3 nút thắt cần tháo gỡ để TP Thủ Đức đột phá về hạ tầng
TP Thủ Đức cần tháo gỡ 3 điểm nghẽn lớn về cơ chế chính sách, nguồn lực, bộ máy để tạo đột phá về hạ tầng.
Sau 4 năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn còn "điểm nghẽn" trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông dẫn đến nhiều dự án còn kéo dài thời gian thực hiện.
Trong bối cảnh đó, Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 được đánh giá sẽ là chìa khóa tháo gỡ những điểm nghẽn này, tạo động lực để TP Thủ Đức phát triển xứng tầm.
Đánh thức những dự án hạ tầng
Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Trong đó nổi bật là TP Thủ Đức kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án phát triển hạ tầng.
Quy hoạch mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng, từ đó mở ra nhiều cơ hội để phát triển, hoàn thiện TP Thủ Đức.
Đơn cử như đoạn 3 của dự án vành đai 2 (nối đường Phạm Văn Đồng với nút giao Gò Dưa) dài 2,75km, tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng theo hình thức BT, khởi công từ 2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.
Cạnh đó, dự án ga Bình Triệu - đầu mối giao thông quan trọng của TP Thủ Đức được quy hoạch từ năm 2002 với diện tích hơn 41ha nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Hay khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994 với diện tích ban đầu 466ha, từng được kỳ vọng đạt chuẩn Olympic nhưng sau 30 năm khu vực vẫn là bãi đất trống.
Một số dự án lớn khác như Khu đô thị Đại học Quốc gia, khu đô thị Thủ Thiêm... vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
![TP Thủ Đức còn nhiều dự án dang dở. Ảnh: NT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_114_51497220/af4a7cfe51b0b8eee1a1.jpg)
TP Thủ Đức còn nhiều dự án dang dở. Ảnh: NT
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - ông Hoàng Tùng cho biết địa phương hiện có 535 dự án đang mời gọi đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 800.000 tỉ đồng, tập trung vào các khu vực trọng điểm như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc, Khu đô thị Trường Thọ...
Theo Đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 của TP Thủ Đức, hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nội tại TP Thủ Đức với phần còn lại của TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại.
Phát triển đô thị theo định hướng gắn với giao thông công cộng (TOD); phát triển nhiều tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng như tuyến đường nối Liên cảng Cát Lái – Phú Hữu – Nút giao Vành Đai 3 – Cao tốc TP.HCM - Long Thành Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc TP.HCM – Chơn Thành.
3 nút thắt cần tháo gỡ
Trao đổi với PV PLO, Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết TP Thủ Đức được thành lập theo mô hình mới - thành phố trong thành phố với kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá về mọi mặt.
Đây được định vị là khu vực đầu tàu phát triển của thành phố và có những hạng mục đầu tư mới mang tính chất lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ví dụ như phát triển đô thị sáng tạo, đô thị đại học...
"Đồ án quy hoạch mới sẽ giúp TP Thủ Đức có những bước phát triển đột phá hơn với những hạ tầng mới, hệ thống giao thông vươn mình mạnh mẽ" - ông Sơn đánh giá.
Theo ông Sơn, để hiện thực hóa được những định hướng mang tính mục tiêu, TP Thủ Đức cần giải quyết được khó khăn lớn về nguồn lực, cơ chế chính sách và bộ máy, đội ngũ nhân sự.
Thứ nhất là vấn đề tài chính, TP.HCM đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh về hạ tầng kết nối vùng và thực hiện đồng loạt nhiều dự án trọng điểm. Trong đó, TP Thủ Đức là khu vực có nhiều hạ tầng phát triển, ví dụ như các tuyến metro, đô thị TOD, các tuyến đường vành đai, đường kết nối vùng...
TP.HCM đang gặp khó khăn về tài chính, ngân sách nên nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho TP Thủ Đức còn có giới hạn, chưa được mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức phải đối mặt với khó khăn về cơ chế, chính sách. Mặc dù là thành phố trong thành phố, đô thị loại 1 nhưng về mặt cơ chế vẫn còn một số bất cập.
"Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý, thúc đẩy phát triển cho TP Thủ Đức. Để giải quyết bài toán này trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế cần có cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa trong nước và nước ngoài, cơ chế để giúp việc đền bù giải tỏa hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn" - ông Sơn nhận định.
![Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc 30 năm vẫn nằm trên giấy. Ảnh: NT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_17_114_51497220/57359b81b6cf5f9106de.jpg)
Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc 30 năm vẫn nằm trên giấy. Ảnh: NT
Theo ông Sơn, vấn đề thứ 2 là TP Thủ Đức cần tận dụng những lợi thế của nền tảng quy hoạch tốt và những đổi mới về cơ chế, sự chỉ đạo của Trung Ương như Nghị Quyết 98, Nghị Quyết 57.
Về mặt ngân sách khi cơ chế đã khơi thông thì sẽ thu hút được nguồn ngân sách lớn, giúp việc thực hiện các dự án trọng điểm thuận lợi. Khi đó, TP Thủ Đức không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách công mà phần lớn dựa vào vốn đầu tư xã hội hóa trong nước và nước ngoài.
Cuối cùng là thử thách về việc phát triển đồ án theo tư duy kinh tế thị trường, trong đó có tiềm năng phát triển đô thị TOD dọc theo những tuyến metro.
Thực tế, việc phát triển đô thị TOD, đô thị đại học, đô thị thể dục thể thao Rạch Chiếc, khu trung tâm TP Thủ Đức ở phường Trường Thọ, khu trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm... đều dang dở, chưa thể hiện thực hóa.
Điều này cũng đặt ra bài toán về nhân sự. TP Thủ Đức phải thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để công tác triển khai các dự án lớn hiệu quả hơn. Đó là các thử thách lớn cũng như giải pháp để thu hút phát triển cho TP Thủ Đức, tạo ra sự đột phá về hạ tầng.
TP.HCM định hướng tăng trưởng 2 con số thì chắc chắn TP Thủ Đức có nhiệm vụ phải đi đầu trong câu chuyện này. Hiện nay, TP Thủ Đức đang trên con đường đi đến kỳ vọng đó và đồ án quy hoạch mới sẽ là chìa khóa để mở ra nhiều cánh cửa. Đi kèm với đó, TP Thủ Đức rất cần có hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, ngân sách, nhân lực để tương xứng với nhiệm vụ to lớn này.
Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn
Đồng tình, TS Huỳnh Phước Nghĩa nhận định để TP Thủ Đức có thể phát triển đột phá, TP.HCM buộc phải cố gắng đơn giản hóa hệ thống, có mô hình thành phố đủ sức để phát triển mạnh mẽ hơn, đơn giản hóa thủ tục. TP Thủ Đức cần được trao quyền nhiều hơn, trao quyền trong quản lý, quyền ra quyết định…. liên quan đến những lĩnh vực, mảng, nhiệm vụ mà pháp luật cho phép. Cạnh đó, để tạo ra sự đột phá cho địa phương đòi hỏi năng lực chủ động, sáng tạo, kết hợp đa năng đa nhiệm để có bước chuyển đổi rõ rệt.