rõ, 3 yêu cầu chủ đạo đặt ra đối với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia là: Thu hút được các nguồn lực từ các tập đoàn quốc tế, quốc gia cho khởi nghiệp sáng tạo; nuôi dưỡng và phát triển nhiều kỳ lân công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ mới; tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn diện, bao trùm, bền vững.
Về quan điểm, khởi nghiệp sáng tạo cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Khởi nghiệp sáng tạo cần có tư duy mới, nhận thức mới, cách làm mới. Phải có tư duy hỗ trợ, thay vì không quản được thì cấm. Phải có tư duy hợp tác phát triển, thay vì xin cho. Phải có tư duy dài hạn, vì lợi ích chung, lâu dài, thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt.
Khởi nghiệp sáng tạo cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám tiên phong, dám hành động, vượt lên chính mình, dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước, trong đó có lợi ích của mình.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là một trụ cột quan trọng để thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, ĐMST, tạo đột phá về thể chế thúc đẩy mô hình kinh doanh mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải là môi trường nuôi dưỡng, đào tạo thế hệ doanh nhân công nghệ tương lai. Tinh thần đặt ra là: "Đổi mới để bay cao; sáng tạo để vươn xa; hội nhập để phát triển".
6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy ĐMST, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, hướng đi cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, trong đó tập trung cho các lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số…
Cùng với đó, bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các phong trào khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thị trường, "sàn giao dịch" cho ĐMST, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo.
Một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, có cơ chế, chính sách đột phá tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; khẩn trương xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung và trình Chính phủ ban hành Nghị định về khởi nghiệp sáng tạo, ĐMST.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 94/2020 về Trung tâm ĐMST quốc gia (hoàn thành trong tháng 12/2024).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tích hợp khởi nghiệp sáng tạo vào các chương trình đào tạo và giảng dạy, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tham gia.
Bộ Ngoại giao cần phát huy vai trò cầu nối quốc tế, mở rộng mạng lưới kết nối tri thức toàn cầu, đặc biệt là huy động sự tham gia của cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài, trí thức người nước ngoài ở Việt Nam; Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu chính sách visa phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan chú trọng chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn phong phú, xu hướng toàn cầu của các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo để ứng phó phù hợp. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức, hành động và tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong từng ngành, lĩnh vực một cách bài bản và có trọng tâm, trọng điểm.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo (linh hoạt ứng dụng chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương).
Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sáng tạo, mô hình phù hợp để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân tham gia các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nhất là tiếp cận nguồn tài chính, phòng thí nghiệm, mạng lưới chuyên gia, cố vấn trong nước, quốc tế…
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân tích cực tham gia một cách thiết thực, cụ thể các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giúp Việt Nam sớm theo kịp các nước trong khu vực, trên thế giới. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần phải là một "hạt nhân đổi mới" góp phần tạo động lực mới cho nền kinh tế, khẳng định trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng đề nghị các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trường đại học…) phát huy vai trò là cầu nối, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nguồn lực (vốn đầu tư, cố vấn chuyên môn, mạng lưới chuyên gia, thị trường). Cập nhật liên tục những mô hình hỗ trợ tiên tiến, ứng dụng công nghệ và dữ liệu lớn trong việc đánh giá, phát triển và theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến mở rộng quy mô và vươn ra quốc tế, tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ cam kết đồng hành, giữ vai trò kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Trong đó, chính sách phải ổn định, lâu dài cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư; xây dựng mô hình quản lý tập trung với một đầu mối, bảo đảm quy trình thuận lợi, tránh phiền hà, sách nhiễu cho khởi nghiệp ĐMST; tạo thị trường, thúc đẩy cung cầu cho ĐMST. Xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở, visa, đi lại, vốn ưu đãi… cho khởi nghiệp ĐMST. Xây dựng các quy định về huy động vốn như thông qua sàn giao dịch chứng khoán…/.