3 thói quen là 'ngòi châm' đột quỵ ở người trẻ
Bên cạnh các yếu tố di truyền, một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.

Khi ăn quá nhiều muối, tim phải hoạt động vất vả hơn để đẩy máu qua hệ thống tuần hoàn. Ảnh: Freepik.
Đột quỵ xảy ra khi tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn đột ngột, khiến các tế bào não chết, mất chức năng thần kinh. Khi tắc nghẽn mạch máu lớn trong thời gian dài, số lượng tế bào não chết với thể tích lớn có thể dẫn đến hiện tượng phù nề, gây ảnh hưởng đến ý thức, hôn mê.
PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết độ tuổi đột quỵ trung bình tại Việt Nam nằm ở ngưỡng 60. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận không ít trường hợp người trẻ hơn ngưỡng tuổi này phải nhập viện vì đột quỵ.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố về gene, lối sống kém lành mạnh cũng góp một phần không nhỏ trong việc làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Ăn quá mặn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ tối đa 5 g muối/ngày để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ đến 9,4 g muối/ngày, gần gấp đôi con số khuyến cáo.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, khi tiêu thụ quá nhiều muối, tim phải hoạt động vất vả hơn để đẩy máu qua hệ thống tuần hoàn, từ đó làm tăng huyết áp. Bên cạnh đó, muối cũng gây tổn thương thành mạch, thu hẹp lòng mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như đột quỵ.
Không chỉ ảnh hưởng đến tim mạch, tiêu thụ nhiều muối còn gây tác động tiêu cực lên thận. Bình thường, thận có chức năng điều chỉnh lượng natri và nước trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi ăn quá nhiều muối, sự cân bằng này bị phá vỡ, khiến nồng độ natri trong máu tăng cao. Điều này dẫn đến hiện tượng giữ nước, làm tăng thể tích máu và gây áp lực lớn hơn lên thành mạch. Về lâu dài, tình trạng này có thể làm xơ cứng động mạch, góp phần làm tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Uống rượu bia thường xuyên
Thường xuyên tiêu thụ rượu bia với lượng lớn có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, theo Tổ chức Đột quỵ Thế giới.
Trước hết, tăng huyết áp là một trong những hậu quả rõ rệt nhất. Rượu bia khiến huyết áp tăng cao, làm tổn thương hệ tuần hoàn và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Trên thực tế, huyết áp cao là nguyên nhân dẫn đến hơn một nửa số ca đột quỵ.

Tiêu thụ rượu bia có thể gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ sau đó. Ảnh: Shutterstock.
Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều rượu có thể gây rung nhĩ (AF) - một dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Khi rung nhĩ xảy ra sẽ hình thành cục máu đông trong tim. Nếu những cục máu này di chuyển lên não, chúng có thể gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến đột quỵ.
Cuối cùng, rượu bia còn có thể dẫn đến tổn thương gan, làm giảm khả năng sản xuất các chất giúp đông máu. Khi chức năng gan bị suy giảm, nguy cơ chảy máu trong não tăng lên, dẫn đến xuất huyết não – một dạng đột quỵ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Thức khuya, làm việc quá sức
Thói quen thức khuya thường xuyên làm rối loạn đồng hồ sinh học của tim và mạch máu não. Lúc này, cơ thể tiết ra quá nhiều adrenaline và norepinephrine, dẫn đến một số hậu quả như:
Mạch máu co lại, giảm lưu lượng máu lên não và tim.
Huyết áp tăng cao, làm tăng áp lực lên thành mạch.
Nhịp tim rối loạn, dễ gây huyết khối và hình thành cục máu đông – yếu tố chính dẫn đến đột quỵ.
Bên cạnh đó, thói quen "tham công tiếc việc" cũng là một phần nguyên nhân gia tăng nguy cơ đột quỵ. Một nghiên cứu trên quy mô một triệu người do các nhà khoa học tại University College London thực hiện cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng dần theo số giờ làm việc. Cụ thể, người làm việc 41–48 giờ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 10%, 49–54 giờ là 27%, và người trên 55 giờ là 33%.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng mặc dù chưa thể khẳng định giờ làm việc dài là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ, nhưng mối liên hệ này rất rõ ràng. Họ cho rằng làm việc quá sức có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng kéo dài, làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, những người làm việc nhiều giờ thường ít vận động và có xu hướng phớt qua các dấu hiệu cảnh báo sớm, dẫn đến đột quỵ sau đó.