3 không khi ăn lòng lợn
Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người, dưới đây là 3 không khi ăn lòng lợn.
Lòng lợn luộc là món ăn phổ biến trong nhiều nền ẩm thực châu Á, bao gồm Việt Nam. Lòng có độ giòn dai, thường được ăn kèm mắm tôm, bún hoặc cháo. Tuy nhiên, lòng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe nếu không được chế biến đúng cách.
Dưới đây là 3 lưu ý khi ăn lòng lợn:
Không ăn quá 2 lần mỗi tuần
Dù lòng lợn nhiều dưỡng chất như protein, sắt nhưng cũng chứa lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Cleveland Clinic cho biết, ăn quá nhiều nội tạng động vật có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, lòng cũng chứa nhiều purin - hợp chất khiến bệnh gout nặng hơn.
Vì vậy, người dân chỉ nên ăn lòng lợn 1-2 bữa mỗi tuần; cần kết hợp với chế độ ăn lành mạnh gồm rau xanh, trái cây và protein nạc.

Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng cần ăn đúng cách
Không ăn lòng chưa chín kỹ
Một trong những nguy cơ lớn nhất là ăn lòng chưa được nấu chín hoàn toàn. Do là nội tạng nên lòng có thể chứa nhiều loại ký sinh trùng và vi khuẩn gây hại, như:
- Trichinella spiralis: Giun xoắn dẫn đến đau cơ, sốt và rối loạn tiêu hóa.
- Virus viêm gan E: Có thể tồn tại trong gan và lòng lợn, gây viêm gan - đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
- Vi khuẩn Salmonella, E.coli: Gây tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, người dân nên mua lòng lợn từ nguồn uy tín, sơ chế kỹ lưỡng. Theo khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lòng cần được rửa nhiều lần, dùng muối hoặc giấm để khử mùi và diệt khuẩn. Ngoài ra, bạn nên dùng riêng dao, thớt và rửa sạch tay, bề mặt bếp sau khi tiếp xúc với nội tạng sống. Tuyệt đối không dùng chung dao, thớt giữa lòng sống và lòng chín, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Những người không nên ăn lòng lợn
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những người dưới đây không nên ăn lòng lợn:
Người mắc bệnh gout
Lòng lợn chứa hàm lượng purin cao, làm tăng axit uric trong máu, từ đó dễ kích hoạt các cơn đau do gout. Việc tiêu thụ thường xuyên có thể gây lắng đọng tinh thể urat ở khớp, làm bệnh trầm trọng hơn và nguy cơ dẫn đến biến chứng như suy thận, sỏi tiết niệu.
Người bị bệnh tim mạch, mỡ máu cao
Lòng lợn chứa nhiều cholesterol, đặc biệt là loại cholesterol xấu, có thể làm tăng mỡ máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Người bị cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch nên hạn chế hoặc tránh xa món ăn này.
Người có hệ tiêu hóa kém
Lòng lợn nhiều chất béo, khó tiêu, có thể gây đầy bụng, khó chịu, đặc biệt với người bị rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoặc thường xuyên đau bụng, tiêu chảy.
Người thừa cân, béo phì
Lượng calo trong lòng lợn khá cao, có thể khiến người thừa cân khó kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol như lòng lợn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa.
Người bị viêm gan, xơ gan
Gan có vai trò chuyển hóa và đào thải độc tố, nhưng khi bị tổn thương, chức năng này bị suy giảm. Do đó, người mắc bệnh gan nếu ăn lòng lợn thường xuyên có thể khiến gan quá tải, làm bệnh nặng hơn.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn nội tạng động vật, đặc biệt nếu không rõ nguồn gốc, vì nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng như giun sán. Nếu ăn phải lòng lợn chưa nấu chín hoặc không đảm bảo vệ sinh, mẹ bầu có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis, một tác nhân nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.