3 phương án bố trí cấp trưởng tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức của hai bộ đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, thậm chí phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của ngành và đất nước
Ngày 20/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chiều qua, Bộ này cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị triển khai đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ mới thành lập bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, việc hợp nhất này không chỉ đơn giản là một sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả công việc của cả hai bộ; giúp nâng cao tính hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nói về công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có một cơ chế quản lý mạnh mẽ hơn, giúp giải quyết các vấn đề môi trường trong phát triển nông nghiệp, từ bảo vệ tài nguyên đất, nước cho đến kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững trong ngành Nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết, tính đến nay đã có 448 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhấn mạnh quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hết sức khó khăn, nhạy cảm và phức tạp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các cán bộ, công chức, viên chức của hai bộ đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, thậm chí phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của ngành và đất nước. Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 2.890 công chức và hơn 12.000 viên chức.
"Ban Chỉ đạo rất hoan nghênh tinh thần này và cũng khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức còn thời gian công tác ngắn, nhất là những trường hợp còn dưới ba năm công tác tự nguyện xin nghỉ chế độ và nghỉ hưu sớm theo quy định tại Nghị định 178 để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp tổ chức cán bộ của tổ chức mới, thời hạn đăng ký trước 25/2.
Đảng ủy, lãnh đạo bộ và các cơ quan, đơn vị sẽ có hình thức biểu dương, tôn vinh đối với sự tự nguyện, vì lợi ích chung của các cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm cả việc đề xuất khen thưởng theo thành tích cống hiến", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói thêm.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, theo phương án sắp xếp, hợp nhất hai bộ, dự kiến có 23/40 người đang là cấp trưởng các cục, vụ, các đơn vị trực thuộc bộ phải sắp xếp bố trí công tác khác. Việc sắp xếp, bố trí công tác cán bộ các đơn vị có ba phương án. Thứ nhất, những người làm nhiệm vụ cấp trưởng sẽ tiếp tục làm cấp trưởng của đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập. Thứ hai, có thể điều động, phân công để làm cấp trưởng một đơn vị khác nếu phù hợp hơn về năng lực cũng như yêu cầu công tác. Thứ ba, có thể bố trí làm cấp phó của đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập hoặc một đơn vị khác phù hợp với năng lực sở trường.